Bất chấp những nỗ lực nâng cấp của các đối thủ, trong 5 tháng đầu năm 2016, Ranger liên tục ghi tên mình vào vị trí nhất nhì về doanh số trên toàn thị trường và trở thành dòng sản phẩm thành công nhất trong lịch sử của Ford tại Việt Nam. Điều gì đã khiến dòng xe này “bất bại” trong phân khúc xe bán tải đang ngày càng ăn khách hiện nay?
Phiên bản hiện tại của Ford Ranger đã có mặt trên thị trường được gần một năm và từng có đợt tăng giá nhẹ do những thay đổi về cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng từ tháng 01/2016. Dù vậy, sức hút của mẫu xe nhập nguyên chiếc từ Thái Lan này dường như không có dấu hiệu giảm dù các đối thủ như Nissan Navara hay Mazda BT-50 mới có những nâng cấp bổ sung để tăng sự hấp dẫn.
Trên thực tế, có thể nói Ranger là một trong những mẫu xe có tốc độ cải tiến, cập nhật công nghệ thuộc dạng nhanh nhất trên thị trường và việc Ford nhanh chóng đưa phiên bản mới của mẫu xe này về nước chỉ một thời gian ngắn sau khi trình làng ở Thái Lan đã giúp ghi điểm đáng kể với khách hàng Việt Nam.
Xét về ngoại thất, mẫu xe này được nhiều khách hàng nhận định là hấp dẫn với phong cách thiết kế khoẻ khoắn và hiện đại.
Ranger được thừa hưởng những đường nét thiết kế của chiếc SUV cỡ lớn Ford Everest thế hệ mới với lưới tản nhiệt hoàn toàn mới vươn cao ngạo nghễ, đèn sương mù kiểu mới to và đẹp như đèn pha thu nhỏ. Những đường gờ nam tính và tinh tế trên nắp capô và dọc thân xe tạo cho Ranger một dáng vẻ nổi bật trên phố đông. Cản trước và mâm xe có dáng vẻ mạnh mẽ và bề thế. Dù có dáng vẻ khá hợp với thành thị nhưng thiết kế khoảng sáng gầm xe lên tới 230mm cùng khả năng lội nước sâu đến 800mm, Ranger thừa sức chinh phục những cung đường khó hay chống chọi với những nơi ngập lụt tại Thủ đô trong những ngày mưa bão.
Sau khi ghi điểm với dáng vẻ bên ngoài, Ranger khéo léo lấy lòng khách hàng với hàng loạt trang bị công nghệ cao bên trong cabin xe. Được ra đời với vai trò là dòng xe lưỡng dụng có chức năng chở hàng nhưng tại Việt Nam, dòng xe này lại hướng tới chăm chút khách hàng chẳng khác gì một chiếc xe du lịch tiện nghi. không gian nội thất xe rộng rãi với cách bố trí thông minh, tràn đầy công nghệ và các nút bấm được sắp xếp khoa học theo kiểu Mỹ.
Điểm trừ hiếm hoi của nội thất Ranger 2015 có lẽ là không có cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau nhưng hệ thống điều hòa toàn xe khá ổn. Khu vực táp-lô được bố trí cân đối, thân thiện với người dùng khiến việc làm quen xe trở nên dễ dàng. Xe được trang bị màn hình cảm ứng 8 inch, có thể điều chỉnh hầu hết mọi tính năng từ kết nối, radio, nghe nhạc hay bản đồ.
Vô-lăng thiết kế vừa tay với hàng loạt nút bấm tích hợp như kết nối Bluetooth với điện thoại, nghe gọi rảnh tay (kết nối SYNC 2), nút điều khiển để xem các thông tin hành trình và thông tin của xe, cài Cruise Control, bật cảnh báo làn đường hay thậm chí điều khiển khả năng đổ đèo của xe khi sử dụng hỗ trợ đổ đèo.
Đây là một trong những điểm cộng quan trọng của Ranger so với đối thủ. Bên cạnh đó, dù là xe bán tải nhưng Ford Ranger “đẳng cấp” hơn khi có tính năng điều khiển bằng giọng nói. Bấm một nút nhỏ trên vô-lăng và bắt đầu ra lệnh, SYNC 2 trên Ford Ranger, người lái có thể dễ dàng ra lệnh cho chiếc xe bằng những khẩu lệnh bằng tiếng Anh từ thay đổi nhiệt độ trong xe tới chuyển kênh Radio, chuyển bài hát hay gọi điện thoại cho người thân...
Ngoài ra, SYNC 2 còn sở hữu tính năng hỗ trợ khẩn cấp. Trong trường hợp xảy ra những va chạm nghiêm trọng, tính năng này sẽ giúp thực hiện cuộc gọi đến các trung tâm cứu hộ được cài đặt sẵn hoặc gọi đến số của người thân.
Phiên bản lái thử lâu nhất được trang bị động cơ 3.2L, dẫn động 4 bánh và hộp số tự động 6 cấp. Phiên bản này có công suất về lý thuyết lên tới 147 kW và mô-men xoắn 470Nm.
Nội thất sang trọng |
Chưa nói tới sức mạnh đáng nể - vốn là đặc sản của dòng bán tải, Ranger dễ dàng lấy lòng người dùng với vị trí lái cao ráo, tầm quan sát tốt, vô-lăng vừa tay dễ dàng điều khiển với trợ lực thay đổi theo tốc độ cùng nhiều tính năng điện tử hỗ trợ lái.
Trên đường cao tốc, cài Cruise Control 80km/h và thậm chí bật cảnh báo làn đường, người lái có thể tận hưởng chuyến đi một cách an nhàn. Trong phố đông, kiểu dáng bề thế có thể sẽ gây khó đôi chút trong việc tìm chỗ đỗ hay chui vào ngõ hẹp. Tuy nhiên, các hệ thống hỗ trợ như cảm biến va chạm sẽ giúp người lái không quá khó khăn khi luồn lách thoát khỏi sự cố ùn tắc.
Còn trên địa hình xấu với đá sỏi và bùn ướt, mẫu xe này mới thực sự được “khoe” sức mạnh. Chuyển chế độ 2 cầu, khởi động chế độ hỗ trợ đổ đèo, mọi con dốc đều trở nên đơn giản và người dùng không cần quá quan tâm đến chân phanh nữa bởi chiếc xe tự hãm tốc độ an toàn. Khoảng sáng gầm xe lớn, hệ thống treo linh hoạt cùng các tính năng kiểm soát tải trọng chủ động, hỗ trợ phanh khẩn cấp cho phép xe không gặp nhiều khó khăn khi lội suối hay vượt qua bùn đất.
Qua một hành trình dài gần 1.000km, chúng ta có thể cảm nhận được khá rõ sức hút đến từ dòng xe Mỹ này.
Nếu đặt lên bàn cân cùng các đối thủ như; Mazda BT-50, Nissan NP-300 Navara, Mitsubishi Triton, Chevrolet Colorado hay mới đây nhất là Toyota Hilux, Ranger không quá vượt trội về sức mạnh nhưng mẫu xe này lại ghi điểm nhờ những tính năng công nghệ và khả năng “nịnh” người lái và những người ngồi trên xe.
Ngoài ra, không chỉ có lợi thế chung về phí trước bạ (vốn chỉ có 2%) của dòng bán tải, Ranger còn hơn phần lớn các đối thủ khi có dải lựa chọn về giá nhiều nhất. Dòng xe này có tới gần chục phiên bản với giá từ 616 triệu đồng đến 921 triệu đồng. Sự đa dạng về giá, trang bị cũng như việc sở hữu hàng loạt công nghệ mới có lẽ là lý do khiến Ranger bỏ xa các đối thủ và vững chãi trên ngôi vương trong suốt một thời gian dài.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.