Tàu liên vận quốc tế: Vắng khách vì giá đắt và "nghẽn" thông quan

Ý kiến phản biện 21/07/2015 05:34

Tàu liên vận đường sắt Việt Nam-Trung Quốc chưa ​thu hút khách do những rào cản về giá vé cao, không bán khứ hồi và điểm “nghẽn” trong thủ tục thông quan.

tauhoa
Lượng khách đi tàu liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc sụt giảm.

Giá vé cao, không bán khứ hồi

Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện tại, hàng ngày giữa hai đường sắt Việt Nam và Trung Quốc chỉ chạy một đôi tàu khách liên vận quốc tế số hiệu MR1/T8702 và T8701/MR1 qua cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn.

Hàng tuần, các ngày thứ Ba và thứ Sáu, tại ga Gia Lâm nối 1 toa xe nằm mềm 36 chỗ vào vị trí toa xe số 9 của đoàn tàu Z6 Nam Ninh-Bắc Kinh Tây xuất phát từ Nam Ninh các ngày thứ Tư và thứ Bảy đến ga Bắc Kinh Tây vào các ngày thứ Năm và Chủ Nhật.

Cũng trong tuần, vào các ngày thứ Năm và Chủ nhật, tại ga Bắc Kinh Tây nối 1 toa xe nằm mềm 36 chỗ vào vị trí toa xe số 9 của đoàn tàu Z5 Bắc Kinh-Tây Nam, đến Nam Ninh chuyển tải hành khách sang toa xe đánh số L1 nối vào vị trí toa xe số 4 của đoàn tàu T8701/MR2 xuất phát tại ga Nam Ninh các ngày thứ Sáu, thứ Hai và đến ga Gia Lâm vào các này thứ Bảy và thứ Ba.

Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, lượng khách đi tàu liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc cũng có sự sụt giảm qua vài năm trở lại đây.

Cụ thể, năm năm 2013, có tổng số 40.830 hành khách đi trên tuyến Hà Nội-Bắc Kinh và tàu quốc tế Gia Lâm-Nam Ninh. Nhưng đến năm 2014, lượng khách sụt giảm xuống còn 30.679 khách. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, chỉ có 17.606 khách sử dụng tàu liên vận làm phương tiện đi lại giữa 2 nước.

Lý giải cho thực tế này, ông Phạm Công Trịnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt Trung Quốc duy trì giá vé đi trên toa xe liên vận quốc tế Gia Lâm-Bắc Kinh với hệ số 3,81 áp dụng từ ngày 1/2/2009 (trong khi hệ số của đường sắt Việt Nam hiện là 1,7), khiến giá vé đi tàu từ Gia Lâm-Bắc Kinh hiện nay lên đến 293franc Thụy Sỹ (khoảng 6,7 triệu đồng) so với thời điểm trước đó chỉ là 143,7 franc Thụy Sỹ (khoảng 3,3 triệu đồng).

“Trong năm 2009, đường sắt Việt Nam đã tiến hành đàm phán với đường sắt Trung Quốc giảm 55% giá vé tàu khách liên vận quốc tế và đã đạt việc giảm giá vé đối với hành khách đi tàu trên khu đoạn Gia Lâm-Nam Ninh. Hiện nay, việc giảm giá vé cho hành khách đi tàu liên vận quốc tế đi quá Nam Ninh vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của phía Trung Quốc,” ông Trịnh cho hay.

Đặc biệt, đường sắt Việt Nam chưa đạt được thỏa thuận với đường sắt Trung Quốc về việc bán vé khứ hồi trực tiếp cho hành khách đi tàu liên vận quốc tế kết hợp với việc giá vé cao, là một trở ngại lớn cho việc phát triển luồng hành khách tàu liên vận quốc tế đi quá Nam Ninh đến Bắc Kinh và ngược lại.

Bên cạnh đó, theo ông Trịnh, thủ tục kiểm tra hành chính (biên phòng và hải quan) đối với hành khách tại các ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Việt Nam) và Bằng Tường (Trung Quốc) còn gây nhiều khó khăn cho hành khách.

Cụ thể, tại ga Đồng Đăng (Việt Nam) và ga Bằng Tường (Trung Quốc ), hành khách khi làm thủ tục xuất nhập cảnh còn phải mang hành lý xuống tàu để kiểm tra. Điều này dẫn đến, tổng thời gian chờ làm các thủ tục hành chính tại hai ga Đồng Đăng và Bằng Tường hiện nay còn bị kéo dài đến 3 giờ cho một chuyến tàu.

Gỡ “vướng” các thủ tục thông quan

Ngoài ra, các thủ tục thông quan giữa hai nước và cơ sở vật chất của các ga đường sắt Việt Nam cũng chính là điểm "nghẽn" khiến hành khách chưa mặn mà lựa chọn tàu liên vận quốc tế làm phương tiện di chuyển.

Theo ông Trịnh, các cơ quan chức năng của Nhà nước chưa cho phép sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh khác ngoài hộ chiếu khi hành khách thông qua đi bằng đường sắt dẫn đến tăng chi phí (làm hộ chiếu, visa) khó thu hút được luồng hành khách sử dụng giấy thông hành du lịch.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các ga liên vận quốc tế Gia Lâm, Bắc Giang và Đồng Đăng chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết của một ga liên vận quốc tế về quy mô cũng như trang bị cho phòng đợi tàu tại các ga liên vận, phòng cách ly làm thủ tục xuất nhập cảnh tại ga biên giới, chưa trang bị đủ các máy kiểm tra an ninh tại cá ga liên vận quốc tế.

Nhằm tăng cường vận tải hành khách liên vận quốc tế, lãnh đạo ngành đường sắt đưa ra giải pháp tiếp tục đàm phán hành trình chạy tàu thuận lợi và xúc tiến bàn bạc với đường sắt Trung Quốc về việc chạy tàu khách liên vận quốc tế Hà Nội-Côn Minh chuyển tải hành khách tại ga Hà Khẩu Bắc đồng thời triển khai bán vé khứ hồi, trước mắt thông qua các đại lý, tiến tới thông qua hệ thống bán vé điện tử..

Tổng công ty Đường sắt cũng đề xuất Bộ Giao thông Vận tải có ý kiến với các cơ quan hữu quan của Viêt Nam và Trung Quốc tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong quá trình xuất nhập cảnh như kiểm tra Nhà nước (biên phòng, hải quan) trên tàu, áp dụng kiểm tra Nhà nước “một cửa, một lần dừng”, cho phép hành khách đi tàu sử dụng giấy thông hành du lịch khi thông quan qua cửa khẩu đường sắt.

Ngoài ra, để thu hút hành khách, ngành đường sắt cần nâng cấp, trang bị cho các ga liên vận quốc tế, đặc biệt là ga Gia Lâm và ga Đồng Đăng nhằm đạt tiêu chuẩn ga quốc tế, tiến tới kiến nghị với các cơ quan bộ, ngành cho phép áp dụng làm thủ tục xuất cảnh tại ga xuất phát.

Ý kiến của bạn

Bình luận