Giao thông Sơn La còn nhiều khó khăn do "đói vốn"

Tác giả: Vũ Thành

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 08/06/2017 14:22

Dù là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 toàn quốc nhưng Sơn La lại là tỉnh có hệ thống GTVT lạc hậu do chịu "nạn đói" vốn đầu tưu xây dựng hạ tầng giao thông kéo dài suốt nhiều năm qua.

 

bai-hat-chao-son-la-92017971900409

GIao thông Sơn La còn nhiều gam màu tối

Sơn La là một tỉnh núi biên giới nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt mạnh và là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 toàn quốc. Tuy nhiên, so với các tỉnh xung quanh bức tranh giao thông Sơn La hiện nay còn nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách từ Trung ương vì nguồn thu của tỉnh rất thấp.

Mạng lưới đường bộ còn thiếu và lạc hậu, quy mô kỹ thuật nhiều tuyến đường chưa đạt tiêu chuẩn, đã quá chu kỳ cải tạo, chất lượng các tuyến đường còn thấp, chủ yếu là đường đất, đặc biệt là các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT).

Theo Sở GTVT tỉnh Sơn La, hệ thống đường GTNT trên địa bàn tỉnh mới cứng hóa được 58,5% đường huyện và 11% đường xã, một số tuyến đường huyện chỉ lưu thông được vào mùa khô. Đến 30/3/2017 còn 34 xã chưa có đường đến trung tâm đi được 4 mùa.

Đặc biệt, việc khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây sạt lở, ách tắc giao thông, phá hủy kết cấu mặt đường, hệ thống thoát nước đối với đường tỉnh và đường GTNT gặp nhiều khó khăn về vốn. Đây là điểm bất lợi, khó khăn hơn so với các tỉnh khu vực đồng bằng.

Mặt khác, các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng GTVT thường có nguồn vốn đầu tư rất lớn và chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA; việc đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từ khu vực tư nhân gặp khó khăn do các dự án chưa thực sự hấp dẫn về thương mại đối với các nhà đầu tư.

Cần sớm cải thiện bộ mặt giao thông

Trao đổi với Tạp chí GTVT, ông Trịnh Xuân Hùng - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La chia sẻ, nếu tìm được nguồn vốn thì không có gì hiệu quả bằng đầu tư vào hạ tầng giao thông. Bởi lẽ, khi một con đường được hình thành “đi trước mở đường”, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống, kéo giảm khoảng cách phát triển giữa miền núi và đồng bằng.

Trước thực trạng hạ tầng giao thông của Sơn La hiện nay, đối với hệ thống quốc lộ, giải pháp cần làm sớm trước mắt là: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nâng cấp QL6; cải tạo, nâng cấp QL37; cải tạo, nâng cấp QL43 đoạn thị trấn Mộc Châu - Cửa khẩu Lóng Sập kết nối QL6 với nước bạn Lào; cải tạo, nâng cấp tuyến QL279 để kết nối Sơn La với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Đây là các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh được đầu tư và đưa vào khai thác đã lâu, quá chu kỳ cải tạo nâng cấp, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp; quy mô chưa phù hợp với quy hoạch và chưa đáp ứng được nhu cầu khai thác và được phê duyệt kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020.

Đặc biệt, tỉnh Sơn La mong muốn Bộ GTVT quan tâm, nâng mức vốn quỹ bảo trì đường bộ để giúp Sơn La kịp thời khôi phục, sửa chữa hư hỏng các Quốc lộ đã quá chu kỳ cải tạo nâng cấp, nhất là sửa chữa các đoạn tuyến gắn với chỉnh trang đô thị như: QL37 đoạn qua thị trấn Bắc Yên, QL12, QL4G nhằm chống xuống cấp đảm bảo êm thuận, an toàn khai thác, giảm thiểu TNGT, hạn chế hư hỏng phát sinh và đặc biệt đảm bảo quốc phòng - an ninh, tìm kiếm cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa mưa lũ.

Về hệ thống đường địa phương, các tuyến đường tỉnh đầu tư đã lâu, vốn cho công tác bảo trì khó khăn và không được sửa chữa định kỳ; để sửa chữa hư hỏng, chống xuống cấp và khắc phục thiệt hại do mưa lũ các năm qua, Sở GTVT Sơn La cũng đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ vốn từ quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa các tuyến đường tỉnh trọng yếu kết nối vùng kinh tế trọng điểm với mạng lưới giao thông như: Đường tỉnh 101, Đường tỉnh 110...; quan tâm, hỗ trợ giúp tỉnh chuyển một số đường tỉnh trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng, kết nối các tuyến quốc lộ hiện hữu.

Bên cạnh đó, Sơn La cũng cần sớm triển khai thực hiện các dự án xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh theo Dự án LRAMP với tổng số 153 cầu và quan tâm tiếp tục bổ sung danh mục đầu tư 305 cầu dân sinh còn lại, trong đó ưu tiên bổ sung danh mục cầu cứng tại trung tâm xã Bó Sinh huyện Sông Mã là cầu vượt Sông Mã, kết nối đảm bảo giao thông hai huyện vùng cao huyện Sông Mã và Thuận Châu.

Bức bách bài toán vốn cho hạ tầng GTVT

Nhờ thực hiện Nghị quyết của tỉnh về phát triển giao thông nông thôn, với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ", đến tháng 3/2017, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 6.722 tuyến/1.720km đường bê tông xi măng, với tổng kinh phí là 1.930 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ 565,14 tỷ đồng, nhân dân đóng góp là 1.365,27 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hùng, vì ngân sách khó khăn, phong trào "Nhân dân làm, Nhà nước" hỗ trợ là biện pháp rất hiệu quả trong việc phát triển GTVT của tỉnh và thực tế từ năm 2015 đến nay, phong trào này đã phát triển mạnh. Tuy nhiên, 1.720km đường bê tông, xi măng này chỉ mới được thực hiện ở những vùng có điều kiện kinh tế khá, điều kiện khai thác nguyên vật liệu tiện lợi, còn vùng sâu, vùng xa việc khai thác vật liệu tại chỗ không có, dân cư thưa thớt, thì mức hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để mua vật tư thiết yếu, đặc biệt là xi măng.

Các tuyến đường chính yếu trên địa bàn tỉnh (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện) đều là các tuyến độc đạo, vẫn còn nhiều vị trí phải sử dụng đường tràn, ngầm sâu nên khi mưa lũ kéo dài, nước lũ dâng cao các khu vực này thường xuyên bị cô lập, chia cắt ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên sẽ được nghiên cứu đầu tư thực hiện theo Quy hoạch, trên cơ sở căn cứ nhu cầu thực tế về nguồn lực và nhu cầu vận tải. Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã chấp thuận nhà đầu tư phối hợp với Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT lập điều chỉnh bổ sung quy hoạch làm cơ sở nghiên cứu đề xuất dự án tuyến đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) dài 85km theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Để thực hiện đoạn Hòa Bình - Mộc Châu cần kinh phí 20.000 tỷ đồng nhưng hiện nguồn vốn này chưa được xác định. “Để giải bài toán 20.000 tỷ đồng này thì nguồn vốn ngân sách là chắc chắn không đáp ứng được. Nhà đầu tư thì cam kết tìm các khoản vốn huy động tín dụng để vay, kể cả vay nước ngoài kết hợp với nguồn lực của 2 tỉnh. Tuy nhiên, dù cả Hòa Bình và Sơn La rất ủng hộ và sẵn sàng phối hợp thực hiện tuyến cao tốc này, nhưng hiện nay, các nhà đầu tư vẫn còn đang “chật vật” trong việc tìm nguồn vốn vay nước ngoài”, ông Hùng chia sẻ

Ý kiến của bạn

Bình luận