Giảm mạnh chỉ tiêu, liệu có thu hút học sinh giỏi vào trường Sư phạm?

01/05/2018 16:25

Việc giảm mạnh chỉ tiêu, quy định học sinh giỏi mới được vào trường sư phạm chưa phải là giải pháp quyết liệt để thu hút người giỏi...

nha-giao-hien-ke

Để có đội ngũ nhà giáo giảng dạy chất lượng ở các cơ sở giáo dục, Bộ GD-ĐT quy định, bắt đầu từ năm 2018 chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông có học lực lớp 12 xếp loại giỏi.

Mới đây nhất, tại cuộc họp với báo chí, Bộ GD-ĐT cho biết, năm nay, tổng chỉ tiêu ngành Sư phạm giảm rất mạnh (tới 38%) nhằm cân đối “cung-cầu” giữa các trường ĐH đào tạo sinh viên và cơ sở sử dụng lao động để giảm thiểu sinh viên tốt nghiệp không có việc làm hoặc phải làm trái ngành nghề.

Theo một số nhà giáo, cán bộ giáo dục, những giải pháp trên đã cho thấy quyết tâm của Bộ GD-ĐT trong việc giảm thiểu sinh viên sư phạm thất nghiệp và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Tuy nhiên, giải pháp này chưa thực sự mạnh mẽ để thu hút học sinh giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm nên cần phải có giải pháp bền vững, quyết liệt hơn.

su_pham1_lxjy
Chỉ tiêu và nguyện vọng đăng ký trường Sư phạm năm 2017 và 2018 (Đồ họa: Thanh niên)

Cần thống kê sinh viên học sư phạm ở các địa phương

Theo ông Bùi Đức Ngọc, Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, hàng năm vẫn còn tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo. Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc quy hoạch phát triển nhân lực còn chưa sát thực tế, dẫn đến công tác thông tin và dự báo nhu cầu sử dụng lao động gặp nhiều khó khăn.

Bộ GD-ĐT cần có thống kê sinh viên thi, học ngành sư phạm ở các địa phương để trên cơ sở đó dự báo hàng năm và có kế hoạch lâu dài để các trường sư phạm có dự báo đào tạo một cách hợp lý; tránh tình trạng đào tạo ồ ạt.

Ông Bùi Đức Ngọc cho rằng, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục miễn học phí, tăng học bổng, có việc làm ngay và ổn định cho sinh viên. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo; có chính sách tiền lương, thu nhập hợp lý, môi trường làm việc tốt cho nhà giáo để họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Ngoài ra, Bộ GD-ĐT phải có sự tính toán chi tiết để có con số chính xác nhu cầu giáo viên, từ đó có kế hoạch, lộ trình đào tạo phù hợp như dạng đào tạo theo đơn đặt hàng của các địa phương thì sẽ không còn tình trạng sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm.

Tốt nghiệp phải có việc làm với mức lương ít nhất là đủ sống

Ngành Giáo dục nên nghiên cứu để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm bằng cách sinh viên tốt nghiệp là có việc làm cũng như tiếp tục đề xuất với Chính phủ nâng cao đời sống của giáo viên bằng cách tăng lương. Đó là ý kiến của PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội.

Sinh viên hiện nay khi đầu quân vào các trường sư phạm quan tâm nhất là tốt nghiệp có việc làm hay không và mức lương ít nhất phải đủ để trang trải cuộc sống. Để thu hút người giỏi vào trường sư phạm thì ngành Giáo dục phải giải quyết được vấn đề này thì chắc chắn chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai sẽ được cải thiện.

Mặt khác, các trường sư phạm cũng cần có sự liên kết mạnh mẽ với cơ quan quản lý giáo dục, các trường học, địa phương để xác định quy hoạch cần bao nhiêu giáo viên trong tương lai để có định hướng tuyển sinh, đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Trong khi ngân sách Nhà nước còn có hạn, việc tăng lương cho giáo viên có thể không thực hiện đồng loạt mà có thể nâng lên ở một số khu vực, địa phương. Trước tiên, chưa nên tăng lương cho giáo viên ở các tỉnh, thành phố lớn có điều kiện kinh tế phát triển, đời sống giáo viên không đến nỗi quá khó khăn.

Việc tăng lương cho giáo viên nên được áp dụng thí điểm ở những địa phương, vùng miền có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Ý kiến của bạn

Bình luận