Thời gian xây dựng “thần tốc”
16 công ty tư nhân, 3 đơn vị kỹ sư quân sự đã tham gia xây dựng đường cao tốc Gyeongbu, với tổng số nhân lực lên tới 8,9 triệu người và 1,65 triệu thiết bị được huy động.
Ngân sách mà Chính phủ phải chi ra chỉ chưa đến 43 tỷ won (35 triệu USD), tương đương 23,6% ngân sách hàng năm vào thời điểm đó, không có viện trợ nước ngoài, không vốn vay.
Xét trên GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc vào thời điểm đó chỉ là 142 USD/người thì việc gọi vốn cho tuyến đường cao tốc này là một thành tựu.
So sánh với đường cao tốc Tomei ở Nhật Bản cũng được xây dựng vào những năm 1970 nối Tokyo với Nagoya thì đường cao tốc Gyeongbu được xây dựng nhanh chóng và rẻ hơn nhiều. Cao tốc Tomei mất 7 năm để hoàn thành và tiêu tốn khoảng 850 triệu won/km, còn đường cao tốc Gyeongbu được hoàn thành chỉ trong 2 năm 5 tháng với chi phí chỉ 100 triệu won/km.
Thời điểm đó chưa có nhiều kỹ thuật để tăng tốc độ xây dựng như ngày nay nên lực lượng thi công phải dùng những biện pháp thô sơ nhất. Chẳng hạn như, vào mùa đông, các công nhân phải đổ dầu lên mặt đất và châm lửa để mặt đất không bị đóng băng. Ngay cả sau khi thông xe, nhiều vấn đề được phát hiện do quá trình xây dựng gấp rút.
Tuy nhiên, đường cao tốc Gyeongbu đã mang lại những thay đổi mang tính cách mạng cho Hàn Quốc. Ban đầu phải mất 15 tiếng để đi từ Seoul đến Busan bằng tàu hỏa, nhưng đi bằng cao tốc chỉ mất khoảng 4h. Tuyến đường này còn đóng vai trò là chất xúc tác kinh tế, góp phần thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghiệp ô tô, cũng như giúp việc chuyển hàng hóa, linh kiện công nghiệp trên khắp đất nước nhanh chóng hơn.
Trong năm đầu tiên đường cao tốc Gyeongbu thông xe, 3,7 triệu ô tô đã chạy trên tuyến đường này, con số đó đã tăng gấp 10 lần vào năm 1985. Ngày nay, ước tính có khoảng 400 triệu ô tô sử dụng mỗi năm trên cao tốc Gyeongbu.
Tác phẩm nghệ thuật vẽ bằng máu và mồ hôi
“Đường cao tốc này thật sự là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà chúng tôi đã tạo ra bằng máu và mồ hôi của mình”, Tổng thống Park Chung Hee - người trực tiếp chỉ đạo từng bước xây dựng tuyến đường phát biểu tại lễ khánh thành công trình.
Tổng thống Park đã ấp ủ hoài bão của mình về một con đường cao tốc xuyên quốc gia khi ông tranh cử tổng thống vào năm 1967. Ngay sau khi đắc cử, ông đã yêu cầu các cơ quan chính phủ và các công ty xây dựng tư nhân tính toán số vốn cần thiết để xây dựng một tuyến đường cao tốc nối Seoul và Busan.
Tháng 11 năm ấy, các đơn vị đã tổng hợp lại những con số nhưng chúng chênh lệch nhau quá nhiều. Không có dự toán chính xác, Tổng thống Park quyết định sẽ tự mình tính toán.
Tháng 12/1967, Tổng thống triệu tập một đội đặc nhiệm của riêng mình gồm 3 kỹ sư quân sự và một cán bộ của Bộ Xây dựng, họp tại Nhà Xanh vào mỗi buổi sáng.
“Tổng thống gọi tôi đến Nhà Xanh vào ngày 24/11. Tôi không biết phải làm gì trước mặt Tổng thống cho đến khi ông ấy hỏi: “Đại tá Yun, ông có muốn xây dựng đường cao tốc với tôi không?”. Tôi sững sờ, rồi từ từ nhìn quanh căn phòng và thấy một bức tường gần như được phủ kín hoàn toàn bằng bản đồ”, Đại tá Yun Young Ho - Trưởng nhóm đặc biệt cho biết.
“Điều đầu tiên Tổng thống bảo tôi làm là mang bản đồ của Seoul và Suwon với nhiều tỷ lệ khác nhau đến, từ 1:1.000.000 đến 1:1.200. Kể từ ngày đó, tôi luôn mang theo bản đồ mọi lúc, mọi nơi”, ông Yun Young Ho nhớ lại.
Ông Park chỉ đạo đội đặc nhiệm tính toán dự kiến chi phí xây dựng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Đại tá Yun đưa ra con số 36 tỷ won.
“Khi nghe tôi trình bày tóm tắt, Tổng thống Park hỏi ngược lại tôi: “Thế 33 tỷ thì sao?”, Yun nói. “Sau đó, ông Park gọi cho thư ký của mình và yêu cầu ông ấy đàm phán với lực lượng vũ trang Hoa Kỳ tại Hàn Quốc để cử một số đơn vị kỹ sư quân sự đến dự án”, Đại tá Yun Young Ho kể.
Quân đội Hoa Kỳ đồng ý cử các kỹ sư quân sự đến hỗ trợ dự án, đổi lại họ được phép lái xe trên cao tốc Gyeongbu miễn phí sau khi con đường này hoàn thành. Sự hỗ trợ từ lực lượng quân đội đã khiến việc xây dựng cao tốc trở nên nhanh chóng. Về phần mình, Đại tá Yun có trách nhiệm khảo sát địa điểm xây cao tốc rồi báo cáo lại cho Tổng thống mỗi tối.
“Giáng sinh năm đó, Tổng thống Park đã bảo tôi đến Yangjae-dong và kiểm tra xem có phù hợp để làm đường cao tốc qua khu vực này hay không. Tôi đến đó và chỉ thấy toàn ruộng là ruộng. Khi quay trở lại Nhà Xanh đã là đêm Giáng Sinh, Tổng thống Park vẫn làm việc. Sau khi nghe tôi báo cáo, ông ấy đã yêu cầu triệu tập một cuộc họp gồm các bộ trưởng ngay vào ngày hôm sau, bởi nếu thông tin chính phủ sắp mua đất bị rò rỉ, giá của nó có thể tăng chóng mặt”, ông Yun nói.
Hôm sau, Tổng thống Park cho các bộ trưởng xem tuyến đường 32 km nối Seoul và Suwon, đồng thời chỉ đạo Thị trưởng Seoul và Thống đốc tỉnh Gyeonggi mua lại khu đất sẽ được sử dụng cho đường cao tốc ngay trong tuần tới. Các bộ trưởng cho rằng một tuần là không đủ thời gian để mua hết đất nhưng Tổng thống Park kiên quyết: “Thị trưởng có thể chỉ đạo các quận trưởng, các quận trưởng có thể chỉ đạo cho các quan chức cấp dưới. Có gì khó khăn?”. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, việc mua đất đã hoàn thành thuận lợi chỉ trong vòng 7 ngày.
Sau khi hoàn thành kế hoạch, ngày động thổ dự án được ấn định là 21/01/1968. Phần khó nhất của công trình là đoạn dài 70 km gần thành phố Daejeon.
Ở Okcheon, phía Bắc tỉnh Chungcheong, cứ 1,6 km lại có một đường hầm hoặc một cây cầu do địa hình hiểm trở, gây khó khăn cho lực lượng thi công. Thậm chí có ngày, hàng trăm công nhân chỉ đào được 30 cm đường hầm. Nhiều công nhân đã bỏ cuộc. Những người còn lại vẫn tiếp tục nỗ lực đổ mồ hôi để rồi cuối cùng đoạn đường khó khăn này cũng hoàn thành vào ngày 27/6/1970. Ngày 07/7 năm ấy, đường cao tốc Gyeongbu chính thức thông xe.
Khi nhìn lại quãng thời gian làm việc để xây dựng đường cao tốc, Đại tá Yun không khỏi xúc động. Tổng thống Park đã chỉ đạo việc xây dựng đường cao tốc Gyeongbu khi GDP bình quân đầu người của Hàn Quốc còn thấp hơn Triều Tiên. Dù vấp phải nhiều ý kiến phản đối kế hoạch nhưng việc xây dựng đường cao tốc Gyeongbu thật sự đã gieo vào tâm trí người dân niềm tin và hy vọng về một con đường huyền thoại mở ra trang mới cho cuộc sống của họ.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.