Cũng như giấy CMND, thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước công dân (thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân; đồng thời là giấy tờ tùy thân duy nhất) của người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Thẻ Căn cước giá trị hơn
Thẻ căn cước không chỉ có ý nghĩa là giấy tờ nhận dạng như giấy CMND mà còn có ý nghĩa là giấy tờ thể hiện toàn bộ vấn đề về lai lịch, nhân dạng của công dân. Theo đó, số thẻ Căn cước công dân chính là số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân là mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân.
Và, với số định danh cá nhân này, cơ quan quản lý có thể tìm kiếm được đầy đủ thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia như: Ảnh chân dung; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Họ, tên gọi khác; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quê quán; Dân tộc; Tôn giáo; Quốc tịch; Tình trạng hôn nhân; Nơi thường trú; Nơi ở hiện tại; Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; Đặc điểm nhân dạng; Vân tay; Nhóm máu; Nghề nghiệp; Trình độ học vấn; Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích…
Bởi vậy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm bất kỳ giấy tờ khác chứng nhận các thông tin nêu trên. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng hơn.
Hơn nữa, thẻ Căn cước công dân còn có “giá trị” hơn giấy CMND ở chỗ ngoài việc sử dụng trong các giao dịch và đi lại trong lãnh thổ Việt Nam, thẻ còn có thể sử dụng như giấy tờ tùy thân khi ra nước ngoài - trong trường hợp Việt Nam ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được dùng thẻ Căn cước công dân thay cho hộ chiếu.
Hình dáng Thẻ căn cước thế nào?
Hiện nay, Bộ Công an đã công bố mẫu Thẻ Căn cước công dân: có hình chữ nhật, bốn góc được cắt tròn, chiều dài 85,6mm, chiều rộng 53,98mm, độ dày 0,76mm. Mặt trước có hình Quốc huy (đường kính 14 mm); ảnh của người được cấp thẻ (cỡ 20 mm x 30 mm); số; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; quê quán; nơi thường trú…
Mặt sau gồm các thông tin: Trên cùng là mã vạch hai chiều; bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái, ô dưới, vân tay ngón trỏ phải của người được cấp thẻ; bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ, chữ đệm và tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp thẻ...
Hai mặt của thẻ Căn cước công dân in hoa văn màu xanh nhạt. Nền mặt trước thẻ Căn cước công dân gồm: hình ảnh trống đồng, bản đồ Việt Nam, hoa sen và các hoa văn, các họa tiết trang trí. Nền mặt sau thẻ Căn cước công dân gồm các hoa văn được kết hợp với các họa tiết đường cong vắt chéo đan xen… Đặc biệt, thẻ Căn cước công dân được sản xuất bằng chất liệu nhựa, ngoài cùng của hai mặt có phủ lớp màng nhựa mỏng trong suốt.
Theo Bộ công an, quy định về mẫu Thẻ Căn cước công dân này (Thông tư 61/2015) sẽ có hiệu lực và được áp dụng từ ngày 1-1-2016 và thay thế Thông tư số 57/2013 của bộ này - quy định về mẫu CMND. Tuy nhiên, các địa phương chưa có điều kiện triển khai cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo mẫu này thì tiếp tục thực hiện theo quy định cũ (vẫn cấp đổi giấy CMND) nhưng chậm nhất đến ngày 01-01- 2020 phải thực hiện thống nhất theo mẫu quy định mới.
Bộ Công an cũng đã giao trách nhiệm cho Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào tháng 9 hàng năm phải lập dự trù nhu cầu sử dụng thẻ Căn cước công dân của địa phương mình cho năm tiếp theo gửi Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư để tổng hợp, báo cáo Tổng cục Cảnh sát; để Tổng cục Cảnh sát tổng hợp, lập dự trù nhu cầu sử dụng thẻ Căn cước công dân trên toàn quốc gửi Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật sản xuất mẫu thẻ Căn cước công dân; sau đó Tổng cục cảnh sát nhận lại mẫu thẻ để sản xuất thẻ Căn cước công dân và thống nhất quản lý, kiểm tra thẻ Căn cước công dân trên toàn quốc.
Được biết, một số địa phương như Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu... sẽ tiến hành cấp Thẻ Căn cước từ tháng 1-2016.
Thủ tục cấp, đổi thẻ căn cước đơn giản
Theo Luật căn cước, thẻ Căn cước cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi và được đổi thẻ khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Việc cấp, đổi theo quy định nói trên hoàn toàn miễn phí. Chỉ thu phí đối với các trường hợp cấp, đổi thể theo yêu cầu của công dân. Theo quy định của Bộ Tài chính vừa ban hành thì phí cấp thẻ là 70.000 đồng và đổi thẻ là 50.000 đồng.
Để đáp ứng nhu cầu cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, luật quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau: Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương. Ngoài ra, cơ quan quản lý Căn cước công dân cũng có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ của công dân trong trường hợp cần thiết (Điều 26).
Như vậy, người dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Tuy nhiên, do việc này còn tương đối mới mẻ, nên theo Bộ Công an trước mắt, việc cấp thẻ căn cước công dân sẽ được thực hiện giống cấp chứng minh thư 12 số (tại phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội công an các tỉnh, thành phố; Công an quận, huyện và đơn vị hành chính tương đương).
Được biết, đợt cấp Thẻ Căn cước công dân đầu tiên trên cả nước sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 1-1-2016. Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội, cho biết đơn vị của ông đã tập huấn cho hơn 200 cán bộ chiến sĩ thuộc các quận, huyện tại 31 điểm của thành phố về việc cấp loại thẻ mới này.
Nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Luật quy định: công dân đến làm Thẻ Căn cước công dân chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp thẻ Căn cước công dân. Tương tự, thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân cũng thế, người đến làm thủ tục chỉ cần điền vào tờ khai theo mẫu quy định mà không cần xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn vì các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Giấy CMND có giá trị đến hết năm 2019
Để bảo đảm giá trị sử dụng của những giấy CMND được cấp trước ngày Luật Căn cước có hiệu lực (1-1-2016), tránh gây xáo trộn cho công dân trong các giao dịch, Luật Căn cước quy định đối với Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.
Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31-12-2019. Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu Căn cước công dân để triển khai thi hành theo luật này thì công tác quản lý công dân thì vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực; nhưng chậm nhất từ ngày 01-01-2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của luật này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.