Giàn thu phí đa làn không dừng: Kinh nghiệm từ Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan

Giao thông toàn cầu 24/08/2022 10:23

Là đơn vị đầu tiên triển khai hệ thống thu phí đa làn không dừng (MLFF) trên toàn lãnh thổ, Công ty TNHH Thu phí Viễn Đông (FETC) của Đài Loan (Trung Quốc) đã thu hút sự chú ý của các đối tác trên toàn thế giới.


Dàn thu phí tự động được lắp đặt trên các cao tốc ở Đài Loan (Trung Quốc)

Dàn thu phí tự động được lắp đặt trên các cao tốc ở Đài Loan (Trung Quốc)

Tiết kiệm 80 triệu USD/năm

Năm 2014, hệ thống thu phí cao tốc của Đài Loan (Trung Quốc) tương đương mặt bằng chung của thế giới nhưng chỉ sau thời gian ngắn đã vươn lên vị trí hàng đầu. Trước đó 7 năm, Đài Loan đã chuyển đổi một số làn thu phí thủ công ở trạm thu phí thành thu phí không dừng sử dụng công nghệ RFID, giúp tăng gấp đôi số lượng phương tiện được phục vụ trong 1 giờ. Tuy nhiên, FETC đã thấy trước một con đường hiệu quả hơn.

Chỉ trong vòng 8 tháng, FETC đã loại bỏ hoàn toàn các trạm thu phí, thay vào đó là lắp đặt 319 giàn thu phí trải dài hơn 986 km cao tốc từ Bắc vào Nam. Kể từ đó đến nay, khi di chuyển trên đường cao tốc ở Đài Loan (Trung Quốc), người lái xe thậm chí không cần phải giảm tốc độ để trả phí, nhờ các cảm biến tần số cao có thể đọc thẻ RFID trong 2 mili giây và chụp ảnh từng biển số xe, cho phép người lái xe đến đích mà không bị gián đoạn.

"Thời điểm đó, nhiều quốc gia vẫn đang sử dụng các trạm thu phí, thu phí thủ công hoặc một số làn ETC tự động không dừng, không có nơi nào 100% thu phí tự động. MLFF ở Đài Loan (Trung Quốc) chính là hệ thống thu phí tự động 100% đầu tiên trên thế giới," Phó Chủ tịch Công nghệ FETC Richard Wu nói.

Trong vòng 18 tháng, 7,5 triệu/8 triệu phương tiện đăng ký ở Đài Loan (Trung Quốc) đã sử dụng thẻ e-Tag RFID của FETC, với tỷ lệ 94%. Hệ thống ETC nói chung có tỷ lệ sử dụng 100% xử lý 16,2 triệu giao dịch/ngày. Ông Wu cho hay, lái xe đặc biệt yêu thích hệ thống này vì hiệu quả cao. Nếu đi xuyên quốc gia, một chiếc xe sẽ đến đích sớm hơn 30 phút. Nếu tất cả 1,5 triệu xe chạy trên đường cao tốc mỗi ngày tiết kiệm được 15 phút thì tổng cộng sẽ có 42,8 năm thời gian lái xe được tiết kiệm mỗi ngày.

Đối với chính phủ, hiệu suất thông qua cao hơn 162% và tỷ lệ chính xác 99,99%, đồng nghĩa với việc số tiền thu phí thu được mỗi giờ cũng nhiều hơn, trong khi tất cả đều được tự động hóa dù thuật toán tính phí có phức tạp đến đâu. Trong các ngày lễ lớn, Bộ GTVT cũng thực hiện các mức giá đặc biệt để khuyến khích đi lại trong khoảng thời gian thấp điểm.

Bên cạnh đó, MLFF đem lại nhiều lợi ích về môi trường. Ông Wu cho biết: "Bởi vì các phương tiện không cần dừng lại, chúng tôi có thể tiết kiệm xăng, giảm ô nhiễm không khí và không cần phải in vé". Cũng theo ông Wu, lượng nhiên liệu tiết kiệm được trung bình là 60 cc/xe/ngày, tương đương 203 lần thể tích hồ bơi quy mô Olympic, cùng với lượng khí thải carbon được cắt giảm 150 g/xe/ngày. Hệ thống này ước tính tiết kiệm 80 triệu USD/năm, chưa kể lợi ích của việc loại bỏ vé giấy.

Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy hiệu quả của hệ thống này còn cao hơn đường sắt cao tốc. "Đường sắt cao tốc tốn rất nhiều tiền nhưng hệ thống này thì không tốn như vậy", ông Wu nói.

Ngoài thu phí, hệ thống này có thể mở rộng sang bãi đậu xe thông minh, dịch vụ thông minh, thậm chí là cảnh sát thông minh. Các cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị nghiên cứu hiện đang sử dụng dữ liệu mã hóa từ hệ thống ETC để nghiên cứu các mô hình giao thông, cung cấp thông tin thời gian thực cho lái xe, lập kế hoạch tổ chức giao thông và thực hiện ngay các biện pháp kiểm soát khi nào cần thiết. Dữ liệu cũng giúp ước tính tuổi thọ của đường, hỗ trợ công tác bảo trì. Cảnh sát thậm chí còn sử dụng hệ thống để bắt nghi phạm nhưng chỉ sau khi nhận được lệnh. Bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn ISO, FETC đảm bảo rằng nhiều lĩnh vực có thể tham gia vào hệ sinh thái. Hiện FETC đang mở rộng sang thu phí bãi đậu xe và một số cửa hàng ở Đài Loan cho phép người lái trả phí đỗ xe bằng e-Tag. Thông qua e-Tag, người dùng có thể tích hợp không chỉ thu phí, đỗ xe mà còn cả thuế, bảo hiểm, bảo dưỡng xe, hậu cần và hơn thế nữa, tạo ra một nền kinh tế phương tiện kỹ thuật số hoàn chỉnh.

Thái Lan đón đầu công nghệ ở Đông Nam Á

Hiện nay, FETC đã xuất khẩu hệ thống của mình ra Thái Lan, Philippines, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Âu, Trung Đông. Tất cả việc giám sát và bảo trì hệ thống đều diễn ra từ xa. FETC chỉ cần gửi thiết bị cho đối tác để lắp đặt. Không chỉ cung cấp giải pháp thu phí, FETC còn chuyển hướng sang xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai tập trung vào các phương tiện giao thông.

Mới đây, Thái Lan cũng đã bước đầu triển khai thu phí đa làn không dừng có tên M-Flow. Theo Cục Đường cao tốc Thái Lan (DOH), M-Flow là hệ thống thu phí tự động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Dự án thu phí số hóa này được thử nghiệm từ ngày 29/10 đến 28/11/2021 và chính thức ra mắt dịch vụ vào ngày 15/02 bắt đầu từ các trạm Thap Chang 1, Thap Chang 2, Thanyaburi 1 và Thanyaburi 2 trên Xa lộ 9 (Bang Pa-In-Bang Phli). M-Flow ra đời nhằm giải quyết UTGT tại các trạm thu phí và tiến tới dỡ bỏ tất cả barie tại trạm thu phí vào năm 2024.

Bộ GTVT Thái Lan khẳng định, hệ thống có khả năng định danh biển số xe với độ chính xác lên tới 99%, cho phép người lái điều khiển phương tiện qua các trạm thu phí với tốc độ tối đa 120 km/h mà không cần giảm tốc độ. Hệ thống M-Flow có thể xử lý 2.000 - 2.500 phương tiện/giờ trên mỗi làn đường, cho hiệu quả thu phí tốt hơn gấp 5 lần so với hệ thống thanh toán cũ.

Trước khi có M-Flow, phí đường bộ phải được trả trước bằng cách nạp thẻ Easy Pass hoặc M-Pass. M-FLow là hệ thống trả sau, hỗ trợ tất cả các loại phương tiện thay vì chỉ sử dụng cho phương tiện 4 bánh như hai loại cũ. Ngoài ra, hai loại cũ buộc tài xế phải gắn thẻ trên kính chắn gió của xe, trong khi M-Flow không yêu cầu bất kỳ thẻ nào. Hệ thống sẽ tự động quét biển số khi xe đi qua.

M-Flow hỗ trợ nhiều loại phương thức thanh toán khác nhau gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng mà người dùng tùy chọn để thanh toán vào ngày 1 hoặc 16 hàng tháng, hoặc thanh toán sau từng lần sử dụng.

Sau 2 tuần triển khai đã có hơn 100.000 phương tiện đăng ký dịch vụ, trung bình 60.000 phương tiện sử dụng/ngày. Những người không đăng ký dịch vụ cũng có thể sử dụng làn M-Flow nhưng cần phải nộp phí trong vòng 2 ngày kể từ khi đi qua trạm thu phí, nếu không sẽ bị phạt gấp 10 lần mức phí phải nộp. Số tiền phạt sẽ gia tăng nếu không trả trong vòng 12 ngày, bao gồm: khoản phí phải nộp, tiền phạt gấp 10 lần tiền phí, 200 baht phí phạt từ DOH và khoản tiền phạt khác có thể lên đến 5.000 baht nếu vi phạm luật giao thông.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Thái Lan Saksayam Chidchob, khi hệ thống M-Flow được triển khai trên tất cả các tuyến cao tốc, hệ thống thu phí kiểu cũ như M-Pass và Easy Pass sẽ bị loại bỏ. Để đăng ký M-Flow, tài xế phải cung cấp số điện thoại di động dùng để kích hoạt, thẻ căn cước, giấy tờ đăng ký xe, ảnh mặt trước của xe. Nếu không phải chủ sở hữu phương tiện phải có giấy ủy quyền từ chủ sở hữu 

Minh Phương (tổng hợp)

Ý kiến của bạn

Bình luận