Giấc mơ ô tô made-in-Vietnam sụp đổ

Tác giả: Cafebiz

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 30/06/2016 13:56

Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam trước đây chưa thành công

qen-giac-mong-o-to-made-in-vietnam-1467169456749-c
 

Thừa nhận chiến lược phát triển công nghiệp ô tô của Việt Nam trước đây chưa thành công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết theo chiến lược mới, Việt Nam sẽ chọn 1 nhà đầu tư uy tín trên thế giới để tham gia vào chuỗi sản xuất của họ.

Đắm đuối theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô made-in-Vietnam, Vinaxuki liên tục lỗ và phải bán nhà máy để trả nợ. Ảnh: Trung Anh.

Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại chính sách đầu tư 2016, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam hết sức quan tâm đến việc phát triển công nghiệp ô tô.

Với chiến lược phát triển ô tô trước đây, Bộ trưởng Dũng cho rằng nguyên nhân chiến lược này “không được thành công lắm” là do kinh nghiệm và nhận định của Việt Nam chưa đầy đủ.

“Thị trường Việt Nam không lớn, hiện tiêu thụ nội địa đâu đó không đến 200.000 xe/năm, trong khi Việt Nam có tới 14 cơ sở lắp ráp ô tô. Nếu chia con số 200.000 xe ấy cho mỗi cơ sở thì số xe/cơ sở là quá nhỏ. Như vậy, không thể hình thành nên thương hiệu nào cho xe ô tô riêng của Việt Nam”, ông Dũng lý giải.

Cũng theo ông Dũng, vừa qua, Chính phủ đã ký phê duyệt một chiến lược phát triển ô tô đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

“Theo đó, Việt Nam sẽ cố gắng tập trung vào một phân khúc, một dòng xe nào đó, với một thương hiệu nào đó”, ông Dũng nói.

Nhưng việc này không phải để phát triển một dòng xe made-in-Vietnam, mà để tìm một nhà đầu tư có uy tín trên thế giới, để Việt Nam tham gia vào chuỗi của họ và định vị phân khúc phù hợp với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong thời gian tới.

Khuyến khích lắp ráp và tham gia chuỗi cung ứng của DN FDI

Đầu năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhằm quy định cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Các hỗ trợ gồm:

- Hỗ trợ về tín dụng, kích cầu, phát triển thị trường

Các dự án đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị để sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, lắp ráp ô tô và xe chuyên dùng của các doanh nghiệp trong nước được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định về tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước.

Với doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất, xuất khẩu linh kiện, phụ tùng và xe nguyên chiếc, được hưởng chính sách tín dụng xuất khẩu theo quy định hiện hành.

Doanh nghiệp sản xuất các dòng xe ưu tiên được hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định của Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.

- Ưu đãi thuế, đất đai

Các dự án đầu tư sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô được hưởng các ưu đãi về đất đai theo quy định pháp luật về công nghiệp hỗ trợ. Các dự án đầu tư có quy mô lớn sản xuất các dòng xe ưu tiên và các bộ phận động cơ, hộp số và cụm truyền động, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức ưu đãi hơn vê tiền thuê đất (miễn, giảm) cụ thể đối với từng dự án.

Các dự án sản xuất, lắp ráp các dòng xe ưu tiên phát triển có quy mô lớn, ngoài việc được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi như trên sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định hỗ trợ, ưu đãi đối với từng dự án cụ thể theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Các chính sách nêu tại Quyết định này thực hiện nhất quán trong thời gian tối thiểu 10 năm.

Ý kiến của bạn

Bình luận