Bảo trì hệ thống giao thông |
Xóa 51 điểm đen
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ VN, năm 2021, dự toán Ngân sách chi cho công tác quản lý bảo trì là 9.986 tỷ đồng (cơ cấu gồm : 1.281,7 tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, vận hành khai thác phà, cầu phao và vận hành công trình khác; 7.760,8 tỷ đồng sửa chữa định kỳ (gồm cả chi trả các dự án chuyển tiếp từ 2020); 866,3 tỷ chi công tác sửa chữa đột xuất và 167,6 tỷ chi các nhiệm vụ khác). Trong quá trình thực hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập hồ sơ điều chỉnh, bổ sung dự toán chi Ngân sách Nhà nước 2021 để triển khai các nhiệm vụ chi phù hợp yêu cầu công việc, tiến độ và tình hình thực hiện.
Tính đến cuối tháng 6, toàn hệ thống giải ngân đạt 3.515,4 tỷ đồng bằng 35% dự toán chi được giao. Khối lượng thực hiện đạt khoảng 30% (riêng công tác bảo dưỡng thường xuyên đạt 50%), khối lượng thực hiện đã đủ thủ tục để nghiệm thu A-B đạt 20%. Khối lượng thực hiện và khối lượng nghiệm thu A-B chưa cao là do quý I còn đấu thầu, việc triển khai thi công chủ yếu từ quý I, mặt khác các đơn vị chưa hoàn thành thủ tục thí nghiệm và thủ tục nghiệm thu. Đồng thời, công tác đấu thầu qua mạng đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công quản lý, bảo dưỡng thường xuyên toàn hệ thống quốc lộ, cao tốc sử dụng vốn nhà nước đã hoàn thành để thực hiện hợp đồng 36 tháng, kể từ 01/4/2021- 31/3/2024. Toàn bộ các dự án đã có kế hoạch chi đã hoàn thành đấu thầu qua mạng và đang tích cực triển khai thi công, nhiều dự án sửa chữa đột xuất, sửa chữa điểm đen đã và đang triển khai thi công rất tích cực. Kết quả nhiều đoạn đường hư hỏng, xuống cấp đã được sửa chữa, nhiều công trình cầu đã và đang tiếp tục được sửa chữa, gia cường.
Hệ thống an toàn giao thông "tường lốp" đang được xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật |
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ tính đến 30/6, các đơn vị đã xóa 51 điểm đen và điểm tiềm ẩn mất ATGT, sơn kẻ 119.000 mét trên mặt đường, thay 1.190 biển báo, sửa và bổ sung 75.000m hộ lan, đã góp phần bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, kéo giảm TNGT trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ VN đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan và địa phương về xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho tường lốp, để có thể áp dụng đại trà góp phần giảm thiểu thiệt hại do TNGT gây ra.
Đẩy mạnh công tác giải ngân
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với các Cục QLĐB, Sở GTVT và các đơn vị phấn đấu hoàn thành toàn bộ các kế hoạch, chương trình công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ và cao tốc của cả năm.
Xây dựng hệ thống an toàn, đường cứu nạn |
Theo đó, các đơn vị sẽ tiêp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ GTVT về công tác khắc phục nước dâng ngập 31 vị trí quốc lộ tại Tây nam bộ và các điểm ngập lụt khác; Triển khai các công việc cần thiết để chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc kế hoạch bảo trì năm 2022; Đặc biệt, tập trung triển khai thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng, kiểm định, quan trắc và các nhiệm vụ chi khác để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân 100% vốn bảo trì từ Ngân sách nhà nước giao; tăng cường quản lý chất lượng, khối lượng tiến độ và các thủ tục nghiệm thu, thanh toán đúng quy định của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng các tuyến đường quốc lộ, chất lượng, hiệu quả các dự án sửa chữa và công tác bảo dưỡng thường xuyên, công tác vận hành các bến phà, cầu phao.
Đồng thời, Tổng cục Đường Bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai nhanh chóng, kịp thời công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là thiên tai do bão, lũ, lụt gây ra đối với các công trình đường bộ; Tăng cường rà soát, xử lý điểm đen về tai nạn giao thông; theo dõi kiểm tra phát hiện các điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT báo cáo Bộ GTVT kịp thời để cho chủ trương khắc phục; Tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch mua sắm, trang cấp vật tư, thiết bị dự phòng phục vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2022 và 3 năm 2022-2024. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch bảo trì 2022 đã được thực hiện tại từng đơn vị cho từng tuyến đường và được Tổng cục ĐBVN xây dựng kế hoạch cả hệ thống quốc lộ và trình Bộ GTVT (Tờ trình 59/TCĐBVN-KHĐT ngày 28/5/2021), với các số liệu chính gồm: Kế hoạch bảo trì theo nhu cầu cần 25.705,7 tỷ đồng. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế, danh mục đề nghị ưu tiên 1 để sửa chữa năm 2022 có tổng mức kinh phí là 7.547,66 tỷ đồng – tương đương như dự toán chi cho các dự án sửa chữa 2021.
Trong đó xử lý 242 điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT; sửa chữa 135 cầu yếu, cầu có hư hỏng, xuống cấp; gia cố 246 km quốc lộ từ 3,5 m lên 5,5 m để các phương tiện giao thông có thể tránh, vượt nhau; thảm bê tông nhựa 401 km đường đang là láng nhựa (trong đó có nhiều tuyến tại đồng bằng sông Cửu Long), áp dụng công nghệ tái sinh nguội và công nghệ khác tại các dự án với tổng giá trị khoảng 1115,3 tỷ đồng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.