Tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm. Ảnh: Bá Đô. |
Trao đổi với báo chí chiều 11/3, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, thành phố nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở, hạ tầng.
"Ví dụ chúng tôi đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi – Hà Đông sau khi đưa tuyến đường sắt 2A (Cát Linh - Hà Đông) đi vào hoạt động", ông Viện nói.
Theo ông, công việc nêu trên không tiến hành nóng vội mà sẽ được nghiên cứu thấu đáo để khả thi, đảm bảo điều kiện đi lại, sinh hoạt bình thường của nhân dân ở khu vực liên quan. Trong quá trình xây dựng đề án, thành phố sẽ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng.
Chủ trương dừng hoạt động xe máy từ năm 2030 tại các quận là một trong những nội dung của nghị quyết về tăng cường quản lý giao thông đường bộ, được HĐND TP Hà Nội thông qua giữa năm 2017.
Theo đó, thành phố sẽ tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn; phân vùng hạn chế hoạt động của loại phương tiện này phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Nghị quyết này cũng nêu rõ, chủ trương của thành phố là giảm tất cả các loại phương tiện giao thông cá nhân chứ không chỉ xe máy.
"Hà Nội cũng nghiên cứu giảm phương tiện cá nhân là ôtô bằng các giải pháp kinh tế như tăng phí dịch vụ đỗ xe tại các khu trung tâm; xây dựng đề án thu phí vào một số khu vực có khả năng gây ùn tắc giao thông và các loại phí khác", ông Viện nói.
Về lộ trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông, giữa tháng 2, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Tổng thầu Trung Quốc đề xuất kết thúc chạy thử dự án vào cuối quý I/2019 và đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.