Màn khói bụi tạo thành lớp sương mù che phủ Hà Nội. |
"Khí quyển ngày Tận thế" (Airpocalypse - chơi chữ từ apocalypse, nghĩa là Tận thế), báo Channel News Asia giật tít như thế khi viết về tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội.
"Nếu bạn đến Hà Nội vào ban ngày, tất cả mọi người đều đeo khẩu trang và hạn chế tối đa sự tiếp xúc của khuôn mặt và cơ thể với môi trường” – PGS Phạm Thúy Loan, Phó GĐ Viện Kiến trúc Việt Nam cho biết.
Năm 2012, một công ty phân tích ô nhiễm của Pháp là ARIA Technologies đã xếp hạng Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất ở Đông Nam Á, và là một trong những thành phố có chất lượng không khí tệ nhất châu Á.
Trích dẫn số liệu thống kê từ các cơ quan y tế, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, cho biết ô nhiễm không khí đã giết chết khoảng 44.000 người dân Việt Nam mỗi năm.
Tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội còn trầm trọng hơn so với TP.HCM – thành phố lớn nhất Việt Nam.
Theo các nghiên cứu, 70% tác nhân gây ô nhiễm không khí Hà Nội là từ khí thải xe cộ. Hiện nay, có tới 5,3 triệu xe máy và 560.000 xe hơi tại Hà Nội và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới. Tắc đường, kẹt xe cũng khiến cho lượng khí thải trong không khí gia tăng.
Nói về các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí, PGS Loan cho biết giải pháp “làm đường tốt hơn” và “ưu tiên cho xe hơi” là không hợp lý. Thay vào đó, các nhà chức trách nên tập trung cho việc phá triển giao thông công cộng. “Đầu tiên là xe bus, xe bus nhanh. Rồi sau đó là xe điện, tàu điện ngầm”.
Hiện nay, xe bus đang là phương tiện công cộng duy nhất ở Hà Nội và chỉ phục vụ cho khoảng 3-10% dân số. Chất lượng dịch vụ xe bus ngày càng tệ và không đem lại thuận lợi cho người dân là nguyên nhân chính khiến nhiều người quay lưng với phương tiện này.
Các chuyên gia môi trường cảnh báo rằng các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm không khí nếu không muốn trở thành “Bắc Kinh thứ 2” – nơi không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.