Ngày 25/10, Cục Đường sắt VN kiểm tra, xác định công trình đường bê tông của UBND xã Võng La (đường vào Nhà văn hóa thôn Võng La) đoạn qua gầm cầu Thăng Long xây dựng đè lên trụ, sát vào thân cột trụ T3 (ảnh trên). Đến ngày 5/11, vị trí trên "mọc" thêm bức tường sát vào trụ cầu
Sau kiểm tra, vi phạm... nhiều hơn
Ngày 28/10, Tạp chí GTVT có bài "Hàng loạt công trình xâm phạm nghiêm trọng hành lang và uy hiếp an toàn cầu Thăng Long", phản ánh về việc gầm cầu Thăng Long (Hà Nội; cầu đường bộ, đường sắt vượt sông Hồng, thuộc tuyến đường bộ Bắc Thăng Long – Nội Bài, tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển) phía huyện Đông Anh xuất hiện công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ trụ cầu, uy hiếp an toàn cầu Thăng Long.
Cụ thể, trên địa bàn xã Võng La, khu vực từ trụ cầu T2 đến T5 có 9 cột điện bê tông được lắp đặt mới trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu. Tại khoang gầm trụ cầu T3 có một đường bê tông nhựa rộng 6 m vừa xây xong nhưng áp sát và đè lên móng trụ cầu; còn hai bên thành cầu là hai cột điện mới dựng và đường dây điện kéo ngang qua gầm cầu. Còn trên địa bàn xã Hải Bối, từ trụ B20 đến trụ B32, có các công trình xây kiên cố, khoan giếng, trồng cây, đổ bê tông, công trình chợ tạm… trong phạm vi bảo vệ cầu Thăng Long.
Để giải quyết vi phạm trên, ngày 25/10, Đoàn kiểm tra của Cục Đường sắt VN đã tổ chức kiểm tra, xác định các vi phạm tại địa bàn xã Võng La (có sự tham gia của lãnh đạo UBND xã Võng La) và đề nghị UBND xã Võng La cung cấp hồ sơ pháp lý liên quan đến việc xây dựng công trình thuộc phạm vi gầm cầu (đường bê tông nhựa, đường điện) trước ngày 1/11/2024. Cùng đó, đề nghị chính quyền xã chủ trì, phối hợp với Công ty CP Đường sắt Hà Thái (đơn vị quản lý cầu Thăng Long) kiểm tra, giải tỏa công trình vi phạm trên. Đối với các công trình vi phạm gầm cầu, hành lang bảo vệ cầu Thăng Long từ trụ B20 đến trụ B32 (địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh), Công ty CP Đường sắt Hà Thái đã báo cáo UBND huyện Đông Anh, các cơ quan chức để chỉ đạo xử lý vi phạm theo quy định.
Ngày 5/11, phóng viên Tạp chí GTVT trở lại xã Võng La và nhận thấy chỉ có dãy 9 cột điện (phạm vi trụ cầu T3 – T9) đã được tháo dỡ. Đại diện của Công ty CP Đầu tư và xây lắp Trường Sơn (Tp. Phủ Lý, Hà Nam; đơn vị thi công) cho biết, công trình trên nhằm thay thế các cột điện cũ hiện có, nhưng chưa đảm bảo thủ tục xây lắp nên đã khắc phục bằng cách hạ, thu hồi các cột điện để chờ chủ đầu tư làm các thủ tục.
Công trình đường vào thôn Võng La do UBND xã Võng La, huyện Đông Anh làm chủ đầu tư, nhưng chưa rõ đơn vị thiết kế, thi công
Trong khi đó, công trình đường bê tông nhựa chạy qua gầm cầu Thăng Long tại trụ T3 (đường vào Nhà văn hóa thôn Võng La) vi phạm về xây dựng đường sát trụ cầu và đường dây điện qua gầm cầu, hai cột điện sát hành lang bảo vệ cầu... chưa được khắc phục. Đáng chú ý là so với thời điểm Cục Đường sắt VN kiểm tra (ngày 25/10/2024), tại đoạn bó vỉa đường cao 60 cm xây đè, sát với trụ cầu T3 đã "mọc" thêm một bức tường gạch xây, cao hơn 1 m vây lấy trụ cầu.
Để tìm hiểu về vấn đề trên, phóng viên Tạp chí GTVT đến trụ sở UBND xã Võng La, cũng như gọi điện, nhắn tin liên hệ đặt lịch làm việc với Chủ tịch UBND xã Võng La Phùng Văn Nghĩa và một Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực trên, nhưng không được hồi đáp.
Theo đại diện Công ty CP Đầu tư và xây lắp Trường Sơn, dự án làm đường trên do UBND xã Võng La làm chủ đầu tư, nhưng không rõ đơn vị nào thi công, thiết kế. Còn ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Thái thông tin, đến thời điểm này, UBND xã Võng La chưa gửi văn bản cung cấp thông tin về hồ sơ pháp lý của công trình trên.
Ngày 25/10, tại khu vực trụ B20 - B21 cầu Thăng Long thuộc địa phận xã Hải Bối, đơn vị thi công Chợ mới Cổ Điển đã đổ bê tông san nền gầm cầu, phạm vi bảo vệ hành lang cầu (ảnh trên). Đến ngày 5/11, tiếp tục diễn ra hoạt động đổ nền bê tông thuộc phạm vi gầm cầu, hành lang bảo vệ cầu (2 ảnh dưới)
Còn tại địa bàn xã Hải Bối, các công trình vi phạm gầm cầu, hành lang bảo vệ cầu từ trụ B20 đến trụ B32 vẫn chưa được khắc phục. Tại đoạn gầm cầu từ trụ B20 – B21, đơn vị thi công Chợ mới Cổ Điển đã đổ bê tông làm đường đi rộng 8 m, dài 80 m sát chân trụ cầu; giữa trụ cầu B20 và B21 đổ sân bê tông trong gầm cầu có diện tích là khoảng 100 m2. Từ trụ B24 đến trụ B32 đổ bê tông hè đường rộng 1,7 m và xây tường bao kết hợp đặt dải phân cách cứng cao 0,6m, điểm gần nhất cách kết cấu ngoài cùng của cầu Thăng Long là 2,9 m; đã san, đổ đất trồng cây cảnh trong phạm vi bảo vệ cầu Thăng Long.
Thế nhưng, ngày 5/11, tại khu vực Chợ mới Cổ Điển (đoạn từ trụ B20 – B23), đơn vị thi công tiếp tục đổ nền bê tông, đường bê tông vào hành lang bảo vệ trụ, gầm cầu Thăng Long. Theo một công nhân xây dựng, việc san nền đổ bê tông tại gầm cầu Thăng Long để làm nơi trông giữ xe.
Một số vị trí gầm cầu Thăng Long đoạn từ mố M0 đến trụ T5 bị "phân lô" chiếm dụng làm nơi tập kết xe tải nặng, nhà xưởng, bãi chứa vật liệu dễ cháy nổ (chụp ngày 5/11/2024)
Nhiều đoạn gầm cầu khác bị phân lô, "xẻ thịt"
Ngoài các vị trí, công trình vi phạm hành lang bảo vệ cầu Thăng Long trên, ghi nhận của phóng viên Tạp chí GTVT cho thấy, nhiều đoạn gầm khác của cầu Thăng Long đang bị chiếm dụng, đổ nền bê tông và xây lắp công trình để làm bãi đỗ xe tải nặng, xe ô tô và xưởng tập kết hàng hóa, vật liệu. Các công trình này gây nguy cơ xảy ra cháy nổ, mất an toàn giao thông đường sắt, hư hỏng kết cấu hạ tầng cầu Thăng Long, mất an toàn giao thông đường sắt.
Cụ thể, khu vực từ mố MO đến trụ T5 dầm thép cầu Thăng Long (địa phận xã Hải Bối, huyện Đông Anh) bị phân lô, biến thành: sân bãi tập kết ô tô; tập kết sắt thép, phế liệu, máy móc cơ khí; kho bãi chứa nhiều can và phi nhựa (có dấu hiệu đựng hóa chất); bãi đổ vật liệu, phế thải hỗn hợp.
Tương tự, hầu hết các đoạn gầm cầu đoạn từ trụ B33 – B53 (song song với đường Anh Dũng, Khu bê tông xã Hải Bối) bị chiếm dụng, quây rào tôn, biến thành các công trình nhà xưởng, nơi tập kết máy móc, phương tiện thi công, vật liệu, nhà hàng...
Nhiều ô gầm cầu đường sắt Thăng Long, đoạn từ trụ B33 - B53, thuộc địa bàn xã Hải Bối, huyện Đông Anh bị chiếm dụng, biến thành nhà xưởng, địa điểm kinh doanh trái phép
Khảo sát thêm gầm cầu đường sắt Thăng Long phía quận Bắc Từ Liêm, phóng viên Tạp chí GTVT ghi nhận tại khu vực ngách 87 ngõ 1, đường Tân Xuân (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) có một số vị trí gầm cầu có công trình nhà ở, nơi tập kết xây dựng ngay dưới gầm cầu, trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu.
Theo Cục Đường sắt VN, các trường hợp trên vi phạm quy định tại khoản 2, 3 Điều 9 Luật Đường sắt số 06/2017/QH14; Điều 10 (phạm vi bảo vệ cầu đường sắt), Điều 27 (hoạt động, sử dụng đất trong phạm vi đất dành cho đường sắt) Nghị định số 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt... trực tiếp gây ảnh hưởng, là nguy cơ gây mất an toàn công trình cầu Thăng Long.
Một thiết bị kiểm tra gầm cầu đường sắt Thăng Long (địa phận xã Võng La) bị hoen gỉ, bị treo dây điện, đèn chiếu sáng (ảnh trên) và một số ô gầm cầu phía phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm bị chiếm, sử dụng trái phép
Nói thêm, trước đợt kiểm tra của Cục Đường sắt VN vừa qua, Cục Đường sắt VN gửi giấy mời UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) nhưng không có đại diện của UBND huyện Đông Anh tham gia.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.