Dù đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách đến phát triển hạ tầng, song tình trạng ùn tắc giao thông vẫn không hề thuyên giảm |
Mới đây, Hà Nội thông xe cầu vượt hồ Linh Đàm nối từ Vành đai 3 dưới thấp sang đường Pháp Vân, người dân ở đây hy vọng áp lực giao thông sẽ được giải tỏa. Nhưng do lưu lượng phương tiện qua nút giao thông gia tăng khiến tại các "nút thắt" từ các khu đô thị lân cận đổ ra đường Ngọc Hồi, Giải Phóng, tình hình giao thông vẫn luôn căng thẳng vào những giớ cao điểm, ngay cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật.
Anh Long, cư dân khu đô thị Linh Đàm cho biết, khi cầu cạn vượt hồ Linh Đàm được thông xe, tại đây nên cho các dòng phương tiện xe máy, ô tô đi từ Vành đai 3 dưới thấp theo hướng Linh Đàm đi thẳng ra Pháp Vân, bỏ việc ô tô phải vòng ra đường Ngọc Hồi mới ra Pháp Vân. Tuy nhiên, hiện tất cả ô tô lưu thông ở đường Vành đai 3 dưới thấp khi qua Linh Đàm, muốn ra Pháp Vân phải vòng sang đường Ngọc Hồi, việc này đang gây ùn tắc cho đường Ngọc Hồi và các tuyến đường chạy qua khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp…
Tại nhiều tuyến đường, nút giao thông bị ùn tắc, PV thấy rằng, ngoài lượng phương tiện đông và cùng đổ ra đường vào một thời điểm, nguyên nhân ùn tắc còn đến từ cách tổ chức, điều tiết giao thông chưa hợp lý.
Đơn cử, trục giao thông Trần Phú - Nguyễn Trãi hiện là một trong những tuyến đường hiện đại nhất của Hà Nội với hầm chui, đường dưới thấp và đường trên cao. Sau khi các hạng mục xây dựng công trình đường Cát Linh - Hà Đông hoàn thành, mặt đường đã được cải tạo, mở rộng và chỉnh trang đi lại êm thuận. Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ tình trạng ùn tắc giao thông tại đây chẳng những không giảm mà còn có dấu hiệu nghiêm trọng hơn trước. Giờ cao điểm sáng - chiều, đặc biệt khi trời mưa, tuyến đường lại ùn tắc kéo dài đến hàng cây số; tắc từ hầm chui tắc lên, hàng ngàn phương tiện chôn chân bất lực.
Ví như lối “cổ chai” lên cầu vượt Ngã Tư Sở hay một loạt điểm mở quay đầu từ Khuất Duy Tiến đến đường Láng. Đặc biệt điểm mở quay đầu đoạn trước cổng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, số 334 Nguyễn Trãi, được bố trí chưa hợp lý, quá gần ngã ba Nguyễn Tuân - Nguyễn Trãi, lại chặn cả dòng xe vào hầm chui Khuất Duy Tiến lẫn làn đường dành cho xe quay đầu. Hay như nút giao lệch Vũ Trọng Khánh - Nguyễn Khuyến - Trần Phú (quận Hà Đông), cũng bị đánh giá bất hợp lý.
TS giao thông đô thị Đặng Minh Tân nhận xét: “Nút giao lệch rất khó tổ chức giao thông. Nếu không phải bất khả kháng nên đóng lại, tránh gây ùn tắc lan rộng ra cả khu vực”.
Nút giao thông Hoàng Liệt - Pháp Vân xung đột giao thông kinh hoàng sáng ngày 22/10 |
Theo UBND TP Hà Nội, trong gần 5 năm qua, Thành phố đã sửa chữa 36 tuyến đường, lắp đặt 112 nút đèn tín hiệu giao thông, cải tạo 17 vị trí nút giao thông, cải tạo chỉnh trang 6 tuyến đường, hoàn thành 7 công trình với tổng kinh phí hơn 231 tỉ đồng.
Tính đến tháng 10/2020, Hà Nội hiện vẫn tồn tại 33 điểm đen ùn tắc vào giờ cao điểm. Theo nghị quyết của HĐND TP Hà Nội, đến cuối năm nay phải giảm tối thiểu 5-10 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn.
Nguyên nhân vẫn còn những điểm ùn tắc được UBND thành phố Hà Nội cho là do lưu lượng giao thông tăng nhanh, số điểm ùn tắc mới phát sinh nhiều, cần tiếp tục xử lý để đạt mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Bàn về tình trạng ùn tắc trên địa bàn Hà Nội hiện nay, nhiều chuyên gia giao thông, nhà quy hoạch đánh giá là không bình thường. Ông Thân Văn Thanh, chuyên gia giao thông, cho rằng, ùn tắc tại Hà Nội thường có diễn biến phức tạp kể từ khi tổ chức lại các nút giao thông mới. Nhiều tuyến đường vừa làm xong, chưa phát huy hiệu quả, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác phân luồng, đảm bảo giao thông. Do vậy, mới tồn tại nghịch lý, đường càng to càng tắc nghẽn giao thông.
Đại diện Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, trong các điểm ùn tắc tại Hà Nội hiện nay theo số liệu khảo sát của liên ngành Hà Nội, có đến 80% là do tổ chức giao thông. Như vậy có nghĩa là, công tác điều tiết, tổ chức giao thông của các cơ quan có trách chưa thật sự phù hợp, hiệu quả và cần phải xem lại.
Tắc nghẽn nghiêm trọng nhất đoạn từ hầm Thanh Xuân đến cầu vượt Ngã Tư Sở |
Đánh giá về tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố thời gian qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho rằng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Trong thời gian tới, Sở GTVT cũng phối hợp với Phòng CSGT để điều chỉnh lại các nút đèn tín hiệu cho phù hợp.
Nhiều ý kiến lo ngại Hà Nội mở đường đến đâu ùn tắc giao thông sẽ theo đến đó nếu các khu đô thị, chung cư cứ mọc lên dày đặc hai bên tuyến đường như hiện nay.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm (nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam) cho biết, Hà Nội đã có 7 lần quy hoạch từ năm 2004 đến nay. Trong tất cả những lần quy hoạch đều đặt ra đảm bảo hài hòa việc phân bố dân cư, phân bố không gian và quy hoạch giao thông.
Gần đây nhất là quy hoạch được duyệt năm 2011, đến năm 2016 Thủ tướng Chính phủ có xác định quy hoạch giao thông, trong đó có xác định rõ quy hoạch nào được ưu tiên và mạng lưới giao thông sẽ phải điều chỉnh như thế nào. Đây là thách thức rất lớn cho thành phố Hà Nội bởi lịch sử để lại cho Hà Nội mạng lưới đường giao thông thấp hơn rất nhiều đối với định mức những đô thị khác.
"Ví dụ, bình thường một đô thị phải có 20 – 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông, nhưng Hà Nội mới đạt dưới 10%. Nên việc phát triển giao thông là nhu cầu rất lớn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Chỉ tính riêng những tuyến đường trong nội đô tính đến năm 2030 phải cần đến trên 70.000 tỷ mới giải quyết nhu cầu cơ bản để hạn chế việc ách tắc giao thông. Trong khi đó, vừa thực hiện mạng lưới giao thông cho hoàn chỉnh nhưng vừa phải phát triển, phân bố dân cư. Tuy nhiên, quy hoạch trong nội đô hiện nay gia tăng vượt quá mức trong kế hoạch dự định", TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.