Nồng độ khói bụi vượt quá giới hạn cho phép tại nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội |
Mới đây, tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đã công bố Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đưa ra số liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm không khí (PM2.5).
Tại khu vực Nam Á, có 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó có đến 18 thành phố ở Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh.
Tại Đông Nam Á, Jakarta (thuộc Indonesia) và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Theo đó, Jakarta có nguy cơ sớm vượt qua Bắc Kinh. Thủ đô vốn nổi tiếng về ô nhiễm của Trung Quốc đang ngày càng có chất lượng không khí tốt hơn.
Tại Trung Quốc, nồng độ bụi trung bình tại các thành phố đã giảm 12% từ năm 2017 đến 2018. Bắc Kinh hiện là thành phố xếp hạng ô nhiễm thứ 122 trên thế giới năm 2018. Ba trong số năm nơi ô nhiễm nhất nằm ở Thái Lan.
Trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là một trong những quốc gia bị ô nhiễm không khí nhiều nhất. Nước này có 44 thành phố trong top 100 thành phố ô nhiễm nhất ở các nước OECD năm 2018.
Báo cáo nêu rõ, biến đổi khí hậu đang khiến tác động của ô nhiễm không khí trở nên tồi tệ hơn thông qua thay đổi điều kiện khí quyển và khuếch đại các đám cháy rừng. Ngoài ra, tác nhân chính của biến đổi khí hậu (đốt nhiên liệu hóa thạch) cũng là nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí trên toàn cầu. Do đó, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sẽ giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí.
Chỉ riêng ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân đứng thứ tư gây ra những ca chết yểu trên toàn thế giới, và những thiệt hại này ước tính sẽ tiêu tốn 225 tỷ USD mỗi năm về sức lao động và hàng nghìn tỷ USD cho chi phí y tế, tạo nên gánh nặng cho nền kinh tế toàn cầu.
Tiếp xúc với ô nhiễm tỷ lệ PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí.
Báo cáo cho biết đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần.
Giám đốc điều hành IQAir, Frank Hammes, cho biết, 'Báo cáo Chất lượng Không khí Toàn cầu năm 2018 dựa trên việc rà soát, tổng hợp và xác thực dữ liệu từ hàng chục ngàn trạm quan trắc chất lượng không khí trên toàn thế giới. Bất cứ đâu có điện thoại di động, đều có thể cập nhập miễn phí vào dữ liệu này thông qua nền tảng AirVisual'.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.