Giao thông thông minh: Công nghệ mới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Ứng dụng 24/04/2017 14:53

Các nhà khoa học đã giới thiệu các công nghệ quản lý và vận hành hệ thống ITS tại Nhật Bản và khả năng triển khai ứng dụng tại Việt Nam.


DSC_6660
GS.TS Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ đánh giá Hội thảo là bước đầu khởi động cho quá trình hợp tác về sau.

Ngày 24/4, Trường đại học GTVT phối hợp với Viện Ứng dụng Công nghệ, Trung tâm ITS-Viện nghiên cứu Khoa học Công nghiệp, trường đại học Tokyo, Nhật Bản đã tổ chức Hội thảo quốc tế về giao thông thông minh, các công nghệ mới và khả năng ứng dụng tại Việt Nam. Hội thảo có sự tham gia của 11 chuyên gia Nhật bản cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, chuyên gia Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Hùng Lân, Viện trưởng Viện ứng dụng công nghệ, Bộ Khoa học công nghệ đánh giá trong thời gian vừa qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt kinh tế, Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vấn đề trong quá trình quản lý vận hành tổng thể hệ thống, trong đó có các vấn đề về giao thông. Có thể thấy rõ, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông và dòng xe tăng trưởng và phát triển nhanh chóng thì chúng ta lại thiếu hụt công cụ và biện pháp để có thể quản lý hiệu quả, toàn diện toàn bộ hệ thống. Chính vì vậy, chúng ta phải đối mặt với nhiều vấn đề trong đảm bảo an toàn, kết nối thông tin và tối ưu quản lý.

Trên thế giới, thực tế rất nhiều nước trên thế giới cũng đã, đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề giao thông. Để xử lý những vấn đề đó, tại một số quốc gia đã đưa vào áp dụng các công nghệ của hệ thống giao thông thông minh, một trong những cấu phần chính của hệ thống giao thông thông minh là thu thập được thông tin từ phương tiện vận hành trên đường, phân tích xử lý và tối ưu dữ liệu đó. Đồng thời đưa ra mô hình kết nối tốt nhất giữa các đối tượng: Người sử dụng; Phương tiện; Hạ tầng. Trong đó, khái niệm người sử dụng bao gồm nhiều tầng và nhiều đối tượng, từ các người sử dụng là các nhà quản lý hoạch định chính sách cho đến người dùng cuối là những lái xe trực tiếp trên đường. Qua kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, tại các nước đang áp dụng hệ thống kết nối và quản lý giao thông như vậy đã thực sự cải thiện và nâng cao chất lượng toàn bộ mạng lưới giao thông, đồng thời tối ưu hiệu quả hoạt động của toàn bộ hệ thống cả về thời gian, chi phí, đảm bảo cải thiện môi trường. Các lợi ích của việc ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong vận hành hệ thống giao thông là rất rõ ràng.

DSC_6656
Rất đông các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo.

“Cùng với sự hỗ trợ về mặt công nghệ và kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản, đặc biệt là các giáo sư, chuyên gia hàng đầu từ Trường đại học Tổng hợp Tokyo, Trung tâm nghiên cứu ITS Center, Institute of Industrial Science, chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể cùng nhau nghiên cứu hợp tác đưa ra những giải pháp hiện đại, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam nhằm thực sự đưa các ứng dụng hệ thống giao thông thông minh triển khai sâu rộng hơn nữa vào cuộc sống”, GS.TS Lê Hùng Lân khẳng định.

Ông Yoshihiro Suda, Giám đốc Trung tâm ITS-Viện nghiên cứu Khoa học Công nghiệp, Trường đại học Tokyo, Nhật Bản cho biết trong thời gian qua, Viện nghiên cứu có sự quan hệ hợp tác với nhiều viện, trường đại học và các viện nghiên cứu về giao thông thông minh. "Trung tâm của chúng tôi có chất lượng hàng đầu ở Tokyo và chúng tôi đã tổ chức hội thảo như thế này ở nhiều quốc gia khác nhau như Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc và dây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức tại Việt Nam. Hệ thống giao thông thông minh bao gồm nhiều mảng khác nhau, mong rằng hội thảo này có thể đẩy mạnh sự phát triển tiên tiến công nghệ giữa Nhật Bản và Việt Nam", ông Yoshihiro Suda nói.

DSC_6667
Ông Yoshihiro Suda, Giám đốc Trung tâm ITS-Viện nghiên cứu Khoa học Công nghiệp, Trường đại học Tokyo, Nhật Bản trao đổi tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm học hỏi những giải pháp công nghệ hiệu quả của các nước trên thế giới đặc biệt là Nhật Bản, cùng với đó là nhìn nhận những thực trạng còn tồn tại và các giải pháp đưa ra nhằm cải thiện hệ thống ITS Việt Nam. Đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác đối tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Tại Hội thảo, các đơn vị, trường đại học và công ty quốc tế đã giới thiệu các công nghệ quản lý và vận hành hệ thống ITS tại Nhật Bản và khả năng triển khai ứng dụng tại Việt Nam còn các nhà nghiên cứu, đơn vị quản lý Việt Nam giới thiệu tình hình sử dụng, thực trạng quản lý và vận hành giám sát các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải tại Việt Nam.

Theo các đại biểu, phát triển ITS là hướng đi quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hạ tầng GTVT. Với những tiềm năng và lợi thế, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để xây dựng thành công ITS góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm thiểu ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông và cải thiện môi trường.

Ý kiến của bạn

Bình luận