Giải pháp cấp bách lấp những “lỗ hổng” trong quản lý ĐTNĐ

Tác giả: Vũ Thành Vũ

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/04/2016 09:14

Trước những hạn chế trong lĩnh vực ĐTNĐ, việc tìm “thuốc đặc trị liều cao” đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành GTVT.


Nhiều điểm yếu trong năng lực quản lý nhà nước

Trước tình trạng TNGT đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đang diễn biến phức tạp, sáng 31/3, Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GTVT tổ chức cuộc họp bàn tìm những giải pháp cấp bách bảo đảm TTATGT đường TNĐ và thông qua Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường bảo đảm TTATGT ĐTNĐ.

cau_sap_1_zing
Vụ xà lan đâm sập cầu Ghềnh ngày 20/3 gây tê liệt hệ thống giao thông đường thủy và đường sắt Bắc - Nam (Ảnh: zing.vn)

Ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 2 năm qua, số người chết do TNGT đường thủy có chiều hướng gia tăng. Năm 2014 tăng 14 người (31,1%), năm 2015 tăng 12 người (20,3%). Đặc biệt, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện thủy vi phạm các quy định về TTATGT ĐTNĐ; công tác quản lý không đảm bảo; tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

Trong quý I năm nay đã có một số vụ TNGT rất nghiêm trọng liên quan đến ĐTNĐ như vụ tàu Thành Luân 28 đâm hỏng cầu An Thái tại Hải Dương; vụ xà lan chở cát đâm sập Cầu Cơn Độ tại Hà Tĩnh và đặc biệt là vụ xà lan đâm sập 2 nhịp cầu Ghềnh (Đồng Nai) ngày 20/3 gây tê liệt giao thông đường sắt tuyến Bắc-Nam và đường thủy.

tau_thuy
Tàu Thành Luân 28 đâm vào nứt dầm cầu An Thái (Hải Dương) ngày 6/3 (Ảnh: Zing.vn)

Liên quan đến xu hướng tai nạn phức tạp này, việc yếu kém trong quản lý nhà nước về lĩnh vực ĐTNĐ được xác định là nguyên nhân lớn. Theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (ĐTNĐVN) Trần Văn Thọ, ĐTNĐ vốn là lĩnh vực giao thông thế mạnh của Việt Nam và trong những năm qua đã đáp ứng đáng kể cho nhu cầu vận tải trong nước. Song, đây cũng là lĩnh vực đang gặp rất nhiều khó khăn hạn chế, đặc biệt là còn nhiều “lỗ hổng”.

Phó Cục trưởng Trần Văn Thọ cho biết, công tác quản lý nhà nước về vận tải thủy nội địa (TNĐ) đang tồn tại sự chồng lấn quản lý giữa Cảng vụ ĐTNĐ Trung ương và địa phương. Hiện có rất nhiều bến trái phép, lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng nhưng chính quyền địa phương chưa có các biện pháp xử lý kiên quyết để giải tỏa. Các bến này đang thu hút lượng lớn phương tiện vận tải hoạt động “ngoài vòng kiểm soát” nhờ sự “thả trôi” của chính quyền địa phương, trong khi lực lượng Cảng vụ Trung ương lại không có thẩm quyền để xử lý.

Cùng với đó, công tác tổ chức triển khai lực lượng Cảng vụ ĐTNĐ chưa phủ kín trên các tuyến ĐTNĐ địa phương. Trong số 17 cảng vụ ĐTNĐ địa phương chỉ có 3 Cảng vụ là cơ quan sự nghiệp có thu, các Cảng vụ còn lại là cơ quan hành chính, nên rất khó khăn về kinh phí cũng như lực lượng để triển khai; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Cảng vụ viên còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, Sở GTVT các địa phương chưa có bộ máy quản lý chuyên trách về hoạt động giao thông ĐTNĐ nói chung, trong đó có công tác quản lý phương tiện TNĐ (trừ Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh).

_DSC5259_Snapseed
Công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực ĐTNĐ hiện còn nhiều vướng mắc

Đánh giá về công tác thanh kiểm tra, Phó Cục trưởng cho biết, lực lượng Thanh tra ĐTNĐ của Cục ĐTNĐVN đã thay đổi rất nhiều về mô hình tổ chức kể từ ngày hình thành. Trong đó, từ năm 2011 đến nay, lực lượng này cũng trải qua những giai đoạn khó khăn về tổ chức, điều hành hoạt động của các đội Thanh tra. Do đó, hoạt động của lực lượng thanh tra này kém hiệu quả. Lực lượng làm công chức thanh tra được biên chế ít so với phạm vị trách nhiệm gần 7.000km; kinh phí thực hiện nhiệm vụ hạn chế, trung bình 19 triệu đồng/người/năm, giảm trên 1/3 so với trước năm 2013. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ công chức thanh tra hiện nay chưa đồng đều; phương tiện phục vụ công tác thanh tra, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp.

Đồng thời, mô hình tổ chức của Thanh tra Sở GTVT thì đều tổ chức các đội Thanh tra theo địa bàn cấp huyện nhưng thực hiện nhiệm vụ thanh tra cả đường bộ và ĐTNĐ, có rất ít địa phương tổ chức Đội Thanh tra đường thủy riêng.

Đồng quan điểm với Cục ĐTNĐVN, ông Trần Kỳ Hình – Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, nếu Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia, các UBND tăng cường kiểm soát, cùng phối hợp thực hiện đăng kiểm phương tiện, đồng thời chỉ đạo các cơ quan quản lý tốt các bến TNĐ hoạt động không phép thì việc quản lý phương tiện chưa đăng kiểm và không quay lại đăng kiểm sẽ tốt lên rất nhiều.

Áp dụng thành công của đường bộ sang đường thủy

Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhằm áp dụng một cách hiệu quả thiết thực những giải pháp cấp bách đảm bảo “bình yên sông nước”.

“Trong những tháng đầu năm 2015 đã xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách. Nhưng sau hàng loạt các giải pháp quyết liệt của ngành GTVT, đến nay, TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đã được kiềm chế và kiểm soát tốt. Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp đảm bảo TTATGT đường bộ cũng được đưa vào áp dụng mang lại những chuyển biến rất tích cực. Đó là 1 thành công và thể hiện sự hiệu quả cụ thể nhất. Vì thế, các cơ quan, đơn vị hữu quan phải tiếp thu và áp dụng những thành công đó vào đường thủy” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

DSC03077
Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh, phải áp dụng thành công trong công tác đảm bảo TTATGT đường bộ sang đường thủy

Cùng với đó,Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Cục ĐTNĐVN khẩn trương xác định rõ nhiệm vụ mục tiêu có tính chuẩn xác, tránh để xảy ra tình trạng làm rất đầy đủ nhưng không thể bám sát được với tình hình thực tế; tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là những lĩnh vực Thủy lợi, Biên phòng, Công an, Đào tạo… nhằm khắc phục khó khăn hạn chế hiện nay cũng như đảm bảo tốt TTATGT ĐTNĐ.

Thứ trưởng tán đồng với chủ trương của Cục ĐTNĐVN về tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo cơ chế xã hội hóa; tăng cường các đợt thanh kiểm tra. Đồng thời yêu cầu Cục ĐTNĐVN tập trung khắc phục những khó khăn đang tồn đọng, chủ động phối hợp với các Sở GTVT nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ cảng, bến và phương tiện thủy; khẩn trương hoàn thành việc rà soát hệ thống phao tiêu, báo hiệu, hành lang an toàn đường thủy.

Ngoài ra, Cục ĐTNĐVN khẩn trương hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện tháng cao điểm 4/2016 về tăng cường, siết chặt công tác quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch làm việc với Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và chọn một số điểm nóng có tình hình giao thông thủy phức tạp để áp dụng và phát huy hiệu quả những giải pháp cấp bách, ngăn ngừa những tình huống xấu có thể tiếp tục xảy ra. Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT sẽ trực tiếp làm việc với các địa phương có giao thông thủy phức tạp.

Đối với các cơ quan, đơn vị liên quan, Thứ trưởng yêu cầu tập trung rà soát toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thủ tục hành chính, quy hoạch ĐTNĐ. Trong đó, Thứ trưởng nhấn mạnh đến công tác thanh kiểm tra phương tiện thủy.

Cục trưởng Cục ĐTNĐVN Hoàng Hồng Giang cho biết, hiện nay, lĩnh vực ĐTNĐ rất cần sự tăng cường về kinh phí và thể chế pháp luật để thực hiện tốt những nhiệm vụ bảo đảm giao thông thủy. Cục trưởng cũng cho biết, Cục ĐTNĐVN đã xây dựng những giải pháp cấp bách trong thời gian tới, đảm bảo tính thống nhất và toàn diện.

Bên cạnh việc tăng cường những biện pháp mang tính căn bản, Cục ĐTNĐVN đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT, Ủy ban ATGT Quốc gia cho phép áp dụng một số biện pháp “đột phá” như tổ chức Tổng điều tra phương tiện TNĐ; thành lập các trung tâm sát hạch thuyền viên, người lái phương tiện TNĐ; kiến nghị sửa đổi Thông tư số 47/2015/TT-BGTVT, Thông tư số 75/2014/TT-BGTVT. Đặc biệt là ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, trái phiếu Chính phủ (giai đoạn 2016 – 2020), ODA, NSNN, đa dạng hóa hình thức xã hội hóa (có thể áp dụng BT, đổi đất bãi ven sông lấy hạ tầng luồng tàu, cảng TNĐ) cho các dự án trọng điểm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ.

“Trước mắt cần tập trung đầu tư nâng cao an toàn bến khách ngang sông; cải tạo, nâng cấp, bổ sung các trụ đâm va các cầu yếu qua sông (tĩnh không thấp, khẩu độ khoang thông thuyền hạn chế); tổ chức điều tiết khống chế, chống va trội tại 30 vị trí nguy hiểm; hiện đại hóa hệ thống phao tiêu, báo hiệu điều khiển giao thông thủy; tăng ngân sách hàng năm cho các công tác khảo sát địa hình, thủy văn phục vụ thông báo luồng trên 45 tuyến vận tải chính” – Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết.

Ý kiến của bạn

Bình luận