Một góc văn phòng của Uber và Grab chụp vào ngày 26/3/2018. Ảnh: Reuters |
Cơ quan giám sát cạnh tranh Singapore vừa ra quyết định phạt Grab và Uber tổng cộng 13 triệu đôla Singapore (hơn 9,5 triệu USD) do thương vụ sáp nhập của hai công ty. Theo cơ quan này, thương vụ đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của thị trường gọi xe.
Uber bị phạt 6,58 triệu đôla Singapore (hơn 4,8 triệu USD) trong khi Grab bị phạt 6.42 triệu đô la Singapore (gần 4,6 triệu USD). Ủy ban cạnh tranh và người tiêu dùng Singapore (CCCS) cho biết, việc xử phạt nhằm "ngăn những vụ sáp nhập đã hoàn thành, không thể đảo ngược, nhưng gây tổn hại đến cạnh tranh".
Mức phạt được đề ra dựa vào các yếu tố về doanh thu của công ty, bản chất, thời gian và mức độ vi phạm, có xét các tình tiết tăng nặng cũng như giảm nhẹ.
Ngày 26/3, Grab tuyên bố đã mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Ngay hôm sau, CCCS lập tức mở cuộc điều tra liệu thương vụ có vi phạm luật chống độc quyền hay không.
Là một phần của kết quả điều tra, cơ quan này cho rằng Grab đã tăng giá sau khi loại được đối thủ cạnh tranh "đáng gờm" nhất tại Singapore là Uber. Cước phí khách hàng phải trả cho mỗi chuyến, sau khi đã trừ khuyến mại, tăng 10 - 15%. Ngoài ra, CCCS tuyên bố đã nhận được rất nhiều khiếu nại từ hành khách và tài xế về giá cước lẫn hoa hồng của Grab.
Ngay cả chương trình khách hàng thân thiết GrabRewards cũng không qua mắt được cơ quan này. CCCS kết luận Grab đã thay đổi chương trình từ ngày vắng Uber, như giảm số điểm hành khách kiếm được trên mỗi đôla chi tiêu, giảm số lượng, tần suất của các khuyến mại, ưu đãi.
Cơ quan chức năng Singapore cũng cho rằng Grab hiện nắm đến khoảng 80% thị phần và có tác động mạnh, khiến các đối thủ cạnh tranh tiềm năng khó mở rộng quy mô, đặc biệt là khi hãng yêu cầu nghĩa vụ độc quyền với các công ty taxi, đối tác cho thuê xe và một số tài xế.
Ngoài tiền phạt, CCCS cũng đưa ra biện pháp đi kèm nhằm tăng khả năng cạnh tranh và hạn chế tác động từ thương vụ đối với hành khách và tài xế. Cụ thể, Grab được yêu cầu phải bỏ đòi hỏi độc quyền với tài xế và các hãng taxi; duy trì thuật toán định giá và hoa hồng cho tài xế như trước khi sáp nhập. Trong khi đó, Uber được yêu cầu xem xét bán đội xe của công ty Lion City Rentals thuộc hãng cho bất kỳ đối tác tiềm năng nào.
"Các cuộc sáp nhập làm giảm đáng kể sự cạnh tranh và CCCS đã hành động để chống lại vụ sáp nhập Grab-Uber vì nó đã loại bỏ đối thủ lớn nhất của Grab, gây thiệt hại cho hành khách và tài xế Singapore. Các công ty có thể tiếp tục đổi mới tại thị trường này, thông qua các cách thức khác ngoài việc sáp nhập để chống cạnh tranh", Giám đốc điều hành CCCS - Toh Han Li nói.
Phản hồi sau khi CCCS đưa ra phán quyết, Grab cho biết hãng vui mừng khi cuộc điều tra kết thúc và cơ quan chức năng không yêu cầu hủy thương vụ. Hãng cam kết tuân thủ các yêu cầu được đưa ra.
"Grab đã hoàn thành thương vụ bằng các quyền hợp pháp của mình và chúng tôi vẫn duy trì nó mà không cố ý hoặc bất cẩn vi phạm luật cạnh tranh. Grab đồng ý giữ cho thị trường cởi mở, cạnh tranh tốt nhất cho người tiêu dùng và tài xế. Chúng tôi sẽ tuân thủ các biện pháp khắc phục do CCCS đặt ra", tuyên bố của hãng viết.
Grab nói rằng hãng chưa tăng giá cước kể từ sau vụ sáp nhập và hứa duy trì chính sách giá cũng như hoa hồng cho tài xế. Hãng sẽ vẫn gửi dữ liệu giá hàng tuần cho CCCS theo dõi. Công ty cũng cho biết tiếp tục đối thoại với CCCS và Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) để tạo ra một sân chơi bình đẳng.
Riêng về thị phần, Grab cho rằng CCCS đã lấy một định nghĩa rất hẹp để kết luận về thị phần cũng như tác động của thương vụ đến tính cạnh tranh của thị trường. Theo hãng này, thị trường vận tải cần tính chung cả xe taxi truyền thống lẫn gọi xe, vì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền chọn lựa giữa các dịch vụ này.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.