Hà Nội ứng dụng ITS phát triển hệ thống giao thông hiện đại, bền vững

Tác giả: BẢO CHÂU

saosaosaosaosao
Ứng dụng 24/12/2023 10:01

Sở GTVT Hà Nội đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh hiện đại và bền vững.


Hà Nội:Ứng dụng ITS xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, bền vững- Ảnh 1.

Hà Nội ứng dụng hệ thống vé điện tử liên thông đa phương thức cho giao thông công cộng

Phát triển giao thông công cộng trên nền tảng giao thông thông minh

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP. Hà Nội hiện có 1,1 triệu ô tô và 6,7 triệu xe máy và các phương tiện khác. Mỗi năm, Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%. Thời gian qua, Hà Nội dành nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp hạ tầng, tuy nhiên tốc độ phát triển hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, diện tích đất dành cho giao thông chỉ đạt 12% và 1,5% diện tích đường cho 1 km2. Cả hai con số này mới chỉ đạt được một nửa so với yêu cầu.

Hà Nội hiện có 23.439,61 km đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông khung đã và đang được hình thành theo quy hoạch, bao gồm: 7 tuyến vành đai; 19 tuyến hướng tâm (7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ, 4 tuyến hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh); mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch có 10 tuyến (tương ứng 417 km), hiện nay mới hình thành và đưa vào khai thác được 12,5/417 km theo quy hoạch (tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông).

Tính đến tháng 9/2022, trên địa bàn Hà Nội có 63.641 phương tiện vận tải hành khách, trong đó: 38.775 ô tô dưới 9 chỗ và xe taxi của 12.000 đơn vị vận tải; xe dưới 9 chỗ có 17.240 phương tiện có ứng dụng phần mềm của Grab, Be, Gojke. Mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt hiện gồm 154 tuyến (132 tuyến trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến kế cận và 2 tuyến City tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã đạt 100%, số phương tiện xe buýt toàn mạng có 2.279 xe, trong đó có 2.024 xe trợ giá, 269 xe sử dụng năng lượng sạch (đạt 13,3%) và trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên; tỷ lệ VTHKCC hiện nay đạt được khoảng 19,05%.

Hà Nội luôn kiên định, kiên trì với chủ trương phát triển giao thông công cộng, tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã làm sản lượng của xe buýt sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu đề ra.

Hướng đến mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và xã hội

Với mục đích hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông thông minh làm cơ sở vững chắc chuẩn bị cho hình thành hệ thống giao thông thông minh Hà Nội đã xây dựng đề án giao thông thông minh. Đề án nhằm đưa ra khung kiến trúc hệ thống, chiến lược và các giải pháp về cơ chế chính sách, công nghệ và đầu tư nhằm mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững.

Theo GS. TS. Nguyễn Hùng Lân, Trường Đại học GTVT, thách thức của giao thông Hà Nội hiện nay là ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm, các đơn vị quản lý điều hành độc lập, dữ liệu rời rạc... Do đó, bài toán đặt ra với giao thông Hà Nội cần hướng tới sự hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người dân và giải quyết bài toán môi trường. Phát triển hệ thống giao thông thông minh, bền vững với 3 nhiệm vụ chiến lược là tăng cường thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và phát triển hạ tầng.

Theo đó, nhiệm vụ chính là xây dựng bản đồ thông minh để cung cấp, xây dựng thông tin điều khiển đối với đèn tín hiệu, lắp đặt hệ thống camera cảm biến. Để thực hiện được điều đó cần có lộ trình cụ thể với 3 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 kiện toàn xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông Thành phố, kết nối nguồn dữ liệu, vé liên thông giữa các loại hình vận tải công cộng; giao đoạn 2 hình thành hệ thống ITS, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh, tích hợp, đổi mới phương thức quản lý, phát triển ứng dụng ITS cơ bản, đầu tư, lắp đặt hệ thống ngoại vi và thu phí nội đô; giai đoạn 3 tập trung vào phát triển bền vững, trong đó cần vận hành và khai thác hiệu quả, tăng cường ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số và thu phí nội đô giai đoạn 2. "Về cơ chế chính sách cần đặc biệt quan tâm như tạo cơ chế khuyến khích hợp tác công - tư trong xây dựng, vận hành hệ thống giao thông thông minh; khuyến khích hoạt động đào tạo, ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển hệ thống giao thông thông minh", GS. TS. Nguyễn Hùng Lân nhấn mạnh.

Còn theo một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng cần thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như: Hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông... Vấn đề là Chính phủ cần có cơ chế và xây dựng hồ sơ mời thầu hợp lý để hấp dẫn tư nhân tham gia đầu tư.

Nhằm thu hút được đầu tư vào hệ thống giao thông thông minh, ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở GTVT Hà Nội cho biết, để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào Đề án giao thông thông minh của Thủ đô, Hà Nội sẽ có những cơ chế đặc thù về thuế, ưu đãi với thiết bị nhập khẩu, ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào vận hành hệ thống giao thông thông minh. Những định hướng chính sách đặc thù này đã được đưa vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội tháng 11/2023, dự kiến được thông qua trong năm 2024.

Để hiện thực hóa Đề án giao thông thông minh, TS. Đặng Minh Tân (chuyên gia giao thông) hiến kế, Hà Nội phải tập trung phát triển một kế hoạch tổng thể về giao thông thông minh để nâng cao chất lượng quản lý, tổ chức giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Do vậy, Đề án giao thông thông minh là cần thiết để mang lại những hiệu quả sau:

*Nâng cao ATGT: ITS có thể giúp giảm TNGT ở Hà Nội bằng cách cung cấp cho lái xe thông tin theo thời gian thực về tình trạng giao thông, nguy hiểm trên đường và khả năng va chạm. Ngoài ra, ITS cho phép phương tiện giao thông giao tiếp với nhau và với cơ sở hạ tầng ven đường, giúp tăng cường an toàn và ngăn ngừa tai nạn hơn nữa.

*Giảm thiểu ùn tắc giao thông: ITS đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông ở Hà Nội bằng cách tối ưu hóa thời gian tín hiệu giao thông, cung cấp cho người lái thông tin giao thông theo thời gian thực và các tuyến đường thay thế, đồng thời khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

*Hiệu quả hóa vận chuyển hàng hóa: ITS giúp thông minh hóa vận chuyển hàng hóa ở Hà Nội bằng cách cung cấp theo dõi theo thời gian thực hàng hóa đang vận chuyển, cho phép lập kế hoạch tuyến đường xe tải hiệu quả, giảm thiểu chậm trễ và tối ưu hóa lượng nhiên liệu tiêu thụ.

*Giảm thiểu tác động môi trường: ITS góp phần tạo nên môi trường trong lành và xanh hơn ở Hà Nội bằng cách thúc đẩy các phương pháp lái xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ùn tắc giao thông và giảm thiểu phát thải khí thải từ xe cộ.

*Tăng cường thông tin cho người đi lại: ITS có thể cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình trạng giao thông, vị trí các phương tiện giao thông công cộng và các sự kiện giao thông. Điều này có thể giúp người đi lại lập kế hoạch cho chuyến đi của họ tốt hơn và tránh các tình huống giao thông bất ngờ.

Người dân là đối tượng hưởng lợi chính của hệ thống giao thông thông minh, giúp mang lại chất lượng dịch vụ tốt hơn, từ đó nâng cao vai trò người dân trong tham gia vào công việc quản lý, điều hành giao thông thành phố. Người dân được đảm bảo nhận biết thông tin đầy đủ về hệ thống giao thông, các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ lập kế hoạch chuyến đi đúng mong muốn, hiệu quả.

Ý kiến của bạn

Bình luận