Sự gia tăng các phương tiện giao thông ảnh hưởng đến chất lượng môi trường |
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường của TP. Hà Nội được các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân ngày càng quan tâm hơn. Thành phố đã chú trọng đầu tư cho công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nên hầu hết các chỉ tiêu trong 5 năm qua đều đạt so với kế hoạch. Chất lượng môi trường đã được cải thiện rõ rệt, nhất là tại các khu công nghiệp, làng nghề. Tuy vậy, tiến độ triển khai các dự án đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm; hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức (cơ sở sản xuất) và cá nhân còn thấp; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường còn hạn chế..., ảnh hưởng đến chất lượng môi trường. Đơn cử như chất lượng môi trường không khí, so với giai đoạn 2006 - 2010, tại các khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian. Riêng chỉ tiêu benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 06:2009/BTNMT nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do việc gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt do sự gia tăng các phương tiện giao thông.
Ngoài ra, thời gian qua, thành phố vẫn phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nông nghiệp do sử dụng thiếu hợp lý phân bón hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật; suy giảm đa dạng sinh học do phát triển hoạt động dịch vụ, du lịch; chất thải rắn được thu gom chưa được xử lý triệt để nên vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác tập trung của thành phố; ý thức bảo vệ môi trường đã được cải thiện nhưng việc chuyển biến trong hành động vẫn còn hạn chế, đồng thời, chế tài xử phạt chưa hiệu quả, chưa có tác dụng răn đe, chưa khuyến khích người dân tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường...
Theo dự báo, những thách thức và áp lực lên môi trường thành phố ngày càng lớn do gia tăng dân số, tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu công nghiệp hình thành sắp đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, quy mô, tính chất sản xuất của các làng nghề tạo ra một lượng chất thải khá lớn... Với cơ sở hạ tầng, trình độ công nghệ như hiện nay thì việc thực hiện xử lý các nguồn chất thải này là điều chưa thể thực hiện ngay trong một sớm, một chiều... Trong sản xuất nông nghiệp, việc lạm dụng quá mức các loại phân bón, hóa chất cũng là một áp lực lớn đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động của các khu du lịch, chất thải trở thành vấn đề rất nan giải đối với môi trường, đặc biệt là chất thải rắn, nước thải, đe dọa tới hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Mặt khác, kết cấu hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường còn chưa phát triển đồng bộ, nguồn lực bảo vệ môi trường của Nhà nước và các doanh nghiệp còn hạn chế; tổ chức và năng lực quản lý môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; tác động của các vấn đề môi trường toàn cầu, khu vực ngày càng lớn và phức tạp hơn. Thách thức trong việc lựa chọn giữa lợi ích trước mắt (phát triển kinh tế - xã hội) và lợi ích lâu dài (phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường) cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong việc đề xuất các chính sách phát triển của thành phố và tập trung các nguồn lực cho phát triển của Thủ đô để có hướng đi đúng đắn cho sự phát triển bền vững.
Thời gian qua, cùng với tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, các sở, ngành đã tham mưu với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố nhiều văn bản liên quan đến công tác bảo vệ môi trường nghiêm ngặt hơn. Việc thẩm định và thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp đã cải thiện đáng kể với số phí thu được năm 2014 trên 7,66 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu gấp 7 lần so với giai đoạn 2011 - 2013.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Sở Công thương, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xử lý nước thải ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề và khu dân cư tập trung; phối hợp với các huyện ngoại thành hướng dẫn quy trình xử lý chôn lấp rác thải có kiểm soát, hợp vệ sinh…; triển khai đầu tư các dự án xây dựng ô chôn lấp rác thải theo công nghệ chôn lấp bán hiếu khí Fukuoka - Nhật Bản tại khu xử lý chất thải Xuân Sơn (Sơn Tây), dự án khu xử lý rác thải tập trung của thành phố tại thôn Đồng Ké, xã Trần Phú (Chương Mỹ), dự án xây dựng nhà máy đốt rác thải công nghiệp tại Nam Sơn (Sóc Sơn)…
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai nhiều chương trình công tác như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xử lý nước thải, rác thải, quan trắc môi trường; hoàn thành công tác điều tra cơ bản về môi trường; cập nhật và nâng cấp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn thành phố…; nâng cao công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thu phí bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện công tác quản lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn 17 huyện ngoại thành; đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu với sự tham gia của cộng đồng…; triển khai thực hiện chương trình, đề án, quy hoạch về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học đã được UBND thành phố phê duyệt.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.