Khang gặp nhiều khó khăn khi học trái ngành |
Học trái ngành, chọn sai nghề là thực trạng đã tồn tại lâu nay, xuất phát từ việc hướng nghiệp chưa được chú trọng đúng mức. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập mà còn tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần của sinh viên. Mạnh dạn thay đổi quyết định để theo học ngành mình yêu thích là việc làm không dễ nhưng có thể thực hiện nếu sinh viên làm theo các bước dưới đây.
Xác định lại sở thích và thế mạnh
Nhiều bạn trẻ Việt Nam đang bị mất phương hướng trầm trọng, không thể xác định ngành học mình muốn theo đuổi nên có tâm lý lựa chọn những ngành quen thuộc, theo trào lưu hoặc sự sắp đặt của cha mẹ.
Đỗ Trí Khang - sinh viên tại TP.HCM là một trong những trường hợp như thế. Từ ngày đầu đặt chân vào giảng đường, cậu đã uể oải với chuyên ngành kinh doanh mình đang theo học. Khang thích và có năng khiếu trong lĩnh vực thiết kế nhưng bố mẹ lại hướng theo học kinh doanh để có tương lai vững chắc và tiếp quản công việc gia đình. Trong khi bạn bè cùng lớp háo hức với những môn học chuyên ngành, đi làm thêm thì với Khang, mọi thứ trở nên áp lực hơn từ phía gia đình, bạn bè và đặc biệt là trong học tập. Khang chia sẻ: “Việc học trái với đam mê và năng lực khiến em cảm thấy khó tiếp thu và dần tụt dốc so với các bạn cùng khóa. Em không còn sự tự tin khi đến lớp và trở nên xa cách với mọi người. Em không thể nói chuyện với họ về các vấn đề liên quan đến việc học”.
Bởi vậy, để thành công, việc đầu tiên bạn trẻ cần làm là lựa chọn chính xác ngành học. “Một ngành học yêu thích sẽ làm cho mình có cảm giác tự tin mỗi khi đến lớp, dễ dàng tiếp thu kiến thức, không bị gò bó và có thể phát huy trí tưởng tượng cũng như sự sáng tạo của riêng mình”, Trí Khang chia sẻ.
Tuy vậy, đam mê, sở thích phải gắn liền với năng lực và nhu cầu của xã hội. Khi sở thích cá nhân đáp ứng được những yêu cầu từ môi trường thực tế thì niềm đam mê đó sẽ nhanh chóng phát triển. Ngược lại, nếu chỉ là sở thích đơn thuần mà không có “đất dụng võ” sẽ rất khó để chạm tới thành công.
Tìm lời khuyên từ chuyên gia hướng nghiệp
Việc học trái ngành không chỉ gây áp lực đến kết quả học tập mà còn đè nặng tâm lý của sinh viên. Bởi vậy, khi cảm thấy không thể tiếp tục với ngành học hiện tại, hãy can đảm dừng lại. Nếu vẫn còn băn khoăn với lựa chọn của mình, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của anh chị đi trước và chuyên gia hướng nghiệp để được tư vấn. Việc không thể tiếp thu tốt kiến thức khi theo học ngành kinh doanh khiến Khang cảm thấy đang lãng phí tiền của và sự quan tâm của ba mẹ, mất thời gian của bản thân.
“Điều quan trọng nhất để tìm ra ngành học phù hợp là sự đam mê và hy sinh. Đam mê để theo đuổi và chiến thắng bản thân. Dám hy sinh, đánh đổi tương lai cha mẹ đã định để tạo dựng thành công từ chính niềm đam mê của mình”, Trí Khang cho biết. |
“Tại phòng Hướng nghiệp và Việc làm, Đại học RMIT Việt Nam nơi em đang theo học, em đã được giúp đỡ rất nhiều để vượt qua stress. Chuyên gia tư vấn đã phân tích các hậu quả khi học trái ngành, định hướng ngành học em yêu thích và giúp em hoàn tất hồ sơ để chuyển ngành, từ đó em tự tin hơn và quyết tâm thay đổi ngành học”, Khang chia sẻ.
Những buổi tư vấn cá nhân với chuyên gia hướng nghiệp, xác định rõ điểm mạnh của bản thân đã giúp Khang tìm được niềm đam mê thật sự: “Cảm xúc khi học ngành mình yêu thích cũng như lần đầu được 10 điểm môn văn và thậm chí còn gấp 10 lần cảm giác đó”.
Mạnh dạn thay đổi
May mắn hơn nhiều bạn trẻ, Khang sớm tìm thấy ngành học phù hợp với sở thích và năng lực bản thân. Tuy nhiên, hơn hai năm trước, ngay khi biết mình đang đi sai đường, cậu vẫn không thể chuyển ngành học vì sợ làm cha mẹ buồn và thất vọng.
Sau khi nhận được lời khuyên từ bạn bè và chuyên gia Hướng nghiệp, Khang đã có suy nghĩ khác: “Việc không thể tiếp thu tốt kiến thức khi theo học ngành kinh doanh chỉ khiến em cảm thấy mình đang lãng phí tiền của và sự quan tâm của ba mẹ, mất thời gian của bản thân”.
Trí Khang hiện theo học ngành thiết kế đa phương tiện tại Đại học RMIT Việt Nam. |
Lựa chọn chính xác ngành học mình yêu thích và quyết tâm thay đổi, Khang dần chứng minh quyết định của mình là đúng đắn và nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình. “Đến bây giờ, em chưa một lần hối hận với quyết định của mình. Việc học hiện tại rất suôn sẻ, mỗi ngày đi học đều đầy hứng khởi. Em đang được làm đúng công việc mình yêu thích là thiết kế, sản xuất âm thanh cho phim điện ảnh và các video quảng cáo”, Trí Khang chia sẻ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.