Hàng đoàn xe có tải trọng từ 40 - 60 tấn "diễn hành" qua hàng loạt tuyến đường hạn chế tải trọng dưới 10 tấn tại thị trấn Kiện Khê, tiến thẳng về thành phố Phủ Lý. |
"Thủ phủ" xe quá tải
Tỉnh lộ 494 có chiều dài khoảng 4 km, kéo dài từ Quốc lộ 1A xuống cầu Kiện Khê. Đây được xem là cung đường “tử thần”, bởi mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải trọng lớn nối đuôi nhau mặc sức tàn phá hạ tầng giao thông, khiến nhiều con đường, nhiều cây cầu rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.
Trong nhiều ngày liên tiếp có mặt tại "thủ phủ" Thanh Liêm - nơi được ví là điểm "nóng" về xe quá tải bậc nhất Hà Nam, PV tận mặt chứng kiến cảnh tuyến đường 494, cầu Kiện Khê, đường liên xã Châu Sơn... oằn mình chịu sự tra tấn bởi những đoàn "xe vua" chở vật liệu xây dựng từ các mỏ đá tại huyện Thanh Liêm đi tiêu thụ.
Theo đó, cầu Kiện Khê chỉ cho xe có tải trọng từ 40 tấn trở xuống đi qua. Nhưng, những xe có tải trọng khoảng 60 tấn chở đất, đá rầm rập chạy qua.
Được biết, hiện thị trấn Kiện Khê có 3 nhà máy xi măng là Bút Sơn, Hòa Phát, Kiện Khê và 25 mỏ khai thác đá chính thức, hàng chục mỏ khai thác tự phát. Điển hình là một số mỏ lớn của Công ty TNHH Xuân Tường, Công ty TNHH Trường Sơn…
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Mạnh Nghĩa, Phó chủ tịch UBND thị trấn Kiện Khê cho biết: “Tình trạng này đã xảy ra từ lâu, người dân đã có nhiều đơn kiến nghị gửi UBND thị trấn, chúng tôi cũng kiến nghị lên huyện, lên Sở GTVT, các cơ quan cấp tỉnh nhưng đến nay vẫn không có biện pháp xử lý triệt để”.
Theo quan sát của chúng tôi, lưu lượng xe tải trọng lớn trên tuyến đường này lúc nào cũng dày đặc, khiến thị trấn Kiện Khê luôn ngập chìm trong khói bụi.
Xe tải gắn lô gô Thanh Tùng loại 30 - 40 tấn hoạt động trên tuyến đường có tải trọng cho phép 10 tấn. |
Đa số các xe tải này đều là xe của công ty vận tải trên địa bàn đứng ra nhận chở đá cho hơn 30 mỏ đá lớn nhỏ trên địa bàn huyện Thanh Liêm.
Mặt khác, tuyến đường huyết mạch nối thị trấn Kiện Khê - xã Chân Sơn đi TP. Phủ Lý dù đặt biển hạn chế xe có tải trọng trên 10 tấn đi qua, song các xe "hổ vồ", "đông Feng" gắn logo Thanh Tùng, Hữu Trí, GL, Xuân Trường...loại "khủng" vẫn vô tư tung hoành, trước sự vắng bóng kiểm tra, xử lý từ các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam.
Tiếp theo là xe gắn lô gô H.M. vi phạm |
Trong khoảng 30 phút có mặt tại tuyến đường "nóng" về quá tải này, PV đã ghi nhận hàng loạt xe quá tải, cơi nới thêm thùng được dán logo xe vua, mặc sức tung hoành. Cụ thể như: Các xe mang BKS: 90C-043xx, 90C-047xx, 90C-049xx được gắn lô gô của Công ty H.T. xe mang BKS: 90C-053xx, 90C-047xx được gắn lô gô Thanh Tùng; xe mang BKS: 90C-047xx, 90C – 057xx được dán lô gô Thành Thắng… và hàng loạt xe tải của các DN khác trên địa bàn mặc sức cày xới mặt đường.
Tại thời điểm PV ghi nhận thực tế trên tuyến đường 494 giao với QL1, mặc cho hàng đoàn xe có dấu hiệu quá tải bứt tốc, cày ải mặt đường, một tổ CSGT làm nhiệm vụ tại đây gần như ngoảnh mặt làm ngơ, không có động thái kiểm tra nào, trong khi điểm nhận dạng xe quá tải lại không quá khó.
Tuyến đường này, tải trọng cho phép chỉ 8 tấn, song xe tải loại "khủng" vẫn ngênh ngang hoạt động trước sự "bất lực" của các lực lượng chức năng tỉnh Hà Nam. |
Cứ như vậy, những chiếc tải loại lớn nối đuôi nhau "cõng" hàng chục tấn đất, đá từ các mỏ Kiện Khê xuôi về hướng Tp. Phủ Lý đi tiêu thụ.
Có biển cấm cũng như không
Tình trạng xe quá tải "bức tử" cầu Châu Sơn cây cầu bắc qua sông Đáy, nối trung tâm TP.Phủ Lý (Hà Nam) sang Khu công nghiệp Châu Sơn, mỏ đá Kiện Khê... mới là đau lòng và nhức nhối nhất.
Theo đó, cây cầu này được đặt tên theo Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 13/1/2009 của UBND tỉnh Hà Nam. Theo công năng thiết kế và để đảm bảo chất lượng cho công trình, cây cầu này đã cấm xe có trọng tải trên 3,5 tấn đi qua.
Cầu Châu Sơn chỉ có trọng tải dưới 3,5 tấn nhưng hàng ngày hàng trăm lượt xe "hổ vồ" vẫn vô tư lao qua. |
Thật sốc" khi quy định đã có nhưng “lệnh cấm” đang bị một số doanh nghiệp vận tải “phớt lờ”, "làm ngơ" khi vẫn cho hàng trăm lượt xe có trọng tải lớn lũ lượt chạy qua.
Theo công năng thiết kế và để đảm bảo chất lượng cho công trình, cây cầu này đã cấm xe có trọng tải trên 3,5 tấn đi qua.
Mặc dù ngay từ 02 phía đầu cầu có gắn biển "cấm xe tải trên 3,5 tấn" treo ngay ngắn nhưng hàng nghìn lượt xe có tải trọng 40 - 60 tấn vẫn rầm rập chạy qua, trước sự "bất lực" của lực lượng CSGT và Thanh tra Sở GTVT Hà Nam!
Những chiếc xe hổ vồ này vô tư vượt qua cầu cấm, trước sự "thờ ơ" của lực lượng mang sắc phục CSGT ngay chân cầu Châu Sơn - QL1. |
Bức xúc trước tình trạng này, anh Nguyễn Văn Sơn ( 26 tuổi, Tp. Phủ Lý) cho rằng: "Cây cầu này chỉ cho phép xe dưới 3,5 tấn chạy qua vậy mà bây giờ có hàng đoàn xe với trọng tải hàng chục tấn đi qua. Vậy, ai dám chắc rằng cây cầu này sẽ an toàn tuyệt đối?"
Còn anh T.V.T (32 tuổi, Thanh Liêm, Hà Nam) đặt dấu hỏi: " có hay không việc sử dụng lô gô vua để chở quá tải ở Hà Nam?"
Theo quan sát của PV, các xe đi tải "to gan" thản nhiên đi qua cầu Châu Sơn giữa chốn "thanh thiên bạch nhật" có gắn lo go của Thanh Tùng, Xuân Trường, GL... làm "bùa" hộ mệnh. Và tuyệt nhiên những chiếc xe này không hề gặp bất cứ sự "ngăn chặn" nào từ cơ quan chức năng, mặc dù ở đầu cầu Châu Sơn có sự túc trực làm nhiệm vụ từ lực lượng CSGT tỉnh Hà Nam.
Tại chốt chặn Nam Phủ Lý - tỉnh lộ 494, nhiệm vụ kiểm soát xe quá tải gần như bị lực lượng "ngó lơ". |
Cũng theo ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ trong vài giờ đã có hàng trăm lượt xe tải, xe đầu kéo, xe container chở hàng chạy chốt chặn CSGT làm nhiệm vụ trên đường 494.
Dựa vào "tấm bùa" uy lực nào khiến xe quá tải mặc sức tung hoành tại tuyến tỉnh lộ 494, đường xã Châu Sơn và TP. Phủ Lý đến vậy? Liệu UBND tỉnh Hà Nam có làm ngơ, tiếp tay cho "xe vua" tồn tại, tàn phá hạ tầng giao thông? Và câu chuyện xử lý xe quá tải ở Hà Nam liệu có "vùng cấm" như lời đồn thổi từ dư luận xã hội?
Tạp chí GTVT sẽ thông tin ở bài sau./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.