Thành phố Hà Nội sẽ đầu tư tuyến ống khẩn cấp để đảm bảo cấp nước cho người dân. |
- Đường ống nước sông Đà vỡ lần thứ 13 vào ngày 13/8 và đã được khắc phục, nhưng tại sao đến nay nhiều khu dân cư vẫn thiếu nước, thưa ông?
- Tình trạng mất nước kéo dài là do đường ống sông Đà vỡ lần thứ 13. Quá trình khắc phục, công ty vận hành phát hiện thêm 2 điểm rò rỉ khác. Vì vậy, thời gian xử lý sự cố mất 24 giờ, dẫn đến tình trạng mất nước kéo dài hơn.
Nhưng quan trọng hơn, sau khi cấp lại, đường ống sông Đà giảm áp lực, dẫn đến thiếu hụt nước ở những điểm cuối nguồn. UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị phân phối nước phải khắc phục ngay. Cụ thể, vận hành toàn bộ công suất nhà máy nước ngầm, tăng lượng khai thác giếng ngầm, cấp nước phân khu, luân phiên từng địa bàn. UBND thành phố cũng yêu cầu Tổng công ty Vinaconex, đơn vị vận hành Nhà máy nước sông Đà và đường ống truyền dẫn, phải tăng áp lực, để nhanh chóng cấp nước đầy đủ cho nội thành.
Đến nay, cơ bản nhân dân đã được cấp nước trở lại. Ngoại trừ một số điểm cá biệt, chúng tôi phải sử dụng xe téc cấp nước sạch miễn phí.
- Sửa chữa đường ống, cấp nước bằng xe téc chỉ là giải pháp tạm thời, thành phố có kế hoạch gì để đảm bảo không xảy ra mất nước kéo dài?
- Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ triển khai quy hoạch - kế hoạch cấp nước đã duyệt. Trước mắt, tháng 10/2015 thành phố khởi công Nhà máy nước mặt sông Hồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm, địa điểm đặt tại huyện Đan Phượng, thời gian thi công khoảng 2 năm. Như vậy, cuối năm 2017 đầu năm 2018, thành phố sẽ thêm nguồn nước khai thác từ nước mặt sông Hồng.
Cùng với đó, thành phố đang nâng công suất, sản lượng của Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì (Đông Anh) thêm khoảng 30.000 m3/ngày đêm. Dự kiến, khoảng tháng 3/2016 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Nhà máy này cung cấp lượng nước cấp bù cho sản lượng mà Công ty Nước sạch Hà Nội còn thiếu, cung ứng cho địa bàn Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và khu vực nội thành. Tiếp đó, thành phố tiếp tục bổ sung nguồn nước ngầm, khoan thêm giếng, tăng sản lượng các nhà máy hiện có.
Đặc biệt, thành phố quyết định xây dựng thêm đường ống khẩn cấp, truyền tải nước sông Đà từ Hòa Lạc đến Trung tâm Hội nghị quốc gia, dài hơn 20 km, để chia sẻ lượng nước cho đường ống số 1 hiện tại luôn đứng trước nguy cơ vỡ. Tuyến ống khẩn cấp này có nhiệm vụ giảm áp, bảo đảm an toàn cho tuyến số 1. Sau khi hoàn thành, tuyến ống khẩn cấp san sẻ 80.000-100.000 m3 nước cho tuyến số 1, bảo đảm an toàn cấp nước cho nhân dân thủ đô.
- Khi có tuyến đường ống khẩn cấp rồi, kế hoạch xây dựng tuyến đường ống số 2 của Tổng công ty CP Vinaconex sẽ được triển khai thế nào?
- Cùng với việc đầu tư tuyến ống khẩn cấp, thành phố tiếp tục đôn đốc Tổng công ty Cổng phần Vinaconex khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước sông Đà số 2, để chia sẻ cho tuyến số 1 và nâng cấp Nhà máy nước sông Đà giai đoạn II. Các tuyến ống sẽ hoạt động song song và tuyến ống khẩn cấp chắc chắc phải xong trước tuyến số 2 để sớm bảo đảm an toàn cấp nước cho thủ đô.
- Trong thời gian chờ thực hiện các giải pháp, người dân vẫn sẽ đối diện với nguy cơ mất nước. Là Phó chủ tịch thành phố phụ trách vấn đề này, ông chia sẻ điều gì với người dân?
- Sau sự cố, nhiều khu vực, địa bàn không có nước sử dụng, làm đảo lộn cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng sinh hoạt của nhân dân. Đây là việc không ai muốn nhưng trách nhiệm trước hết là của thành phố. Thay mặt UBND thành phố Hà Nội, tôi xin nhận thiếu sót để xảy ra sự cố vừa rồi. UBND thành phố rất mong nhân dân thủ đô chia sẻ khó khăn, sử dụng nước tiết kiệm.
Thành phố cũng đã yêu cầu các đơn vị phân phối phải thông báo công khai lịch cấp nước từng khu vực để nhân dân biết, dự trữ nước và sử dụng tiết kiệm trong thời gian ngừng cấp nước.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.