Phương án thi THPT quốc gia 2017 khiến nhiều học sinh lo lắng. Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn |
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo đó, thí sinh sẽ thi 3 môn bắt buộc bao gồm các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ; và lựa chọn một trong hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học và Sinh học) hoặc Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công nhân). Thí sinh sẽ có điểm thi của toàn bài thi tổ hợp và của từng môn trong tổ hợp.
Riêng đối với thí sinh giáo dục thường xuyên sẽ thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc gồm Toán và Ngữ văn, cùng 1 bài thi tổ hợp tự chọn (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội). Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH-CĐ nếu có nguyện vọng.
Về hình thức tổ chức thi, trừ môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại sẽ áp dụng thi trắc nghiệm. Đáng lưu ý, các môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân lần đầu tiên dự kiến tổ chức thi theo hình thức này.
Về thời gian làm bài thi của tất cả các môn thi, theo dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2017, sẽ được rút ngắn 30 phút. Cụ thể, Ngữ văn thi trong 120 phút, các môn Toán và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội thi trong 90 phút. Riêng môn Ngoại ngữ thi trong 60 phút.
Cấu trúc đề thi ở bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội bao gồm 60 câu hỏi trắc nghiệm (giống như các môn Toán, Ngoại ngữ), chia thành 3 cấu phần, mỗi phần gồm 20 câu trắc nghiệm mỗi môn. Đề thi do máy tính thiết lập tự động từ ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa được cập nhật, bổ sung trên cơ sở ngân hàng đề thi đã được ĐHQGHN xây dựng nhiều năm qua.
Như vậy, với dự thảo Phương án thi THPT Quốc gia 2017, học sinh sẽ phải thi tối thiểu 6 môn thay vì 4 môn như năm nay. Việc thực hiện bài thi tổ hợp với 3 môn thi cùng một lúc khiến nhiều học sinh cuối cấp căng thẳng do học lệch. Tuy nhiên, với những học sinh đã có dịp tìm hiểu và làm quen với đề thi đánh giá năng lực vào ĐHQGHN trong hai năm qua có thể sẽ bớt bỡ ngỡ hơn với cấu trúc bài thi tổ hợp dạng này.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho biết, theo quy tắc chung hiện áp dụng trong xét tuyển tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ không được xét tốt nghiệp nếu bị điểm liệt một môn thi. Tuy nhiên, nếu thí sinh bị điểm liệt 1 cấu phần trong bài thi tổ hợp thì không bị tính.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết, việc sử dụng kết quả bài thi tổ hợp để xét tuyển ĐH- CĐ tùy thuộc vào yêu cầu tuyển sinh của các trường. Các trường có thể kết hợp với các môn thi khác để hình thành tổ hợp xét tuyển ĐH-CĐ.
“Nếu các trường yêu cầu sử dụng điểm của các của cả bài thi tổ hợp thì các em sẽ phải làm hết tất cả. Nhưng nếu trường chỉ sử dụng một cấu phần thì các em có thể chỉ cần làm mỗi cấu phần đó”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.
Dự kiến vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 năm nay, sau khi Bộ công bố phương án thi cụ thể, giáo viên và học sinh có thể tham khảo đề thi minh họa để ôn luyện trong quá trình dạy, học. Bộ cũng chỉ đạo các trường ĐH-CĐ sớm công bố tổ hợp xét tuyển để các em có định hướng ôn tập.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.