Phương tiện thủy hoạt động trên lòng hồ Hòa Bình (ảnh Hoàng Long) |
Mong được "kiếm sống" đúng luật pháp
Khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình vốn là vùng sâu, vùng xa khó khăn của Tây Bắc được áp dụng Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135).
Cuộc sống của người dân tại khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình vốn dĩ rất khó khăn.Với họ, trong năm chỉ có 1 dịp duy nhất để “làm ăn” là phục vụ khách du lịch bắt đầu từ Tết Nguyên Đán đến hết mùa Lễ hội tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm người dân thập phương đi lễ Đền Bờ cũng như tham quan vãn cảnh lòng hồ với số lượng rất đông, có ngày lên tới cả ngàn người. Vì vậy, tàu thuyền là phương tiện duy nhất phục vụ du khách đi lễ và cũng là “kế sinh nhai” chủ yếu của người dân bản địa.
Hoạt động của tàu, thuyền tại hồ thủy điện Hòa Bình rất "hiu quạnh" do hầu hết phương tiện thủy đều không đủ điều kiện tham gia giao thông ĐTNĐ |
Tuy nhiên, nỗi lo “trắng tay” đang bủa vây trong tâm tư của từng người dân bởi lẽ, các phương tiện thủy của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hiện đều không đủ điều kiện tham gia giao thông. Đặc biệt là khi công tác đảm bảo TTATGT được các cơ quan chức năng siết chặt thì việc kinh doanh vận tải hành khách cũng trở nên…mờ mịt.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, hiện trên khu vực lòng hồ Hòa Bình đã có 144 phương tiện, trong đó 14 phương tiện có đăng ký, còn hạn đăng kiểm đến hết tháng 1/2016; 58 phương tiện có đăng ký, hết hạn đăng kiểm; 72 phương tiện không có đăng ký, đăng kiểm. Tính đến hết tháng 1 năm 2016, toàn bộ 144 phương tiện đang hoạt động trên lòng hồ Hồ Bình sẽ không còn phương tiện nào đủ điều kiện tham gia giao thông, đặc biệt là hoạt động vận chuyển hành khách.
Chị Ngô Thị Vỹ, chủ của 4 phương tiện thủy kinh doanh vận tải cho biết, chị đã rất chật vật để có thể đăng kiểm được cho 3 phương tiện vào năm ngoái, còn 1 tàu HB 0716 thì chưa được đăng ký, đăng kiểm nên “nằm dạt” bấy lâu nay, kể cả mùa lễ. Theo quy định mới về đăng ký, đăng kiểm, 3 phương tiện của chị đều hết hạn đăng kiểm vào tháng 1 và không đăng kiểm lại được.
“Tôi đang rất lo vì không biết 3 phương tiện còn lại đang là “cần câu cơm” cho cả gia đình có được đăng kiểm lại hay không. Nếu như không đăng kiểm lại được, không biết phải làm như thế nào để kiếm sống trong dịp Tết này”, chị Vy lo lắng, chia sẻ.
Cùng chung mối lo ngại với chị Vy cũng như hầu hết người dân nơi đây, ông Nguyễn Văn Nhàn, xóm Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc bày tỏ sự hoang mang vì không biết tại sao mà phương tiện không được đăng kiểm.
“Chúng tôi sống tại khu vực vốn được hưởng chế độ của Chương trình 135, trên thực tế đời sống vẫn còn rất khó khăn, đất đai thì không có, phương tiện thủy mưu sinh thì cũng vay gần như 100% để mua. Vậy mà làm mọi cách vẫn không được đăng ký, đăng kiểm. Chúng tôi thật sự rất hoang mang” – ông Nhàn bày tỏ.
Theo ông Nhàn, vấn đề chủ yếu là “vướng” ở cơ quan đăng kiểm. Bởi lẽ, từ UBND tỉnh đến các cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương đều hết mực ủng hộ người dân, thậm chí còn phản ánh hộ người dân tới các cơ quan đăng kiểm nhưng… vẫn bất lực.
“Không đủ ăn, còn lo nộp phạt”
“Chúng tôi buộc phải vi phạm quy định pháp luật vì nếu không sẽ chả có gì để sống. Bằng mọi cách phải kiếm thêm tiền để còn đủ nộp phạt” – Đó là lời chia sẻ đầy nghẹn ngào của ông Nhàn khi được hỏi về cách mưu sinh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II giãi bày: “Người dân nơi đây tuy rất khó khăn nhưng hầu hết đều có ý thức tốt nên khi bị cấm, bị nhắc nhở là họ chấp hành”.
Trao đổi với PV, ông Sơn cho biết, UBND tỉnh đã đứng ra bảo lãnh cho người dân vay tiền để đóng hoặc mua phương tiện. Hầu hết người dân vay từ 85 đến 100% với lãi suất 0,6% /năm cùng với dưới nhiều hình thức khác như huy động anh em họ hàng, cầm cố sổ đỏ… để có thể trang bị 1 phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch. Theo đó, ngoài việc kiếm ăn hàng ngày, người dân nơi đây còn phải chịu những áp lực về nợ nần, trả lãi. Cuộc sống vốn đã rất khó khăn, cộng thêm việc các cơ quan chức năng nghiêm khắc xử phạt vi phạm đã khiến người dân nơi đây rơi vào cảnh sống trong bế tắc.
“Về phía Cảng vụ, chúng tôi cương quyết không cho phương tiện không đủ điều kiện được rời cảng bến. Nếu vi phạm sẽ tiến hành xử phạt theo đúng quy định” – Ông Sơn khẳng định.
Bản thân anh em ở Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình cũng đã phải chuẩn bị những phương án giả định đề phòng những trường hợp chống đối như dàn hàng chặn luồng tuyến; đục thủng và tự đánh đắm phương tiện khi bị tạm giữ… “Trên cơ sở thực tế, bên cạnh việc thực hiện đúng quy định pháp luật, chúng tôi đã phải dùng cả tình cảm để thuyết phục người dân nhận thức đúng các quy định của pháp luật” – ông Sơn cho biết.
Công tác tuyên truyền cũng được các cơ quan chức năng nỗ lực phối hợp thực hiện rất tốt với nhiều sáng tạo. Hiện nay, Đại diện Cảng vụ ĐTNĐ Hòa Bình đã thực hiện những bản ghi âm tuyên truyền pháp luật TTATGT đường thủy và yêu cầu các chủ phương tiện phải bật liên tục trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, với việc tất cả phương tiện thủy vận chuyển hành khách đang ở tình trạng “2 không” như hiện nay thì những bức xúc của người dân và khách du lịch có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát.
Trong mùa lễ hội năm ngoái, lực lượng Cảng vụ phối hợp với lực lượng CSGT đường thủy và Đội Thanh tra giao thông số 9 của Chi cục ĐTNĐ phía Bắc tiến hành ra quân đóng chốt tại các cảng, bến để tuyên truyền, nhắc nhở và không cho du khách lên các phương tiện không đủ điều kiện đảm bảo an toàn. Nhưng vốn dĩ, lượng phương tiện đủ điều kiện hoạt động không thể đáp ứng nhu cầu của du khách đã dẫn tới tình trạng cả du khách và người dân bản địa bức xúc với lực lượng chức năng.
Một góc lòng hồ Hòa Bình |
Lý giải về nguyên nhân phương tiện không đăng ký, đăng kiểm được, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II cho biết, do trước đây, hầu hết các phương tiện được đóng mới theo hình thức tự thiết kế (dân gian), không theo quy định nào nên việc đăng kiểm lại phương tiện gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, thời gian trước, một số phương tiện thủy chở khách đã được đăng ký, đăng kiểm nhưng những năm gần đây do siết chặt hoạt động đăng kiểm phương tiện nên các phương tiện không thể đăng kiểm lại được. Từ đầu năm 2015 đến nay chưa có phương tiện nào được đăng kiểm lại theo quy định.
Trước thực trạng khó khăn của người dân, đặc biệt là sắp đến mùa Lễ, Hội, số lượng khách du lịch lên đền, chùa ở Hòa Bình tăng cao, thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước nên tạo cơ chế, ưu đãi riêng về đăng kiểm phương tiện thủy chở khách trên hồ Hòa Bình.
Việc có cơ chế, ưu đãi riêng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ phương tiện chở khách trên lòng hồ Hòa Bình sớm được sống và làm việc theo pháp luật. Việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện chở khách theo quy định và nhiệm vụ công tác đảm bảo TTATGT của cơ quan Cảng vụ sẽ được thực hiện tốt hơn.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.