Giao thông TP. HCM: Bao giờ hết nỗi lo úng ngập?

Tác giả: Mỹ Lệ

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 26/07/2016 14:23

Trận ngập lụt tồi tệ nhất trong lịch sử chưa từng có tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 15/9/2015 đã làm 72 tuyến đường bị ngập sâu trong biển nước, có nơi ngập sâu đến 0,6m. Lượng mưa cực lớn từ 92mm (trạm Lý Thường Kiệt) đến 142mm (trạm An Lạc) và kéo dài nhiều giờ (từ 15h30 đến 21h30), trong đó có 8 tuyến đường ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m. Hai tuyến đường ngập nặng nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh (0,6m) và Kinh Dương Vương (0,5m). Gần một năm sau trận ngập lịch sử, TP. Hồ Chí Minh vẫn chỉ mới triển khai một dự án chống ngập được khởi công vào cuối tháng 6/2016.

dan-tp-hcm-danh-vat-voi-ket-xe-ngap-nuoc

CHƯA CÓ TÍNH TOÁN KHOA HỌC

Trao đổi với Tạp chí GTVT, GS. Nguyễn Tất Đắc - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho rằng, hiện nay việc giải quyết chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh còn thiếu tính toán khoa học, trong khi đó các dự án lớn thời gian thực hiện quá dài. Trong thời gian đợi chờ dự án hoàn thành, nhiều người dân vẫn phải đối mặt với ngập úng mỗi khi triều cường hoặc mưa lớn.

GS. Đắc phân tích, hiện nay cơ sở hạ tầng tại TP. Hồ Chí Minh, các khu công viên, đường sá đều bê tông hóa, kênh rạch bị lấp dần..., trong khi TP. Hồ Chí Minh không có các hồ chứa nước tạm thời, các hố ga, nắp cống thì ngập rác thải... Đây chính là những nguyên nhân khiến Thành phố rơi vào tình trạng ngập sâu mỗi khi mưa lớn. Nguy hiểm hơn là tình trạng mưa lớn đi kèm với triều cường đang lên khiến cho cuộc sống của hàng nghìn người dân phải “sống chung với lũ”, chất lượng cuộc sống không được đảm bảo.

GS. Đắc cho biết, hiện nay tất cả các dự án chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh đều thuộc tổng dự án 1547. Việc triển khai dự án theo yêu cầu chuẩn bị đầu tư xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát triều phù hợp với quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định 1547/QĐ-TTg ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Ban QLDA 1547 có chức năng nghiên cứu lập 9 dự án xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát triều theo Quyết định số 2488/QĐ-UBND ngày 20/5/2009 của UBND Thành phố (trừ dự án lắp đặt các cửa van ngăn triều trên các rạch thường xuyên ngập nước). Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dự án này vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Chỉ chống ngập được nội đô, làm cho mực nước tại các sông khu vực xung quanh nội đô sẽ tăng từ 30-35cm. Khu vực Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) cũng sẽ bị ảnh hưởng từ dự án với mực nước có thể tăng lên đến 65cm. Việc xây dựng hệ thống đê bao sẽ gây nguy hiểm nếu xảy ra sự cố, vì vậy dự án không chỉ gây tốn kém về chi phí, hao tốn quỹ đất mà vẫn không giải quyết triệt để được tình trạng ngập úng.

Việc xây dựng hệ thống đê bao và cống kiểm soát sẽ làm tăng xâm nhập mặn, ảnh hưởng trầm trọng đến nguồn nước ngọt của các nhà máy nước. Tuy nhiên, hệ thống này sẽ không giải quyết được vấn đề ngập do mưa. Hệ thống 12 cống kiểm soát này phải có 12 trạm quản lý được đặt ở đó, gây lãng phí về quản lý và nhân lực.

7-7 Hình 2

QUY HOẠCH PHẢI CÓ TÍNH BỀN VỮNG

Theo PGS. TS Hồ Long Phi - Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (WACC), Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, các quy hoạch không gian và quy hoạch sử dụng đất tại TP.Hồ Chí Minh đến năm 2025 vẫn đang trong quá trình xem xét và thực hiện. Trong khi đó, vấn đề cần chú ý là chiến lược chống ngập TP. Hồ Chí Minh phải thực hiện dứt khoát, có kế hoạch lâu dài, điều đó có nghĩa phải có tính bền vững trong quy hoạch. Nếu thực hiện những quy hoạch được vài năm, sau đó lại có thay đổi thì giải pháp chống ngập cũng sẽ phải thay đổi theo. Như vậy, việc triển khai chống ngập sẽ phản khoa học và đó cũng là một yếu tố rủi ro lớn cho việc đưa ra các biện pháp chống ngập khác của Thành phố.

Việc quy hoạch các khu công nghiệp đến năm 2025 cần phải thực hiện theo hướng đưa các khu công nghiệp này ra ngoại thành để xóa bỏ tình trạng ô nhiễm trong nội thành. Nhưng vấn đề đáng quan tâm ở đây là địa hình khu vực ngoại thành thường thấp trũng hơn khu vực nội thành nên việc chống ngập cho các khu vực này gặp nhiều khó khăn và tốn kém chí phí.

Hiện các tuyến đường vành đai phát triển ngay tại những khu thấp và chính những khu vực này sẽ cản trở những giải pháp để giải quyết vấn đề ngập úng. Quy hoạch giao thông có đường vành đai bao quanh nhưng đây cũng là yếu tố làm cho việc thoát nước khó khăn hơn.

Vấn đề trước mắt của Thành phố là tìm đường thoát cho nước, xây dựng hệ thống lưu trữ nước tạm thời. GS. Nguyễn Tất Đắc cho biết, hiện các nước phát triển đã xây dựng các đường hầm cho xe lưu thông. Khi có mưa lớn và triều cường, hầm sẽ được đóng lại để giữ nước trong một thời gian. Đây là mô hình hiện đại và rất phù hợp cho các thành phố có tốc độ phát triển nhanh như TP. Hồ Chí Minh.

“Việc chống triều cường cần phải được xây dựng từ khu vực ngoài nội đô và kết hợp nhiều biện pháp khác. Hiện tuyến đường Kinh Dương Vương tại TP. Hồ Chí Minh được nâng cấp cao gần 2m, biến nhà dân thành hầm là một trong những ví dụ về giải pháp chống ngập phản khoa học”, GS. Đắc phân trần.

Ý kiến của bạn

Bình luận