Hà Nội: Hưởng ứng “Năm ATGT 2018” bằng nhiều giải pháp

Tác giả: Hữu Minh

saosaosaosaosao
17/02/2018 07:35

Năm 2017, trên địa bàn TP. Hà Nội đã xảy ra 1.445 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm 583 người chết, 1.126 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 104 vụ (-6,7%), giảm 11 người chết (-1,9%), giảm 180 người bị thương (-13,8%).

 

ATGT2

Năm 2018, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT qua các phương tiện thông tin truyền thông, tài liệu giáo dục ATGT cho các cấp học

 TNGT Hà Nội giảm cả 3 tiêu chí

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, năm 2017 tình hình TTATGT trên địa bàn TP. Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT đường bộ, đường sắt tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ. 

Theo báo cáo, trong dịp Tết Dương lịch 2018, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 2 vụ TNGT, làm 02 người chết, giảm 3 vụ, giảm 3 người chết.

Năm vừa qua, Hà Nội đã giải quyết 17 điểm ùn tắc, xử lý được 46 điểm đen về TNGT; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh những mặt đã làm được, tình hình TTATGT trên địa bàn Hà Nội còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp như: Tại một số huyện ngoại thành, số người chết do TNGT còn cao; còn xảy ra nguy cơ UTGT tại một số tuyến đường, nút giao vào giờ cao điểm, đặc biệt tại các tuyến cửa ngõ ra vào nội đô dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô và người dân từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tăng đột biến; ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một bộ phận người dân và doanh nghiệp vận tải còn hạn chế.

Để thực hiện Năm ATGT 2018 với chủ đề “ATGT cho trẻ em”, theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT qua các cơ quan truyền thông, triển khai giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục ATGT cho học sinh phổ thông Hà Nội”.

Cùng với đó, Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020” theo Nghị quyết của HĐND Thành phố; tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm xử lý, khắc phục tình trạng UTGT trên địa bàn Thành phố; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông; triển khai dịch vụ đỗ xe thông minh (IPARKING) trên địa bàn 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa. Việc tổ chức giao thông cần khoa học, hợp lý, phù hợp với lưu lượng thực tế nhằm tránh ùn tắc sẽ được thực hiện, bên cạnh đó cần tập trung xử lý các điểm UTGT theo kế hoạch.

Tập trung vào các giải pháp trọng tâm

UTGT
UTGT vẫn là vấn đề mà Thủ đô cần những giải pháp đồng bộ, hiệu quả

 

Ngoài ra, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm về TTATGT, đẩy mạnh xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát giao thông. Trước mắt, triển khai thực hiện Công điện số 1882/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo TTATGT trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và lễ hội xuân 2018.

Đặc biệt, trong công tác quản lý vận tải dịp Tết, cần chú ý nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện, đổi mới phương thức bán vé, ngăn chặn đầu cơ vé và tăng giá vé, bố trí phân luồng, tuyến hoạt động ra - vào các bến xe hợp lý, khoa học; xử lý nghiêm tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, chở quá số người quy định, vòng vo đón trả khách, dừng, đỗ sai quy định; hạn chế hiện tượng ùn ứ hành khách tại các bến xe, tăng cường công tác bảo đảm ATGT đường sắt, đường thủy nội địa, nhất là các bến khách ngang sông; đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện, xử lý xe quá khổ, quá tải trọng cho phép, đảm bảo độ bền của công trình giao thông.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030”. 

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng cũng kiến nghị sớm hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó coi loại hình vận tải xe hợp đồng dưới 9 chỗ áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành vận tải (Uber, Grab…) là một dạng taxi; đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm công tác thí điểm thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, trong đó các nhà cung cấp phần mềm (Uber, Grab...) cần chia sẻ dữ liệu và báo cáo kế hoạch phát triển với cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để phục vụ công tác tổ chức giao thông và quản lý hoạt động vận tải

Ý kiến của bạn

Bình luận