Hà Nội mong các cơ quan ủng hộ xây ga ngầm bên Hồ Gươm

Giao thông 24h 20/01/2019 07:46

Hà Nội đã bày tỏ mong muốn Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch ủng hộ TP xây nhà ga C9 ở Hồ Gươm.

 

c9-1-15405491942471679578053-154787763490317984022
Hà Nội mong muốn Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội, cùng các nhà khoa học ủng hộ Hà Nội được xây nhà ga C9 bên cạnh Hồ Gươm như phương án mà thành phố này đã lựa chọn

Sáng 19-1, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT-DL) tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2019, với sự chủ trì của phó thủ tướng Vũ Đức Đam và bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Ông Tô Văn Động - giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội - được mời mở đầu phần tham luận của hội nghị với bài phát biểu về chủ đề Giải pháp đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển đô thị tại Hà Nội.

Trong bài phát biểu của mình, ông Động bày tỏ mong muốn Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội cùng các nhà khoa học ủng hộ Hà Nội xây nhà ga C9 bên cạnh Hồ Gươm, để dự án tiếp tục được triển khai.

Lý lẽ thuyết phục các cơ quan, các nhà khoa học còn đang nghi ngại với dự án này của Hà Nội đó là "Hà Nội cam kết sẽ có giải pháp công nghệ, kỹ thuật tốt nhất để bảo tồn di sản văn hóa Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn".

Tại hội nghị, phó thủ tướng Vũ Đức Đam và bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đều không trả lời về nguyện vọng được ủng hộ làm ga C9 của Hà Nội.

Trước đó, cả Bộ VH-TT-DL và Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đều có ý kiến bằng văn bản cho rằng phương án mà Hà Nội lựa chọn đối với vị trí của nhà ga ngầm C9 "không chỉ vi phạm Luật Di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa trung tâm thủ đô".

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã gửi văn bản kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng xem xét việc xây dựng nhà ga C9. Bộ VH-TT-DL cũng có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Sau khi Hà Nội gửi báo cáo Thủ tướng về ga C9 với khẳng định ga này phù hợp với bảo tồn di sản vào tháng 10-2018, và mở hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia mà khách mời hầu hết là những người ủng hộ ga C9 vào tháng 11-2018, Bộ VH-TT-DL vẫn không "thỏa hiệp".

Ông Nguyễn Thái Bình, người phát ngôn của Bộ VH-TT-DL, trong trả lời Tuổi Trẻ Online ngay sau hội thảo này kết thúc đã khẳng định, bộ sẽ tổ chức một buổi gặp gỡ chính thức giữa Cục Di sản văn hóa và các bên liên quan để thu thập ý kiến về phương án đặt ga ngầm C9 tại bờ hồ Hoàn Kiếm.

Không chỉ đang "gặp khó" trong giải quyết bài toàn hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế với dự án ga C9, Hà Nội cũng đang lúng túng trong ứng xử với cầu Long Biên vốn từ lâu được coi như di sản kiến trúc và lịch sử quan trọng của TP.

Ông Tô Văn Động cho biết qua hơn 10 năm bàn bạc, đến nay Hà Nội vẫn chưa chọn lựa được phương án bảo tồn cầu Long Biên nào trong hai phương án được đưa ra. Đó là khôi phục cầu Long Biên với tất cả chi tiết, kết cấu, vị trí như nó vốn có ban đầu hay bảo tồn một phần, kết hợp tu sửa, làm mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Tuy khẳng định xưa nay không ai và không ở đâu bảo tồn nguyên trạng một di sản nào đó, nhưng ông Động cũng nhắc tới một nguyên tắc cần tuân thủ đó là: "không ai có quyền nhân danh sự phát triển để hủy hoại di sản".

Trong bài phát biểu của mình, giáo đốc sở Văn hóa thể thao Hà Nội còn kiến nghị phó thủ tướng Vũ Đức Đam "cần có thông điệp truyền cảm hứng" để toàn xã hội nhận thức sâu sắc về vai trò quan trọng của văn hóa.

"Chúng ta vẫn coi văn hóa là mục tiêu, là động lực phát triển nhưng nhiều nơi chính các lãnh đạo cũng không đánh giá đúng tầm quan trọng và vị trí của văn hóa", ông Động nói.

Ý kiến của bạn

Bình luận