Giáo viên nói gì về đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT?

07/10/2016 05:42

Nhiều giáo viên ở các trường THPT cho rằng bộ đề thi mẫu Bộ GD&ĐT mới ban hành hoàn toàn phù hợp với năng lực, đảm bảo tính phân loại của HS.

thi_sinh_ITEP
Nhiều giáo viên các trường đánh giá tốt về đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT. 

Cô Phạm Thị Hải Yến - tổ trưởng tổ bộ môn Sử, Địa, GDCD trường THPT Bình Sơn (Sông Lô, Vĩnh Phúc) - nhận định bộ đề thi mẫu tương đối đảm bảo về thời gian làm bài, có những câu hỏi hay và không mang tính "đánh đố".

Đề thi được phân cấp ở mức dễ, trung bình và nâng cao mang tính phân loại học sinh. Đề thi cũng đảm bảo được 60 % kiến thức cơ bản và 40 % là kiến thức vận dụng.

Riêng môn Sử đảm bảo được tính bao quát trong toàn bộ chương trình học lớp 12, chủ yếu là những kiến thức trọng tâm đòi hỏi học sinh phải nắm vững.

“Sắp tới nhà trường sẽ phải họp, thảo luận để đưa ra phương pháp giảng dạy cho thật phù hợp với tình hình thực tế, làm sao cho học sinh có thể học tập, ôn luyện tốt nhất" - cô Yến nói. 

Với môn Toán, thầy Ngô Duy Đại - giáo viên dạy môn Toán trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) - cho rằng đây là đề thi phù hợp.

Theo thầy Đại, đề có từng cấp độ đó là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, cao. Số lượng câu hỏi ở các chương, phần hình học hoàn toàn hợp lý. “Với đề thi và thời gian như vậy, học sinh có học lực trung bình, có kỹ năng tương đối tốt có thể đạt 4-5 điểm".

Nhận định về đề văn, thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh (Nam Định) - cho rằng chưa có sự phân hóa cao. Các câu hỏi yêu cầu tính chính xác nên chủ yếu người chấm đếm ý cho điểm.

Phần nghị luận và đọc hiểu chiếm 5 điểm, không nằm trong sách giáo khoa nên học sinh không cần học thuộc mà có thể tư duy làm bài. Điều này có lợi cho thí sinh thuộc ban tự nhiên.

Với câu hỏi đọc hiểu, đề thi giảm từ 600 xuống còn 200 chữ, buộc thí sinh phải viết rất ngắn gọn mà vẫn đủ ý. Sự thay đổi này khiến học sinh bỡ ngỡ, vì trong chương trình sách giáo khoa hiện hành, nghị luận xã hội vẫn là nội dung độc lập. Bài kiểm tra nghị luận xã hội được viết thành bài văn trong 45 phút.

Theo ông Trần Xuân Nhĩ - phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, trước khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi mẫu, bộ thí điểm, cho học sinh ở một số nơi làm thử.

Sau đó, bộ đã chỉnh sửa và rút kinh nghiệm mới công bố. Quy trình như vậy là hoàn toàn phù hợp nên sẽ nhận được sự đồng tình của đa số giáo viên, học sinh

Ý kiến của bạn

Bình luận