Đào tạo thuyền viên qua ca-bin mô phỏng |
Thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và thực tế làm việc
Theo ông Neil Bennett - Giám đốc Toàn cầu về mô phỏng và đào tạo tại Wärtsilä (Tập đoàn Công nghệ thông minh thị trường hàng hải), hiện nay, khung quy định về đào tạo thuyền viên, Công ước Quốc tế của IMO về Tiêu chuẩn Đào tạo, Chứng nhận và Giám sát cho thuyền viên (STCW) đang gặp khó khăn để theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ hiện đại được trang bị trên tàu biển hiện nay như các hệ thống thông tin liên lạc và định vị hiện đại (bao gồm cả hiển thị hải đồ điện tử) cũng như hệ thống điều khiển động cơ điện tử và một số công nghệ giảm phát thải đa dạng bên dưới boong.. Bởi lẽ, sự thay đổi phát triển chương trình giảng dạy cho nguồn nhân lực hàng hải chưa bắt kịp sự phát triển. Trong khi đó, các kỹ năng cần thiết trong môi trường làm việc hàng hải không ngừng phát triển. Ông Neil Bennett cũng cho rằng, trong 25 năm qua, khoảng cách giữa đào tạo theo quy định và thực tế công việc lao động trong ngành này còn rất lớn.Để thu hẹp được khoảng cách này, sử dụng mô phỏng trong đào tạo nguồn nhân lực hàng hải là một trong những giải pháp thiết yếu. Phương thức đào tạo này sẽ giúp cho sinh viên làm quen với các hệ thống và tình huống có thể xảy ra trong quá trình làm việc trên biển. Những năm gần đây, công nghệ mô phỏng đã được cải thiện và được chú trọng phát triển, trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình đào tạo thuyền viên của nhiều quốc gia và một nền tảng được thiết lập tốt, giúp cung cấp các kỹ năng thiết yếu. Việc sử dụng công nghệ mô phỏng đã giúp nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực hàng hải một cách chuyên nghiệp, đưa sinh viên trải nghiệm tình huống thực tế, là giải pháp tối ưu cho việc hình thành năng lực chuyên môn và phẩm chất cá nhân của thế hệ thuyền viên tương lai. Thạc sỹ, thuyền trưởng Reto Weber - giảng viên Đại học Công nghệ Chalmers (trường đại học đào tạo nhân lực hàng hải có tiếng tại Thuỵ Điển) cho biết, việc đào tạo bằng thiết bị mô phỏng mang lại nhiều lợi ích cho sinh viên so với việc giảng dạy thông thường. “Các bạn sinh viên được thực hành nhiều hơn. Họ phải đối mặt với nhiều tình huống hơn, đặc biệt là những tình huống khó khăn thực tế. Ngoài ra, với thiết bị mô phỏng này, người giảng dạy có thể tăng độ khó của các tình huống khi sinh viên của mình đã vững vàng, cứng cáp”, ông Reto Weber đánh giá.Phương thức giảng dạy bằng thiết bị mô phỏng còn tạo ra một không gian đào tạo an toàn cho sinh viên ngành Hàng hải, từ đó sinh viên vừa có thể rèn luyện các kỹ năng khác nhau mà không gặp rủi ro cho tính mạng của mình.
Đầu tư cho nhân lực hàng hải
Vương quốc Anh là một quốc gia hàng đầu được công nhận trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực hàng hải cũng như chất lượng thuyền viên sau đào tạo. Để đạt được kết quả này, Vương quốc Anh luôn chú trọng đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nhân lực hàng hải. Theo đó, Chính phủ Anh đã xây dựng, tài trợ một chương trình hỗ trợ đào tạo hàng hải (Support for Maritime Training (SMarT)). Chương trình này được triển khai vào tháng 4/1998 với mục đích tăng số lượng thuyền viên đủ tiêu chuẩn trong ngành Hàng hải của Vương quốc. Đến năm 2018, Chính phủ Anh tiếp tục thúc đẩy đào tạo nhân lực hàng hải chất lượng cao với việc tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho chương trình này, từ 15 triệu bảng Anh lên 30 triệu bảng Anh một năm. Điều này đồng nghĩa với việc cho phép tiếp nhận tăng số học viên từ 750 lên 1.200 người một năm. Đồng thời, Chính phủ Anh cũng cam kết tiếp tục xây dựng năng lực và sự đa dạng trong lực lượng lao động hàng hải của quốc gia để lực lượng này có thể tận dụng mọi cơ hội trong thị trường lao động này. Theo đó, các công ty vận tải biển sẽ tăng thêm các vị trí việc làm và cam kết sẽ tuyển dụng nguồn nhân lực từ chương trình hỗ trợ đào tạo này.Theo đánh giá, chìa khóa của sự thành công trong việc đào tạo nguồn nhân lực hàng hải của Vương quốc Anh chính là sự đồng hành, hỗ trợ từ Chính phủ. Chương trình hỗ trợ của Chính phủ đã tạo ra cơ hội, tạo sự hồi sinh trong đào tạo hàng hải và tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Cũng như Vương quốc Anh, nhận thức được tầm quan trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, Chính phủ Nigeria vừa qua cũng “định vị” lại lĩnh vực hàng hải để thu hút đầu tư. Theo ông Rotimi Amaechi - Bộ trưởng Bộ GTVT Nigeria, chính phủ nước này sẽ tiếp tục “theo đuổi” các chính sách và chương trình mới làm cho ngành Hàng hải trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.Ông Rotimi Amaechi cho biết, vận tải biển và những người đi biển giữ cho hoạt động thương mại buôn bán toàn cầu hoạt động với hơn 50.000 tàu buôn bán quốc tế và vận chuyển mọi loại hàng hóa. Là một quốc gia có hoạt động hàng hải, vận tải biển sôi động, với số lượng thuyền viên trong danh sách quốc gia là 7.000 người, Chính phủ Nigeria lo ngại về sự thiếu hụt nhân lực lao động hàng hải đến năm 2026. Chính vì vậy, Cơ quan An toàn và Quản lý hàng hải Nigeria xây dựng và tài trợ Chương trình Phát triển thuyền viên Quốc gia (Nigerian Seafarers Development Programme) cho quốc gia này.“Chính phủ cam kết đảm bảo rằng, các học viên được đào tạo về cả lý thuyết và thực hành đi biển, đồng thời Chương trình Phát triển thuyền viên Quốc gia do Cơ quan An toàn và Quản lý hàng hải tài trợ sẽ được củng cố để tăng cường hợp tác với các công ty vận tải biển có uy tín nhằm giải quyết đầu ra cho nguồn nhân lực cũng như nâng cao hoạt động vận tải biển”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nigeria cho biết.Cũng theo Bộ trưởng Rotimi Amaechi, để thu hẹp khoảng cách về nguồn lực trong nghề đi biển cần phải tích cực thúc đẩy phát triển nghề nghiệp đi biển và tăng cường giáo dục và đào tạo về hàng hải để nâng cao các kỹ năng đa dạng, cần thiết cho một ngành hàng hải xanh và kết nối kỹ thuật số, ứng dụng các công nghệ hiện đại. Đồng thời, Chính phủ mỗi quốc gia cũng cần giải quyết những lo lắng, khó khăn khiến người đi biển quay lưng với nghề vận tải biển. Nigeria sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời để “giữ chân” thuyền viên và thường xuyên theo dõi lực lượng lao động đi biển của quốc gia để đảm bảo rằng chất lượng thuyền viên đáp ứng được tiêu chuẩn chứng nhận STCW bắt kịp với nhu cầu của thời đại.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.