Cảnh vắng khách đã quen thuộc với xe buýt nhanh, nhất là giờ thấp điểm. Ảnh: Ngọc Thành |
Trao đổi với báo chí ngày 8/5, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch thành phố về việc xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn dành riêng cho buýt nhanh - BRT, đơn vị đang tổ chức khảo sát, lên phương án để trình cấp trên xem xét.
"Nếu được lãnh đạo chấp thuận, việc thí điểm có thể bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài 6 tháng", ông nói và nêu rõ tất cả xe buýt thường chạy trên tuyến đường của BRT đều là các tuyến buýt gom khách cho BRT và không tuyến buýt thường nào chạy trùng với buýt nhanh.
"Tần suất mỗi lượt BRT khoảng 5-10 phút nên việc thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn riêng sẽ giúp tận dụng tối đa khoảng thời gian xen kẽ của các lượt xe BRT. Hơn thế, cho xe buýt thường đi vào làn BRT sẽ giảm được áp lực giao thông ở phần đường dành cho phương tiện khác", ông Hải nói.
Hiện Tramoc khảo sát kỹ thuật để đưa ra phương án phù hợp, vì điểm dừng đỗ của buýt thường khác với buýt nhanh. Cụ thể, điểm dừng đỗ của BRT nằm giữa dải phân cách, trong khi buýt thường nằm sát vỉa hè.
"Chúng tôi phải tổ chức điểm ra vào làn đường ưu tiên cho buýt thường, có thể xê dịch một số điểm đón, trả khách của buýt thường sao cho phù hợp với điểm đón của BRT", lãnh đạo Tramoc cho hay và khẳng định mọi giải pháp đều hướng tới phục vụ BRT tốt hơn.
"Việc cho buýt thường đi vào làn ưu tiên là thí điểm, không phải giải pháp cứng. Mà thí điểm thì có thể thành công hoặc không, nên phải vừa làm vừa điều chỉnh", ông Hải khẳng định.
Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải. Ảnh: Võ Hải |
Buýt thường và BRT chỉ chung làn vào giờ thấp điểm
Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia Cơ quan hợp tác Nhật Bản, giảng viên Chương trình kỹ thuật hạ tầng của Đại học Việt Nhật, nếu được đi vào làn BRT thì xe buýt thường sẽ phải "đánh võng" khi vào điểm dừng đỗ nằm ở lề đường bên phải. "Như vậy việc cho hai loại hình này chung làn chỉ có thể thực hiện vào giờ thấp điểm, vì giờ cao điểm xe cộ rất khó di chuyển từ làn này sang làn khác", ông nói.
TS Bình nhận xét, để BRT hiệu quả hơn, Sở Giao thông Vận tải cần cho tăng tần suất trong giờ cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của hành khách, tăng kết nối với các tuyến buýt khác và thêm điểm trông giữ xe cá nhân để hành khách dễ dàng di chuyển bằng buýt nhanh...
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, cần kiên quyết ưu tiên cho hoạt động của xe buýt nhanh, không nên để buýt thường chạy vào làn BRT. "Nếu chạy thường xuyên vào làn BRT, xe buýt thường có thể gây ùn tắc, tiềm ẩn tai nạn giao thông", ông Thanh nói.
Hiệu quả của BRT "chưa thể tính được bằng tiền"
Trước phản ánh xe buýt nhanh vắng khách dù được ưu tiên làn đường riêng, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, lượng khách trung bình của tuyến BRT đạt trên 40% mỗi lượt và khoảng 13.000 khách/ngày là "tín hiệu tích cực".
Theo ông, tuyến BRT bước đầu mang lại hiệu quả, nhiều hành khách đánh giá tích cực, thiện cảm hơn với phương tiện công cộng; ý thức người tham gia giao thông được cải thiện... Nhóm đối tượng có nhu cầu đi lại thường xuyên (vé tháng) có chiều hướng tăng.
"Trước đây tuyến xe buýt thường số 22 chạy theo lộ trình của BRT trong một năm chỉ có 3.000 khách mỗi ngày. Nhưng giờ buýt nhanh trung bình 13.000 khách/ngày, đây là con số khá thuyết phục", ông Hải nói và cho rằng không nên mang tổng mức đầu tư cho dự án BRT (hơn 1.000 tỷ đồng) để so sánh với lượng khách trung bình. Nnhư vậy hơi phiến diện vì hiệu quả của buýt nhanh chưa thể tính ngay được bằng tiền.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tramoc thừa nhận vẫn còn một số tồn tại như tình trạng phương tiện lấn làn BRT; việc tiếp cận nhà chờ ở một số điểm chưa thuận tiện, đặc biệt với người khuyết tật; điểm trông giữ xe cho khách đi BRT chưa được bố trí khoa học...
TS Phan Lê Bình cũng cho rằng, tổng mức đầu tư cao cho hệ thống BRT và hiệu quả giải quyết giao thông công cộng là "hai chuyện khác nhau". Việc đánh giá hiệu quả của tuyến BRT phải sau ít nhất 2-3 năm triển khai. Hiện tuyến này mới hoạt động được 4-5 tháng nên việc đánh giá sẽ thiếu chính xác.
"Với trung bình 42 hành khách/chuyến, đây là con số cao, cho thấy giờ thấp điểm xe BRT chỉ có 5-7 người, còn giờ cao điểm có thể lên tới gần 90", ông Bình nói.
Ngày 31/12, UBND TP Hà Nội khai trương tuyến buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa, quãng đường khoảng 14,7 km. Dọc tuyến buýt có 21 nhà chờ, 10 cầu vượt cho người đi bộ ra giữa đường đón xe. Giai đoạn đầu, 24 xe buýt được đưa vào vận hành, trong đó ngày thường 20 xe, chủ nhật 14 xe, 4 xe dự phòng. Ngày thường, xe buýt hoạt động với tần suất từ 5 đến 15 phút một lượt, chủ nhật từ 7 đến 15 phút một lượt. Thời gian xe mở cửa đón khách từ 5h đến 22h. Giá vé mỗi lượt là 7.000 đồng, sử dụng loại vé như xe buýt thông thường. Tại phiên làm việc của tập thể lãnh đạo UBND thành phố sáng 28/4, Chủ tịch Hà Nội cho rằng lượng khách cao nhất của buýt nhanh chưa đạt 48 người mỗi lượt trong khi sử dụng làn đường riêng là chưa hợp lý. “Sở Giao thông cần nghiên cứu, làm việc với Tổng công ty Vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT, sau đó nghiên cứu mở rộng thêm một số phương tiện”, ông Chung chỉ đạo. |
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.