Tiết học với giáo viên bản ngữ ở một trường quốc tế tại TP HCM. Ảnh minh họa: Mạnh Tùng |
Trong hướng dẫn chuyên môn tiếng Anh cấp tiểu học năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM quy định giáo viên bản ngữ không sử dụng các thiết bị nghe nhìn như cassette, CD, bảng tương tác để nghe nhạc, xem video... trong giờ dạy. Điều này giúp học sinh có cơ hội tương tác, thực hành tiếng Anh với giáo viên bản ngữ.
Sở cũng quy định trong tiết học có giáo viên bản ngữ phải có giáo viên tiếng Anh phụ trách lớp tham gia, giáo viên người Việt không phiên dịch sang tiếng Việt cho trẻ. Đồng thời, giáo viên bản ngữ phải gọi học sinh bằng tên tiếng Việt và tuyệt đối không đặt tên tiếng Anh cho học sinh.
Theo giải thích của một cán bộ Sở Giáo dục, quy định trên nhằm tôn trọng tên gọi của học sinh, bởi học tiếng Anh là để hòa nhập nhưng vẫn phải giữ gìn bản sắc riêng. Nhiều phụ huynh cũng không ủng hộ việc con có một tên "Tây" ở trên lớp.
Quy định không đặt tên tiếng Anh của Sở Giáo dục đang gây tranh cãi trái chiều từ giáo viên tiếng Anh tiểu học. Nhiều người cho rằng, giáo viên bản xứ rất khó phát âm tên tiếng Việt của học sinh nên việc đặt tên tiếng Anh cho các em là cần thiết. Ngoài ra, tên tiếng Anh được sử dụng trong lớp học cũng tạo nên sự gần gũi, thú vị trong tiết học, kích thích sự ham học của trẻ.
"Tôi thấy việc đặt tên tiếng Anh cho học sinh trong lớp không quan trọng bởi đó chỉ là hình thức. Điều cần quan tâm là chất lượng của tiết học thế nào. Nếu đặt tên tiếng Anh giúp sự giao tiếp thuận tiện hơn thì không nên cấm một cách cứng nhắc", một giáo viên tiếng Anh ở quận Bình Thạnh cho biết.
Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh lại ủng hộ quy định trên. "Học sinh đã có một tên tiếng Việt thì nên tôn trọng tên gọi của trẻ, không nhất thiết phải đặt thêm một tên tiếng Anh khác", ông nói.
Tại TP HCM, giáo viên bản ngữ dạy với giáo viên tiếng Anh tiểu học từ một đến hai tiết mỗi tuần cho các chương trình tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh đề án, tiếng Anh tăng cường.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.