Nhiều trường ngoài công lập đã thực hiện phát hành hồ sơ, xét tuyển, khảo sát năng lực, đánh giá năng lực... khi Bộ GDĐT, Sở GDĐT chưa hề có "lệnh". Ảnh minh hoạ: Trần Vương |
Vấn đề tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội năm nào cũng khiến học sinh (HS), phụ huynh và xã hội lo lắng. Trong khi chiều tối ngày 15.3, Bộ GDĐT mới công bố Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, Sở GDĐT Hà Nội chưa "chốt" phương án tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhưng thực tế nhiều trường đã tuyển sinh gần xong.
Ngang nhiên khảo sát năng lực mặc lệnh cấm
Ngay từ tháng 12.2017, nhiều trường ngoài công lập đã thông báo tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 theo phương thức khảo sát năng lực đầu vào. Trong khi, Bộ GDĐT chỉ cho phép áp dụng phương thức khảo sát năng lực đầu vào đối với tuyển sinh lớp 6 và ở các trường “đặc thù”.
Năm học 2018-2019, Trường Quốc tế Gateway (Dịch Vọng, Cầu Giấy) thông báo tuyển sinh từ ngày 7.1 đến 31.7. HS vào lớp 1 sẽ phải tham gia đánh giá đầu vào theo lịch của Gateway thông báo với 3 nội dung là ngôn ngữ tiếng Việt, ngôn ngữ tiếng Anh và tư duy logic. Nhà trường tổ chức phỏng vấn vào thứ 7 đầu tiên của hàng tháng cho đến khi đủ chỉ tiêu. Thời gian thông báo kết quả sau 10 ngày dự tuyển phỏng vấn.
Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Trung Văn, Cầu Giấy) bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1.2. Trường nhận những HS lớp 1 khi được đánh giá kết quả Đạt ở phần khảo sát năng lực và phỏng vấn, với thời gian tối đa 120 phút. Lịch xét tuyển được tổ chức vào chiều thứ ba, thứ năm hàng tuần hoặc thứ bảy tuần thứ nhất hoặc tuần thứ ba của tháng. Nhà trường yêu cầu phụ huynh đăng ký xét tuyển trước ít nhất 3 ngày làm việc.
Trường Tiểu học Ngôi sao Hà Nội (Nhân Chính, Thanh Xuân) cũng đã sớm phát hành hồ sơ. Muốn vào học, HS phải trải qua kiểm tra về kĩ năng tư duy, giao tiếp, vận động, tiếng Anh. Thậm chí, theo kế hoạch, chiều ngày 22.4, trường sẽ kiểm tra một đợt duy nhất. Hiện nhà trường đã phát hành được trên 1.000 bộ hồ sơ mà chỉ lấy 280 học sinh.
Học sinh phải trải qua các kì kiểm tra, đánh giá, xét tuyển, khảo sát... về năng lực. Ảnh minh hoạ: Trần Vương |
Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) thông báo phát hành và nhận hồ sơ dự tuyển từ ngày 12.03 cho đến khi đủ chỉ tiêu. HS sẽ tham gia một cuộc phỏng vấn ngắn với giáo viên sau khi phụ huynh đăng ký. Kết quả tuyển sinh sẽ được thông báo tới phụ huynh học sinh ngay sau cuộc phỏng vấn.
Trường Tiểu học và THCS Thăng Long Xa La (Phú La, Hà Đông) phát hành hồ sơ tuyển sinh và bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 2.1. HS lớp 1 xét đầu vào bằng hình thức phỏng vấn khảo sát dựa theo các chỉ số phát triển của trẻ 5 tuổi.
Trường Phổ thông quốc tế Newton (Cổ Nhuế, Từ Liêm) sẽ thực hiện tuyển sinh bằng hình thức đánh giá năng lực tiếng Anh bởi giáo viên nước ngoài và thực hiện bài kiểm tra viết về tiếng Anh, Toán để xếp lớp phù hợp (theo các hệ đào tạo). Nếu đạt yêu cầu, HS có thể “đặt chỗ”, đồng thời, nhà trường sẽ dừng tuyển sinh khi đã nhận đủ chỉ tiêu.
Trước đó, trao đổi với PV báo Lao Động về phương án xét tuyển đầu cấp năm học 2018-2019, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội khẳng định: “Cấp tiểu học không được phép tổ chức thi cử, khảo sát”.
Nhiều trường đã tuyển đủ chỉ tiêu
Không chỉ thực hiện phỏng vấn, khảo sát năng lực học sinh, thực hiện công tác tuyển sinh trước quy định của Sở, nhiều trường còn tuyên bố đã đủ chỉ tiêu và không nhận thêm hồ sơ.
Ngày 15.3, Trường Phổ thông liên cấp Olympia cho biết đã không còn nhận hồ sơ xét tuyển vào lớp 1 do đã tuyển xong rồi. Nhiều phụ huynh dù đã cố vật nài để xin thêm cho con 1 suất nhưng nhận được sự trả lời thẳng thừng: “Thường thì năm nào, nhà trường đến tháng 3 cũng đã tuyển sinh xong hết lớp 1 rồi”.
Về tuyển sinh vào lớp 6, dù Sở GDĐT chưa công bố quy chế tuyển sinh và danh sách các trường đặc thù được phép khảo sát năng lực nhưng Trường Phổ thông liên cấp Olympia đã tự cho phép được quyền tổ chức xét tuyển 3 môn Toán – Văn – Anh với lệ phí xét tuyển là 3.150.000 đồng. Nhà trường này cũng đã lên lịch tổ chức làm bài xét tuyển đợt đầu tiên vào chủ nhật, ngày 18.3.
Các trường “lập lờ” trong ngôn từ để lách luật tổ chức đánh giá năng lực với học sinh tiểu học. Ảnh: Huyên Nguyễn |
Theo cán bộ tuyển sinh Trường Quốc tế Gateway (Dịch Vọng, Cầu Giấy), nhà trường sẽ nhận hồ sơ đến khi đủ chỉ tiêu nên nếu không nộp sớm mà hết chỉ tiêu thì HS sẽ không còn cơ hội. Gateway đã tổ chức phỏng vấn 1 đợt đầu tiên và kết quả đã được thông báo cho HS. Được biết, lịch phỏng vấn đợt 2 được thông báo tới các phụ huynh là ngày 7.4.
Phí dự tuyển là 600.000 đồng; phí nhập học: 8.000.000 đồng. Theo nhà trường, khoản phí 8.000.000 đồng là dành cho công tác quản lý học sinh và để “làm thủ tục” với phòng và với Sở GDĐT trong suốt quá trình con học (?). Các khoản tiền phải nộp ngay khi nộp hồ sơ dự tuyển. Nếu HS đỗ mà không học thì sẽ không được hoàn trả lại phí nhập học.
Một lãnh đạo trường ngoài công lập cho biết: “Hiện chỉ còn một số rất ít trường ngoài công lập chưa phát hành hồ sơ hay tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Còn lại, hầu hết các trường đã tuyển sinh gần xong.
Việc các trường lập lờ giữa nhận đặt chỗ thực tế ra là đã nhận HS vào học. Hay cách dùng từ cũng khác nhau như: Xét tuyển, phỏng vấn, khảo sát, đánh giá... nhưng thực chất đang tổ chức theo kiểu thi tuyển hay đánh giá năng lực mà Bộ GDĐT vẫn cấm. Đây chỉ là biện pháp đối phó với báo chí và các cơ quan chức năng. Việc báo chí nêu tên cũng chỉ là số ít trong số vô vàn các trường đang vi phạm”.
Thực tế cho thấy, công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp tại Hà Nội năm nào cũng xảy ra tình trạng lộn xộn trong khối ngoài công lập. Ðiều đó không chỉ gây xáo trộn, ảnh hưởng đến việc dạy và học đối với HS, mà còn tạo tâm lý nhấp nhổm, lo lắng cho các bậc phụ huynh và xã hội.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.