Hà Nội báo cáo Thủ tướng việc xây ga ngầm C9 gần Hồ Gươm

Thị trường 28/10/2018 06:11

UBND thành phố Hà Nội khẳng định vị trí ga C9 đúng quy hoạch và không xâm phạm di sản hồ Gươm.

 

ga-ngam-c9-2182-1522802950-138-2986-8833-154061161
Phối cảnh cửa lên xuống số 1, ga ngầm C9. Ảnh: MRB.

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản gửi Thủ tướng về vị trí quy hoạch nhà ga ngầm C9 (thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo).

Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Thủ tướng xem xét lại các ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; chấp thuận và chỉ đạo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét có văn bản đồng ý với quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm liên quan tại khu vực hồ Hoàn Kiếm để dự án được triển khai theo cam kết giữa Việt Nam và Nhật Bản. 

Theo UBND thành phố, tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm đã tuân thủ Luật Di sản văn hóa. Các nguy cơ tác động tiêu cực tiềm ẩn đã được đơn vị tư vấn nghiên cứu đánh giá, tính toán kỹ lưỡng, đề xuất biện pháp thi công tiên tiến, phù hợp để giảm thiểu tối đa, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực. 

Thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II, nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút một mét, nhưng là đi ngầm. Đỉnh hầm cách mặt đất 12,3 m, đáy hầm cách mặt đất 18,8 m, không xâm phạm vùng bảo vệ I, tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô.

UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ và vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ (Hồ Gươm) phía trước Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội là "hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch được duyệt và đã được hình thành, phát triển nghiên cứu trong giai đoạn dài từ 2004 đến nay, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyên suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch".

"Quá trình nghiên cứu dự án đã kéo dài từ 2004 đến nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án và có nguy cơ tiếp tục làm tăng tổng mức đầu tư dự án. Trường hợp tiến độ tiếp tục bị đẩy lùi, chi phí dự án sẽ tăng lên do các yếu tố trượt giá, nhân công, vật liệu thay đổi", văn bản của UBND nêu. 

UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và tiếp tục tuyên truyền, giải thích nhằm tăng sự đồng thuận của người dân và các cơ quan chức năng.

“Quá trình lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 đã được UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô, bảo đảm hài hòa giữa phát triển đô thị, kinh tế, xã hội và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa", lãnh đạo Hà Nội khẳng định.

Sau hơn 10 năm, thủ tục đầu tư dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 vẫn chưa hoàn tất. Một trong nhiều nguyên nhân chậm tiến độ là có nhiều ý kiến trái chiều về quy hoạch tổng mặt bằng ga C9 đi sát Hồ Gươm. 

Ngày 16/8/2018, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng có công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng nêu một số ý kiến lo ngại về những tác động của tuyến đường sắt đô thị số 2, đặc biệt quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 đối với khu vực trung tâm Thủ đô, di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Ủy ban này cho rằng, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm Thủ đô".

Ga ngầm này được quy hoạch nằm bến dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần vỉa hè Điện lực Hà Nội. Dự kiến, nhà ga này sẽ nằm dưới lòng đất sâu 2 5m, đỉnh ga đến mặt đất 5 m, dài 150 m, rộng 21 m. Nhà ga có 4 cửa lên xuống, trong đó một cửa ga trên vỉa hè cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ thay thế cửa hàng và nhà vệ sinh công cộng hiện tại.

Dự án đang được điều chỉnh và quy hoạch tổng mặt bằng ga C9. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, năm 2019 Hà Nội sẽ thực hiện công tác đấu thầu thiết kế chi tiết và thi công. Dự án dự kiến khởi công vào đầu năm 2020 và hoàn thành vào năm 2024.

Ý kiến của bạn

Bình luận