Từ 10 năm trồng cây…
Tại Hội nghị góp ý hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm về việc mở rộng địa giới hành chính TP. Hà Nội mới đây, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát nhận định, sau 10 năm diện mạo Thủ đô có sự thay đổi mạnh mẽ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.Chính vì thế, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội tăng 2,3 lần (từ 1.697 USD lên 3.910 USD/năm). Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng, đạt trung bình 7,41%/năm. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi, tạo diện mạo mới cho mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Hàng loạt dự án giao thông lớn được thực hiện kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi như: Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, dự án đường sắt trên cao… Riêng 8 tuyến đường bộ lớn, tổng mức đầu tư đã lên tới hơn 02 tỷ USD - một con số tương đương 70% thu ngân sách trong năm 2007 của Hà Nội.
Nhớ về những ngày tháng gian truân, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện bộc bạch, đúng với tinh thần ưu tiên thúc đẩy, hạ tầng phải “đi trước một bước”, sau 10 năm hệ thống quy hoạch của Thủ đô đã cơ bản được hoàn thiện. Sau quy hoạch chung, Hà Nội cũng đã tiến hành triển khai hàng loạt quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch phân khu trên địa bàn... Căn cứ vào quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phê duyệt, Thành phố đã xây dựng và ban hành hàng loạt nghị quyết, đề án và tập trung đầu tư. Đến nay, hệ thống hạ tầng giao thông được đồng bộ và kết nối giữa tuyến đường vành đai với các đường trục hướng tâm, các tuyến đường cao tốc và những cây cầu... Nhờ đó, bộ mặt đô thị có sự thay đổi rõ rệt với hàng loạt công trình, dự án lớn, chất lượng đô thị không ngừng được nâng lên. Hà Nội không chỉ rộng mà thực sự lớn mạnh và hiện đại.
…Đến ngày “hái quả”
Theo ông Viện, hiện có 6 tuyến cao tốc quan trọng kết nối vùng, lấy Thủ đô làm trung tâm đã hoàn thành, đưa vào khai thác như: Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, QL3 mới Hà Nội - Thái Nguyên..., từ đó thúc đẩy giao thương, văn hóa, góp phần khẳng định vị thế và sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô.Đối với khu vực nội đô, nhiều tuyến đường như: Vành đai 1, Vành đai 2 và một số đoạn tuyến của Vành đai 2,5 cùng Vành đai 3 và 3,5... được tích cực triển khai xây dựng; Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài được mở rộng; đưa vào vận hành tuyến buýt nhanh BRT... Ngoài ra, Thành phố đang phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng như các tuyến đường sắt đô thị số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông), số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội); Vành đai 3 trên cao và dưới thấp (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; tuyến đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)...
Trong 10 năm qua, ngành GTVT Hà Nội đã hoàn thành được 223km đường xây mới; tổ chức xây dựng và hoàn thành 3 cây cầu lớn là Nhật Tân, Vĩnh Tuy và Vĩnh Thịnh; xây mới 9 cầu vượt nhẹ trực thông tại các “điểm đen” UTGT như: Cầu vượt nút giao Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Thái Hà, nút giao Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã…; xây mới 33 cầu đi bộ, 37 hầm bộ hành, 8 hầm chui cơ giới và 68 hầm chui dân sinh.
Hệ thống giao thông nông thôn đã có nhiều khởi sắc: Đã thay thế hàng chục cầu yếu, cầu cũ tăng cường kết nối khu vực nông thôn, ngoại thành với đô thị trung tâm, đường trục xã, liên xã, trục thôn, đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Đường ngõ, xóm được bê tông hóa…, đáp ứng mong mỏi của người dân ngoại thành, đặc biệt là vùng mở rộng, mang lại nét khởi sắc cho bộ mặt nông thôn.
Mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt Hà Nội có những bước chuyển mình ấn tượng. Cho đến nay đã có 112 tuyến, tăng 51 tuyến so với năm 2008, vận chuyển hơn 430 triệu lượt hành khách/năm (tăng 64%), bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã.
Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được thể hiện rõ nét bằng chỉ tiêu diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng trung bình từ 0,28% đất đô thị/năm. Năm 2010 mới chỉ đạt khoảng 7%, đến năm 2017 đạt khoảng 8,96%; số điểm UTGT năm 2010 có 124 điểm thì đến năm 2017 giảm xuống còn 37 điểm; số vụ TNGT năm 2013 là 2.252 vụ thì đến năm 2017 giảm xuống còn 1.448 vụ.
Từ những kết quả đạt được góp phần giảm tải áp lực giao thông cho Thủ đô, từng bước hạn chế UTGT và TNGT trên địa bàn, tăng cường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố trong khu vực, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp tích cực vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô sau 10 năm mở rộng
Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII đã thông qua một quyết tâm chính trị cao trong việc mở rộng Hà Nội. Ngày 01/8/2008, Hà Nội chính thức mở rộng, trở thành thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 gần 7 triệu người. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.