Giải ngân kịp thời đáp ứng công tác bảo trì đường bộ

An toàn giao thông 25/07/2017 14:47

Tổng cục ĐBVN đã kịp thời giải ngân 2.212/2.668 tỷ đồng, bằng 82,9% vốn đã cấp thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên (BDTX), sửa chữa định kỳ (SCĐK) cho các cục, các sở GTVT trực tiếp quản lý, đáp ứng yêu cầu giao thông thông suốt, an toàn.

IMG_1828

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Lê Hồng Điệp - Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục ĐBVN) cho biết, năm 2017, số kinh phí dành cho công tác bảo trì đường bộ lên đến 7.794 tỷ đồng, trong đó số dư kinh phí năm 2016 chuyển sang là 688 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao là 7.106 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/6/2017, tổng kinh phí đã được cấp đạt 2.668 tỷ đồng, trong đó số dư kinh phí năm 2016 chuyển sang là 688 tỷ đồng, kinh phí đã được cấp năm 2017 là 1.980 tỷ đồng. Tổng cục ĐBVN đã kịp thời giải ngân 2.212 tỷ đồng, bằng 82,9% vốn đã giao cho các đơn vị thực hiện công tác BDTX, SCĐK, đáp ứng yêu cầu giao thông thông suốt, an toàn 19.777km do các cục, các sở GTVT trực tiếp quản lý; 2.245km đường BOT đang xây dựng hoặc đã đưa vào khai thác và 952km quốc lộ đã bàn giao cho các dự án xây dựng.

Cũng theo ông Lê Hồng Điệp, nguyên nhân số vốn đã cấp còn lại (456 tỷ đồng, bằng 17,1% vốn giao) chưa giải ngân được là do hiện nay các đơn vị đang tiến hành các thủ tục để giải ngân số vốn đã giao cho từng dự án. Một số dự án đã chuyển thủ tục giải ngân ra kho bạc địa phương để làm thủ tục rà soát trước khi cho giải ngân tiếp. Một số dự án đã có khối lượng thi công nhưng cần hoàn thiện các thủ tục thí nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm thi công trước khi được phép nghiệm thu khối lượng A-B và nghiệm thu hoàn thành công trình, hạng mục công trình. Khối lượng nghiệm thu A-B: 2.394 tỷ đồng, bằng 89,73% vốn giao.

Cùng với đó, bên cạnh việc tham gia công tác thanh tra, các vụ, cục thuộc Tổng cục ĐBVN đã trực tiếp kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh các vi phạm chất lượng. Thông qua việc tuần đường, trong tháng 01/2017 đã kịp thời phát hiện sự cố đứt cáp chủ, dầm hộp của cầu Tân Đệ trên QL10, trong tháng 6 phát hiện sự cố đứt cáp cầu Yên Lệnh trên QL38. Tính đến ngày 30/6/2017, tổng khối lượng BDTX đạt 50% (tương đương khối lượng thực hiện cùng kỳ năm 2016); hoàn thành việc phê duyệt kinh phí bổ sung BDTX phần mặt đường và mặt cầu năm 2017 theo phân cấp của Bộ GTVT, với tổng kinh phí duyệt là 429,3/524,8 tỷ đồng, thấp hơn kế hoạch bảo trì Bộ GTVT giao 95,5 tỷ đồng. Đối với công tác SCĐK, tính đến ngày 15/6/2017, khối lượng thực hiện đạt khoảng trên 80% tổng giá trị kế hoạch bảo trì. Theo số vốn đã giao, khối lượng đã thực hiện đạt trên 100%. Các cục quản lý đường bộ, sở GTVT và ban QLDA cam kết phấn đấu đến 30/6 sẽ cơ bản hoàn thành dự án theo kế hoạch chi được giao, trừ các dự án bổ sung kế hoạch, chưa có vốn hoặc có yêu cầu xử lý kỹ thuật đặc biệt.

Cũng trong trong 6 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã tập trung sửa chữa 126 cầu; sửa chữa thay thế, bổ sung và làm mới 27.581md cống; xây mới 319.475md rãnh thoát nước; sửa chữa 54.700md rãnh; xây dựng, sửa chữa 56.155md hộ lan, tôn sóng; bổ sung, thay thế 42.978 chiếc cọc tiêu; bổ sung, sửa chữa 5.915 biển báo, gương cầu; sơn vạch kẻ đường đạt 191.566m2; đã phối hợp với Jica thí điểm chống thấm mặt cầu bằng công nghệ của Nhật Bản tại 3 cầu trên QL18; rà soát toàn bộ cầu trên hệ thống quốc lộ; tổ chức kiểm tra tại một số đơn vị và các cục quản lý đường bộ. Qua đó, đã xử lý chấm dứt hợp đồng bảo dưỡng trước thời hạn với Công ty 482 (tuyến N2 Long An) và xử phạt theo hợp đồng; yêu cầu một số đơn vị BDTX bổ sung công việc hoặc thực hiện lại. Đối với các dự án SCĐK, đã yêu cầu các đơn vị thay vật liệu (chủ yếu là đá) không bảo đảm tiêu chuẩn, loại bỏ kết cấu bê tông cốt thép đúc sẵn không bảo đảm chất lượng, bề mặt không bảo đảm quy định; khắc phục vị trí thi công mặt đường, lề đường không bảo đảm kỹ thuật (ví dụ: QL37 Sơn La; một số dự án tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên; xử lý vi phạm chất lượng tại một dự án do Sở GTVT Bắc Kạn làm chủ đầu tư với hình thức chấm dứt hợp đồng tư vấn giám sát trước thời hạn, buộc nhà thầu thi công làm lại các vị trí không đảm bảo chất lượng; tiếp tục xử lý nhà thầu vi phạm chất lượng tại các dự án bảo trì thời kỳ 2015 - 2016 theo kết quả của Thanh tra Bộ GTVT.

Kịp thời, sửa chữa đột xuất, khắc phục bão lũ bước 1: 292 công trình với số kinh phí 596 tỷ đồng; xử lý 232 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT với kinh phí 220 tỷ đồng; sửa chữa đột xuất 11 cầu với số kinh phí 17 tỷ đồng; thay thế, bổ sung 1.970 biển báo; sơn kẻ 950km vạch sơn đường; sửa chữa, bổ sung 212km hộ lan tôn sóng; điều chỉnh lại 32 điểm dải phân cách giữa trên các tuyến quốc lộ; xử lý 87/97 vị trí đường sắt giao cắt với quốc lộ và 700 điểm song song với đường quốc lộ.

Thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, các đơn vị đang triển khai thực hiện, trong đó có các tuyến đã triển khai được nhiều như QL4D của Sở GTVT Lào Cai; QL70, QL1, QL10 của Cục QLĐB I; QL1 khu vực Đồng Nai, Long An của Cục QLĐB IV... Đặc biệt, trong tháng cao điểm từ 16/5/2017 đến 15/6/2017, các cục quản lý đường bộ và sở GTVT đã ra quân xử lý hàng nghìn vụ vi phạm. Nhiều vị trí lấn chiếm đã được tháo dỡ nhà tạm, lều quán, mái vẩy, dẹp lại vỉa hè, lòng đường... Cùng với đó, lực lượng chức năng đã xử lý 202/773 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn mất ATGT (kinh phí 190 tỷ đồng) tập trung vào các điểm nguy hiểm, cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ lẻ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ; các điểm khác trước mắt xử lý tạm thời bằng biển báo, gờ giảm tốc, phát quang, gương cầu... Dự kiến đến hết quý IV/2017 sẽ tiếp tục xử lý khoảng 278 điểm (kinh phí dự kiến khoảng 210 tỷ đồng). Các điểm còn lại (sau khi đã xử lý tạm): 293 điểm (kinh phí dự kiến khoảng 1.224 tỷ đồng) sẽ xử lý dần trong kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản

Ý kiến của bạn

Bình luận