Gợi mở nhiều giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy

Tác giả: Diệp Anh

saosaosaosaosao
An toàn giao thông 25/12/2022 17:48

Nhiều giải pháp quan trọng đã được các đại biểu gợi mở, kiến nghị tại Hội thảo "Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy" do Ủy ban ATGT Quốc gia vừa tổ chức.


Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy  - Ảnh 1.

Hình ảnh tại Hội thảo "Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy"

TNGT liên quan người đi xe máy chiếm đến 70%

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội thảo "Nâng cao an toàn giao thông đối với người đi xe máy". Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đinh Vinh Mẫn, Trường Đại học Việt Đức cho biết, theo thống kê nghiên cứu, trung bình hàng ngày có 25 người chết do TNGT đường bộ và chủ yếu là liên quan đến người đi mô tô, xe gắn máy (gọi chung là xe máy). TNGT do xe máy gây ra chiếm đến 70% số vụ TNGT đường bộ, trong đó độ tuổi gây tai nạn chủ yếu từ 27-55 tuổi.

"Tỷ lệ các vụ TNGT liên quan đến người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm (dưới 18 tuổi) và người cao tuổi (trên 55 tuổi) đang có xu hướng tăng", TS Mẫn nói và cho biết: Người đi xe máy dễ bị tổn thương khi tham gia giao thông so với các phương tiện bốn bánh lớn hơn do diện tích tiếp xúc của lốp xe với mặt đường nhỏ, lực thắng phanh chủ yếu dồn về phía trước, tỉ lệ sức mạnh/khối lượng lớn và thiếu thiết bị bảo hộ.

Đánh giá về nguyên nhân gây ra các vụ TNGT, TS Mẫn cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng các nguyên nhân chính có thể kể đến là do kết cấu hạ tầng, do phương tiện và do ý thức của người tham gia giao thông.

3 hành vi nguy hiểm phổ biến của người điều khiển xe máy gây ra TNGT gồm: chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu bia, không tập trung trong quá trình điều khiển xe.

Một số hình ảnh tại hội thảo

Gợi mở nhiều giải pháp nâng cao ATGT cho người đi xe máy

Tại hội thảo, PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Trường Đại học Việt Đức cho biết, tại Quyết định số 1586 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ một số chính sách và giải pháp liên quan đến việc tách dòng xe 2 bánh ra khỏi dòng xe hỗn hợp. Cụ thể, đẩy nhanh việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A, lắp đặt giải phân cách tránh xung đột đối đầu và xây dựng làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.

Đối với Thủ đô Hà Nội và TP. HCM, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và ưu tiên đầu tư phát triển phương tiện vận tải đô thị khối lượng lớn; tổ chức làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy; xây dựng hệ thống cầu vượt nhẹ bằng thép cho xe mô tô, xe gắn máy và xe ô tô có tải trọng nhẹ; xây dựng cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ.

Ngoài ra, khi lập dự án nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới các tuyến đường bộ, tuyến tránh đô thị phải thiết kế phân làn đường dành riêng cho xe mô tô, xe gắn máy.

Tuy nhiên, đến nay, qua đánh giá cho thấy, việc thực hiện giải pháp hạ tầng và tổ chức giao thông của Chiến lược còn rất chậm và nhiều bất cập. Hiện nay chỉ có QL22, một số đoạn trên tuyến QL1A, QL5 và một số đoạn đi qua khu vực đô thị trên các tuyến quốc lộ đã được phân tách làn đường dành riêng cho xe hai bánh. Ở Hà Nội, TP. Đà Nẵng và TP. HCM mới chỉ có vài tuyến đường triển khai phương án phân tách làn xe máy riêng.

Do đó, PGS, TS Vũ Anh Tuấn đã xây dựng và đề xuất áp dụng Sổ tay thiết kế tuyến đường và làn đường dành riêng cho xe hai bánh (xe máy) nhằm mang đến môi trường tham gia giao thông an toàn hơn cho người đi xe máy.

Trong khi đó, TS Mẫn đề xuất 3 nhóm giải pháp gồm: Kỹ thuật (nâng cấp cải tạo mặt đường, mở rộng làn đường xe máy, phân cách làn đường xe máy và ô tô bằng các dải phần cách cứng, Kiểm soát và đảm bảo chất lượng các loại xe máy đang lưu thông); Giáo dục và đào tạo (Bổ sung nội dung đào tạo các kỹ năng điều khiển phương tiện, nhận biết và xử lý các tình huống nguy hiểm trên đường cho người đi xe máy (đối với người trẻ tuổi) và Cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền, tập trung vào các quy định xử phạt, các hình ảnh về hậu quả của các vụ TNGT và Thực thi pháp luật (Tăng cường giám sát, nâng mức xử phạt).

Về lâu dài, các giải pháp tập trung vào 3 trụ cột chính. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, xây dựng những tuyến đường an toàn hơn. Với phương tiện, nâng cao chất lượng phương tiện bằng cách phát triển hệ thống hỗ trợ người lái trên xe máy, có quy định quản lý xe máy cũ nát. Với con người, cần tập trung tuyên truyền giáo dục đào tạo nâng cao hiểu biết và kiến thức về ATGT cũng như tăng cường giám sát, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe, hạn chế các vi phạm giao thông là nguyên nhân gây ra TNGT.

Ngoài ra, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) còn cho rằng, cần bổ sung thêm loại Giấy phép lái xe cho người điều khiển xe gắn máy (loại phương tiện có dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3, tốc độ tối đa không quá 40 km/h), về độ tuổi nên quy định từ 16 tuổi trở lên phải thi GPLX. Cùng với đó, nghiên cứu, xem xét thiết lập hệ thống cấp GPLX tạm thời cho người mới lái và hệ thống điểm an toàn cho người lái xe (số điểm tương ứng với lỗi vi phạm cho từng loại phương tiện và số điểm mỗi loại GPLX được cấp khi cấp mới hoặc cấp đổi theo thời hạn của GPLX) và bổ sung thời hạn cấp đổi GPLX đối với hạng A1, A2

Đặc biệt, ông Đạt cũng đề xuất cần hoàn thiện giáo trình đào tạo, xây dựng các bài thực hành trên thiết bị mô phỏng. Các tình huống cần xây dựng, gồm: Điều khiển mô tô trong điều kiện ban đêm, sương mù, mưa bão, ngập lụt, đường sình lầy ... trên đường miền núi, qua ngầm, tràn, trên đường quốc lộ (với các tình huống bất ngờ xảy ra qua đường tại các khu vực đông dân cư, bán đô thị).

Đồng thời, cần nâng cao công tác sát hạch lái xe, hoàn thiện giáo trình đào tạo theo hướng: Soạn lại bộ câu hỏi sát hạch, loại bỏ học mẹo, câu đố, có 04 đáp án, 01 phương án trả lời, cơ cấu theo cấp độ tư duy Bloom; Sửa câu hỏi sát hạch về biển báo theo QCVN 41/2019/BGTVT; Bổ sung quy định về sân sát hạch mô tô được xây dựng có bó vỉa, vạch sơn, đèn tín hiệu, biển báo; Bổ sung sát hạch mô tô trên đường thực tế.

Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Lê Trần Việt, Trưởng phòng lái xe an toàn, Công ty Honda Việt Nam đã chia sẻ nhiều kiến thức về kỹ năng lái xe an toàn, trong đó chú ý kiểm tra xe trước khi sử dụng nhằm phát hiện kịp thời hư hỏng của xe, tránh những sự cố bất ngờ do phương tiện gây ra và giúp xe bền và đẹp hơn. Ngoài ra, các bộ phận quan trọng cần kiểm tra thường xuyên như: phanh xe, lốp xe, hệ thống đèn và còi, gương chiếu hậu,…

Đặc biệt, ông Việt khuyến cáo phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông để bảo vệ đầu, giảm nguy cơ chấn thương sọ não khi xảy ra va chạm. Nếu mũ bảo hiểm đã bị ảnh hưởng do bị rơi hoặc va chạm thì nên thay mũ bảo hiểm khác, ngay cả khi không thấy có hư hỏng gì đáng kể bởi mũ bảo hiểm lúc này đã giảm khả năng bảo vệ.

Còn theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, công tác đảm bảo ATGT nói chung và xe máy nói riêng thời gian qua đã được cải thiện rất nhiều tuy nhiên ATGT là cả một quá trình và cần có những giải pháp thiết thực phù hợp với tình hình thực tế để nâng cao hơn nữa ATGT cho người dân. Đồng thời, đánh giá cao những tham luận, ý kiến thảo luận của các chuyên gia, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan trong hội thảo và cho biết sẽ tiếp thu, chắt lọc các ý kiến để đưa vào các báo cáo tổng hợp để đề xuất đối với các cơ quan quản lý các giải pháp nhằm nâng cao ATGT cho người đi xe máy, cũng như có văn bản hướng dẫn gửi đến các địa phương để thực hiện.