ảnh minh họa |
Bảng giá dịch vụ của GrabBike được công bố trên website chính thức của Grab.
Trước đây Uber cũng từng tính phí thời gian vào bảng giá, tuy nhiên cước phí thay đổi và cập nhật theo thời gian thực của chuyến đi vào cuối chuyến, khiến nhiều hành khách không thoải mái, cho rằng tài xế cố tình câu giờ để được thêm tiền.
Còn cách áp dụng của Grab khá linh hoạt, đáp ứng được việc thay đổi cước phí phù hợp giờ cao điểm, vừa hỗ trợ tài xế vừa khiến người dùng yên tâm vì giá hiển thị khi đặt chuyến xe không thay đổi, đúng như cách hãng đã hút người dùng trước đối thủ cũ Uber.
Đây không phải là lần đầu Grab điều chỉnh giá cước, hãng liên tục điều chỉnh cước GrabBike mà hầu hết đều là tăng giá. Nhưng cách điều chỉnh lần này của Grab cho thấy một "biện pháp kỹ thuật" để tránh surge pricing (tăng giá vào giờ cao điểm) quá nhiều.
Với công thức tính giá cũ, chỉ tính giá theo khoảng cách thì vào khung giờ cao điểm Grab sẽ luôn phải tăng giá để đảm bảo thu nhập cho tài xế. Trên thực tế, vào khung giờ cao điểm tắc đường, nhu cầu đi lại của khách hàng cao, nhiều cuốc hơn, nhưng tài xế sẽ di chuyển chậm. Hệ quả là thu nhập mỗi giờ của tài xế bị ảnh hưởng, thấp hơn so với chạy vào giờ đường thoáng. Cũng vì thế vào giờ cao điểm, tài xế thường không mặn mà nhận cuốc nếu không có tăng giá.
Một điều cần chú ý là trước đây giá cước của GrabBike hầu hết không hiện tăng giá vào giờ cao điểm. Dù mức giá có tăng từ 16.000đ lên 22.000đ (gần 40%) trong cùng quãng đường nhưng khác khung thời gian, Grab cũng không hiện chỉ số tăng giá. Điều này dấy lên câu hỏi, phải chăng Grab đang có che giấu vịệc tăng giá theo surge pricing?
Giờ đây, khi áp thêm mức cước thời gian vào, Grab hầu như sẽ rất ít khi hiển thị chỉ dấu tăng giá Bike, trong khi giá có thể tăng lên rất nhiều do được điều chỉnh theo phí thời gian đi đường. Với một số khu vực trung tâm Hà Nội và TPHCM thường xuyên phải chịu cảnh tắc đường, cá biệt có lúc di chuyển 1km trên cầu vượt phải mất cả 10 phút.
Một góc nhìn khác cho việc tăng giá của GrabBike là Grab đang rất tự tin với vị trí thống lĩnh thị trường của mình. Kể từ khi tân binh Go-Viet ra mắt để thay thế vị trí của Uber để lại, thị trường đã đón nhận thêm Be hay tên tuổi nhỏ bé FastBike của FastGo. Tuy nhiên, Grab vẫn thể hiện vai trò thống lĩnh của GrabBike khi trên đường phố hầu hết là màu áo xanh của Grab.
Vì đã chiếm được vị thế lớn, nên Grab sẵn sàng tăng giá để cắt lỗ, giảm hỗ trợ tài xế và đi tới có lời ở mảng GrabBike, trong khi các đối thủ đều đang phải cố gắng tung khuyến mại cho khách hàng, giảm chiết khấu cho tài xế để tiếp tục cuộc chiến này.
Nhưng hãy coi chừng, bởi cuộc chơi gọi xe trên thế giới đang cho thấy đây là một mảng thị trường không còn khó để tham gia, và cũng không khó để đối thủ mới bắt kịp các tay chơi cũ (như việc Lyft ra sau nhưng đã chiếm tới gần 40% thị phần Mỹ so với Uber).
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.