Theo thống kê của Sở GTVT, Đài Loan có dân số khoảng hơn 20 triệu người, trong đó khoảng 7 triệu người sở hữu ô tô và hơn 15 triệu người sở hữu xe máy. Số người di chuyển bằng phương tiện cá nhân chiếm tới 70%, điều này mang đến nhiều gánh nặng cho giao thông như tai nạn, ùn tắc, ô nhiễm, tiêu tốn nhiên liệu... Phát triển giao thông công cộng là một giải pháp tất yếu, song làm thế nào để xây dựng được một hệ thống giao thông công cộng an toàn, thân thiện và thu hút là bài toán không dễ trả lời.
Phát huy tối đa công dụng của xe buýt
Là hình thức giao thông công cộng phổ biến nhất, xe buýt không chỉ vận chuyển khoảng cách ngắn mà còn có tác dụng kết nối với đường sắt. Do đó, xe buýt đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng. Để khuyến khích người dân chuyển từ ô tô, xe máy sang xe buýt, Đài Loan đã xây dựng một hệ thống hạ tầng xe buýt thân thiện với nhiều đối tượng.
Những năm gần đây, tốc độ già hóa của dân số Đài Loan ngày càng tăng. Để đảm bảo an toàn đi lại cho người cao tuổi, Đài Loan đã xây dựng rất nhiều trang thiết bị tiện nghi cho người già, điển hình là ghế ưu tiên trên xe buýt hoặc trên tàu điện thường nằm ở gần cửa lên xuống và được sơn màu khác biệt so với ghế hành khách thông thường. Xe buýt truyền thống dần được thay thế bằng xe buýt sàn thấp để phù hợp với người cao tuổi, người khuyết tật ngồi xe lăn. Ngoài ra, trên xe buýt còn có khu vực riêng cho người khuyết tật, tại đó có dây an toàn bảo vệ xe lăn khỏi di chuyển. Khi không có hành khách khuyết tật, các hành khách khác có thể dỡ những chiếc ghế gấp ra để ngồi và xếp lại để nhường chỗ khi có hành khách ngồi xe lăn. Bên cạnh đó, trên xe buýt luôn có dụng cụ hỗ trợ khẩn cấp để hành khách có thể thoát thân khi có tai nạn. Một sáng kiến nữa cho thấy sự tỉ mỉ của Đài Loan khi xây dựng hệ thống xe buýt đó là những chiếc chuông bấm thông báo điểm xuống được bố trí ở tầm vừa phải để tất cả các hành khách khi đứng hay ngồi, là người già hay trẻ con đều có thể dễ dàng bấm được.
Các trạm dừng xe buýt cũng được nâng cấp thường xuyên. Bên cạnh trạm dừng truyền thống, trạm dừng có biển báo điện tử đang được sử dụng rộng rãi tại Đài Loan. Biển báo điện tử có thể ước tính giờ đến, thời gian di chuyển của xe buýt thông qua công nghệ ITS. Vé xe buýt có thể được trả bằng tiền mặt hoặc bằng thẻ. Có nhiều loại thẻ xe buýt khác nhau nhưng được nhiều người ưa chuộng nhất là thẻ nạp Easy Card, bởi ngoài trả tiền đi xe buýt, nó có thể được dùng để đi tàu điện ngầm, trả phí đỗ xe hoặc thậm chí là mua hàng ở cửa hàng tiện lợi. Một số trường học hay công sở còn tích hợp thẻ học sinh hoặc thẻ nhân viên với Easy Card để học sinh có thể ra vào thư viện hoặc một số nơi trong trường.
Tại những thành phố lớn như Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng..., hành khách có thể sử dụng một ứng dụng di động có tên i84, cho phép họ dễ dàng tìm kiếm thông tin về các tuyến xe buýt, trao đổi thông tin hoặc tìm kiếm trạm dừng xe buýt gần đó. Chẳng hạn, người dùng có thể nhập xe buýt số 79, sau đó vị trí của các xe 79 đó sẽ xuất hiện trên màn hình điện thoại, kèm với ước tính thời gian xe buýt sẽ đến trạm dừng.
Gắn trạm tàu điện với các điểm tham quan nổi tiếng
Bên cạnh xe buýt, tàu điện ngầm cũng là phương tiện công cộng phổ biến ở Đài Loan. Thiết kế trong và ngoài ga tàu điện được các kỹ sư giao thông nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Chẳng hạn, thông thường bảng điện tử thông tin các chuyến tàu được đặt ở khu vực nhà chờ sau cổng vào nhưng ở Đài Bắc thì bảng điện tử còn được đặt ở trước cổng vào ga. Do đó, khi hành khách vừa đến ga, họ có thể biết thời gian chuyến tàu điện ngầm tiếp theo sẽ tới để bắt ngay chuyến này hay thong thả di chuyển để đợi chuyến sau.
Trong khu vực nhà chờ, các thiết kế đều ưu tiên đảm bảo sự an toàn. Trên mặt đất luôn có những đường kẻ rõ ràng để hướng dẫn hành khách vị trí xếp hàng an toàn. Ngoài ra, tại các ga tàu luôn có một phòng chờ đặc biệt được trang bị camera 360 độ không góc chết dành riêng cho hành khách nữ vào ban đêm. Các nhân viên an ninh theo dõi camera sẽ luôn bảo vệ sự an toàn của hành khách nữ. Nhà chờ cũng có các cơ sở thiết yếu miễn phí cho hành khách khuyết tật.
Tàu điện ngầm ở Đài Loan hoạt động trong khoảng từ 6 giờ sáng đến 0 giờ đêm. Loa thông báo trên tàu được phát bằng nhiều thứ tiếng: Tiếng Quan thoại, tiếng Phúc Kiến Đài Loan, tiếng Khách Gia và tiếng Anh để phục vụ đông đảo hành khách. Trên tàu điện ngầm cũng có một số quy định như cấm ăn uống, nhai kẹo cao su và nhai trầu, nếu bị phát hiện sẽ phải trả phí phạt khá cao.
Một ý tưởng độc đáo của Chính quyền Đài Loan là gắn trạm tàu điện với các điểm tham quan nổi tiếng. Những năm gần đây, Đài Loan đã nỗ lực rất lớn để phát triển ngành Du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Do đó, Đài Loan chú trọng vào xây dựng đô thị và thiết kế cảnh quan. Ở Đài Bắc, Nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch, Nhà tưởng niệm Tôn Trung Sơn và Grand Hotel là những điểm tham quan nổi tiếng. Để gây ấn tượng với du khách, các trạm tàu điện gần đó được thiết kế theo phong cách tương tự. Ví dụ, trạm tàu điện gần Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch được xây tường trắng và mái ngói xanh theo kiến trúc truyền thống. Ga Yuanshan thì ăn theo phong cách của Grand Hotel với mái ngói vàng hay ở Cao Hùng có trạm tàu điện Formosa Boulevard được thiết kế thành mái vòm ánh sáng bằng cách sử dụng kính màu, tạo nên một khung cảnh lung linh như vũ trụ. Đây được mệnh danh là một trong những trạm tàu điện đẹp nhất thế giới, trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Ngoài xe buýt và tàu điện ngầm để di chuyển khoảng cách gần, Đài Loan còn cung cấp nhiều dịch vụ di chuyển khoảng cách xa như xe buýt liên tỉnh, tàu hỏa liên tỉnh, tàu cao tốc…, tất cả nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, giúp họ hạn chế dần việc sử dụng phương tiện cá nhân. Những biện pháp trên đã giúp thay đổi đáng kể diện mạo giao thông của Đài Loan, biến hòn đảo này trở thành một trong những nơi đáng sống nhất châu Á.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.