Ga Hạ Long hiện đại, được đầu tư lớn nhưng mỗi ngày chỉ đón vài chục khách. |
Vắng lạnh ga chuẩn quốc tế
Ga Hạ Long được nâng cấp trên cơ sở ga cũ, theo dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 130km, bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với tổng vốn khoảng 7.000 tỉ đồng. Được khởi công từ năm 2005, nhưng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều hợp phần của dự án phải dãn tiến độ, trừ tiểu dự án 1 gồm ga Hạ Long - ga cảng Cái Lân và cầu vượt Bàn Cờ, trị giá 1.510 tỉ đồng. Nếu như bến xe khách Bãi Cháy lúc nào cũng tấp nập, ga Hạ Long gần như cả ngày lặng lẽ. Khuôn viên thênh thang, trụ sở khang sang hiện đại 2 tầng với vô số phòng lúc nào cũng cửa đóng, then cài. Mốc meo, bụi bặm phủ khắp nơi, thậm chí ở cả phòng đợi khách - nơi cho thấy mức độ “đông đúc” của nhà ga này như thế nào.
Chúng tôi đi tới đi lui, đi lên đi xuống nhưng cũng chẳng thấy ai đón tiếp, hỏi han. Chị bán vé chỉ còn biết ngồi làm bạn với chiếc điện thoại, thỉnh thoảng ngáp vặt. “Trung bình mỗi ngày chỉ bán được khoảng 40 - 50 vé thôi anh ạ” - chị lắc đầu. Bên ngoài, sân ga hiện đại với các đường tàu đủ năng lực đón cùng một lúc vài đoàn tàu không một bóng người, ngoài người chăn bò. Gió thu hiu hiu mát, mặc đàn bò nhẩn nha gặm cỏ trong sân ga, người chăn bò dựa lưng vào cây cột điện, ngủ ngon lành.
Theo ông Phùng Văn Minh - nhân viên trực điều hành, lượng khách và hàng giảm nhiều so với năm 2014, khi nhà ga mới đi vào hoạt động. Hiện, mỗi ngày chỉ có một chuyến đến và đi, với tổng lượng khách khoảng 50 người, mà thực chất là các chủ hàng. “Hàng hóa chủ yếu là rau, củ quả cung cấp cho TP. Hạ Long. Năm ngoái, có thời điểm, mỗi tuần có một chuyến hàng chở sắt chống lò từ Yên Viên về cho các Cty than, nhưng nay chỉ còn rau, củ, quả” - ông Minh cho biết. Trong khi đó, khách đi tàu hầu như chẳng có ai vì tốc độ và sự thuận tiện thua xa ôtô.
Theo tính toán, mỗi chuyến tàu như hiện nay lỗ khoảng 10 triệu đồng do bộ máy cồng kềnh và gánh đủ các loại chi phí. Thậm chí, theo một số nhân viên, mỗi chuyến tàu hoành tráng như thế nhưng doanh thu không bằng một… xe khách. Một trong những nguồn hàng lớn đầy kỳ vọng đối với ga Hạ Long từ hệ thống cảng Cái Lân, đặc biệt là cảng container quốc tế Cái Lân, giờ đây lại trở thành nỗi thất vọng lớn, bởi các cảng biển cũng đang…. “đói” hàng. Hơn nữa, dù có hàng, các DN cũng không chọn đường sắt bởi đường thủy và đường bộ có ưu thế vượt trội hơn nhiều.
Sảnh đón khách trống vắng |
Thiếu đồng bộ, yếu kết nối
Ga Hạ Long rơi vào tình trạng này một phần do sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống vận chuyển đường bộ và đường thủy; nhưng cũng có sự thiếu đồng bộ của hệ thống đường sắt. Tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long hiện đang sử dụng đường ray khổ 1,435m, trong khi khổ chung của toàn quốc là 1m. Đây là điều vô cùng bất tiện bởi nếu hàng hóa muốn đi tiếp ra các tuyến khác như Lạng Sơn, Lào Cai, đều phải chuyển tàu hoặc tăng bo sang các loại hình vận tải khác. Việc này không chỉ làm mất thời gian, mà có tăng chi phí vận chuyển lên rất cao. Theo ông Bùi Quang Đạo - TGĐ Cty CP cảng Quảng Ninh, đến nay, hầu như chưa có lô hàng nào từ cảng biển Cái Lân được vận chuyển qua hệ thống đường sắt trên. “Nếu sử dụng tuyến đường sắt này, giá thành sẽ đội lên, ai dám chạy, trong khi đi ôtô và sà lan rẻ hơn nhiều” - ông Đạo cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cảng Cái Lân đang mất dần những bạn hàng lớn do hạ tầng giao thông kết nối thua kém cảng Hải Phòng, trong đó phải kể đến tuyến đường sắt Hạ Long - Yên Viên vẫn “một mình một chợ”. Theo ông Trịnh Vũ Khoa - Giám đốc Đại lý hàng hải (Vosa) Quảng Ninh, chỉ khi nào đồng nhất khổ đường ray tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với cả nước, các DN mới tính toán tới việc sử dụng tuyến đường sắt này. Hiện nay, từ ga Cái Lân đến ga Hạ Long dài hơn 5km, ngành đường sắt cho lắp lồng ghép hai khổ đường ray 1,435m và 1m. Tuy nhiên, việc này không có ý nghĩa gì nhiều khi phần lớn đoạn đường còn lại vẫn là khổ 1m. Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dự kiến lắp đặt đồng thời hai khổ đường ray 1,435m và 1m trên toàn tuyến, nhằm nối tuyến với các tuyến đường sắt phía bắc khác. Tuy nhiên, cũng chưa biết đến bao giờ dự án mới hoàn thành đồng bộ do khó khăn về vốn.
Điều đó có nghĩa rằng, ga Hạ Long dù đã đạt tiêu chuẩn quốc tế, với năng lực đáp ứng 6 - 7 đôi tàu khách/ngày đêm hiện nay và từ 10 - 11 đội tàu khách/ngày đêm giai đoạn 2015 - 2020, cũng sẽ chỉ đón 1 cặp tàu/ngày đêm với vẻn vẹn vài chục khách cùng ít hàng hóa.
Trước đó, năm 2009, đoàn tàu hỏa hạng sang Hạ Long Express trị giá triệu đô của nhà đầu tư Hàn Quốc Dongrim, với bao kỳ vọng kết nối du lịch Hà Nội - Quảng Ninh, vừa khai trương hơn 1 tháng đã vội khai tử. Lý do là bởi tàu xuất phát từ ga Yên Viên, xa trung tâm Hà Nội; hành trình dài, vừa chậm vừa bất tiện hơn so với ôtô; từ ga Hạ Long đến các khu du lịch du khách phải dùng phương tiện khác đi thêm đoạn nữa. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.