Giáo viên TP HCM lo học trò 'đuối' trước đề Toán lớp 10 mới

17/09/2017 14:50

Cho rằng đề minh họa môn Toán tuyển sinh lớp 10 hay, song thầy cô lo ngại sẽ làm phát sinh tình trạng chạy đua học thêm.

hoc-sinh-thi-lop-10-5939-1505467113
Nhiều giáo viên lo đề Toán vào lớp 10 sắp tới sẽ khiến học sinh bỡ ngỡ. Ảnh: Thành Nguyễn.

Giải đề thi minh họa môn Toán - kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019 Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM mới công bố - thạc sĩ Ngô Thanh Sơn (giáo viên Toán trường THPT Vĩnh Viễn) cho rằng học sinh sẽ rất khó đạt điểm tốt. Mặt bằng chung điểm thi Toán vào lớp 10 năm sau sẽ thấp hơn những năm trước.

Ông Sơn phân tích, cấu trúc đề minh họa hoàn toàn mới với 10 câu hỏi theo các ý độc lập. 5 câu đầu đơn thuần là môn Toán với kiến thức cơ bản, học sinh khá giỏi có thể làm trọn vẹn, học sinh trung bình cũng làm được tương đối.

Tuy nhiên, đối với 5 câu cuối yêu cầu học sinh phải biết mô hình hóa, đọc hiểu để tìm được mấu chốt của đề và đưa về dạng một bài toán. "Điều này không đơn giản. Cụ thể, câu hỏi về quang học vận dụng kiến thức vật lý và nếu đây là câu hỏi môn Lý thì nó vẫn là câu hỏi khó. Điều này tương tự với câu hỏi vận dụng kiến thức môn Hóa", ông Sơn cho hay.

Học sinh ở trên lớp đang học theo chương trình giáo khoa, các bài kiểm tra vẫn phải theo kế hoạch có sẵn. Việc làm quen với dạng đề bài này ở học sinh đang học lớp 9 sẽ hạn chế, phụ thuộc vào cách dạy của từng trường, từng thầy cô.

"Với cách ra đề này, giáo viên Toán phải cập nhật kiến thức Lý, Hóa để giảng dạy cho học sinh làm quen. Nhưng không phải ai cũng làm việc đó bởi thời gian dạy trên lớp có hạn, áp lực chạy theo chương trình", ông Sơn nói và dự đoán "sẽ nảy sinh tình trạng học thêm để thi Toán vào lớp 10".

Ông Trần Tuấn Anh (giáo viên Toán, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Gò Vấp) cho rằng đề minh họa Toán lớp 10 khá mới so với các đề truyền thống và so với cách dạy hiện tại của giáo viên, bao gồm giáo án, phương thức đánh giá.

Giáo viên cần thay đổi từ cách rèn học sinh giải toán sang dạy vận dụng các kỹ năng tính toán, giải quyết tình huống. Các em không những cần kỹ năng tính toán mà còn phải hiểu các định nghĩa, khái niệm để vận dụng hiệu quả vào bài toán.

Theo ông, việc sử dụng kiến thức môn Toán để giải quyết các tình huống thực tế sẽ giúp học sinh chủ động tìm tòi, yêu thích môn học này hơn.

"Cách ra đề mới là sáng tạo, hạn chế việc học vẹt, học tủ môn Toán, song áp dụng thực tế mang lại hiệu quả ra sao lại là câu chuyện dài. Sẽ rất thiệt thòi cho học sinh nếu giáo viên của họ chỉ làm tròn vai trên lớp", ông Tuấn Anh nói.

Với cách phân phối chương trình hiện tại và yêu cầu kiến thức cần nắm của bài học, giáo viên không nhiều thời gian để vận dụng kiến thức vào giải các bài toán thực tế.

Hiện, sách giáo khoa không nhiều bài toán ứng dụng thực tế nên để làm quen với dạng đề mới này, học sinh cần thêm nhiều nguồn bài tập từ các tài liệu tham khảo khác nhau. "Với học sinh trung bình, nếu phải tự mò mẫm với dạng đề mới thì khả năng các em phải đi học thêm là rất lớn", ông băn khoăn.

de-thi-minh-hoa-lop-10-1-1833-1505467113
Học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM năm 2017. Ảnh: Mạnh Tùng 


Trong khi đó, nam giáo viên Toán trường THCS ở huyện Hóc Môn thẳng thắn: "Đề hay nhưng rất sốc". Thầy giáo này thừa nhận bản thân mình khi giải đề cũng bị "khớp" ở những câu liên hệ môn Lý, Hóa.

"Nếu kỳ thi lớp 10 trước đây các em chỉ ôn Văn, Toán, Ngoại ngữ thì nay môn Toán gồm cả Lý và Hóa. Việc thay đổi đột ngột nên chúng tôi chưa kịp thích ứng, không khéo nhiều học sinh lo lắng quá lại kéo nhau đi luyện thi, học thêm", ông nói.

Trước đó, Phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho biết, đề thi vào lớp 10 năm 2018 sẽ theo hướng tăng cường tính thực tiễn và tích hợp kiến thức ở từng bài thi. Ở môn Toán, một nửa đề thi là hiểu và vận dụng, còn lại là kiến thức của các môn khác như Lý, Hóa...

Lãnh đạo phòng này khẳng định đề sẽ không gây áp lực cho học sinh phải học nhiều môn, nhớ nhiều công thức mà quan trọng hơn là biết cách vận dụng kiến thức, giải quyết câu hỏi.

Ý kiến của bạn

Bình luận