Dự án đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn 1 tuyến số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội hiện nợ đọng khối lượng nhà thầu khoảng 100 tỷ đồng do trần giải ngân ODA. |
Đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư
Tại hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy Hà Nội với các quận, huyện, sở ngành mới đây, liên quan đến các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, việc đầu tiên cần làm là phải quyết liệt đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là những dự án áp dụng theo hình thức PPP và sử dụng nguồn vốn ODA.
“Đây là hai hình thức đầu tư rất hay, không phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công nhưng về thủ tục đầu tư lại đặt ra rất nhiều khó khăn. Như dự án PPP thì phải qua 10 bước chuẩn bị đầu tư còn dự án ODA thì phải đồng thời thực hiện cả luật trong nước và các hiệp định quốc tế”, ông Tứ nói. Theo ông Tứ, 9 tháng đầu năm, trong công tác chuẩn bị đầu tư, 2 loại dự án này còn chậm hơn các dự án sử dụng vốn ngân sách.
“Theo chúng tôi, làm đúng quy định thì một dự án PPP nhóm A thủ tục 10 bước thì mất 750 – 780 ngày mới xong. Có khi làm xong thì cũng gần hết giai đoạn 2016 – 2020. Chúng tôi có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo thành phố xin T.Ư cho cơ chế đặc thù và xin hứa là không gây ra hậu quả về quản lý vốn”. Ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội |
Cũng theo ông Tứ, phải quyết liệt huy động mọi nguồn lực thì mới đủ nguồn vốn thực hiện 51 công trình trọng điểm. Ông Tứ cho biết, trong giai đoạn 2016 – 2020, vốn ngân sách sẽ không đạt 50% nhu cầu của thành phố, vì vậy phải huy động nguồn lực, quyết liệt vận động các nguồn vốn ODA, đặc biệt cho các dự án có quy mô lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao. Nếu không thu hút vốn đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vốn ngoài ngân sách và đề nghị T.Ư quan tâm, hỗ trợ các công trình trọng điểm thì rất khó.
“Phải kiến nghị với Chính phủ cho Hà Nội hưởng một số cơ chế đặc thù, đặc biệt trong thực hiện dự án PPP và các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố, kể cả dự án ODA. Nếu như T.Ư không cho cơ chế đặc thù thì dù có cố gắng đến mấy, thành phố vẫn khó đạt mục tiêu”, ông Tứ nói.
Ông Tứ đề nghị, nếu dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách của thành phố thì đề nghị T.Ư ủy quyền cho Hà Nội duyệt chủ trương đầu tư. Thứ hai là cho cơ chế đặc thù về giải ngân vốn ODA.
“Trong giai đoạn 2016 – 2020, chúng ta cần khoảng 59 nghìn tỷ đồng cho các dự án ODA. Các nhà tài trợ đã đồng ý cấp, chúng ta cũng có khả năng giải ngân, nhưng hiện nay, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đang đưa ra một quota giải ngân vốn ODA hàng năm nên rất khó khăn. Thời điểm này chúng ta đã giải ngân được 165% kế hoạch vốn ODA do T.Ư giao nhưng Bộ Tài chính và Bộ KH&ĐT lại chưa nâng quota ấy lên. Vì vậy, việc chúng ta giải ngân nhiều, vượt kế hoạch ODA lại trở thành những rủi ro. Nếu không có ODA thì chúng ta phải dùng vốn ngân sách để thanh toán khối lượng cho các nhà thầu”, ông Tứ nói.
Lãnh đạo Sở KH&ĐT Hà Nội cũng đề xuất xin T.Ư cho cơ chế đặc thù lựa chọn các nhà đầu tư PPP. “Theo chúng tôi, làm đúng quy định thì một dự án PPP nhóm A thủ tục 10 bước thì mất 750 – 780 ngày mới xong. Có khi làm xong thì cũng gần hết giai đoạn 2016 – 2020. Chúng tôi có trách nhiệm tham mưu cho lãnh đạo thành phố xin T.Ư cho cơ chế đặc thù và xin hứa là không gây ra hậu quả về quản lý vốn”, ông Tứ quả quyết.
Nên đề xuất cơ chế đặc thù
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, trong giai đoạn 2016 – 2020 có 51 dự án trọng điểm của thành phố, phải quyết liệt thì mới thực hiện được. Với các dự án đã tháo gỡ rồi thì phải có những cơ chế đặc biệt, đặc thù để triển khai nhanh hơn. “Như Giám đốc Sở KH&ĐT nêu thì một dự án hạng A là mất 750 – 780 ngày làm thủ tục. Tôi đã yêu cầu UBND thành phố, trong Luật Thủ đô chúng ta được quyền đề xuất với Nhà nước cho những cơ chế đặc thù để đáp ứng những quá tải hết sức nghiêm trọng về hạ tầng”, ông Hải nói.
Về vướng mắc vốn ODA, theo ông Hải, thành phố đang ở vào tình trạng vốn ODA có, vốn đối ứng của thành phố cũng có mà phải ngồi chờ. Việc này gây ra nhiều bất cập. “Thành phố đang giải ngân ODA rất tốt, nhưng hiện nay đang vướng hạn ngạch. Việc này tôi đã trao đổi với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ”, ông Hải nói.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.