Hà Nội với ước mơ “đưa rừng vào phố”

Tác giả: Hiểu Minh

saosaosaosaosao
Xã hội 31/08/2018 16:39

Cùng với mảng xanh hiện hữu, Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được Hà Nội triển khai từ năm 2016 đến nay thực sự mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị và hình thành nên nhiều tuyến phố “chuẩn hóa” hệ thống cây xanh. Đây là những bước đi đúng đắn để đặt niềm tin về một thành phố xanh.

 

du-an-trong-trieu-cay-xanh-tai-ha-noi
 

Màu xanh rợp bóng phố phường

Ngoài chức năng điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng khí “nhà kính”, ở các đô thị lớn, đi cùng hệ thống ao hồ, hệ thống cây xanh làm tăng thẩm mỹ cảnh quan, tạo ra sự phong phú về hình khối, màu sắc. Tuy nhiên, chỉ số diện tích cây xanh của Hà Nội trước kia quá thấp so với nhiều đô thị trên thế giới. Nếu như Singapore có diện tích cây xanh đến 30,3m2/người, Seoul là 41m2/người, Berlin 50m2/người, Paris 25m2/người… thì Hà Nội chỉ đạt khoảng 02m2/người.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện thành công Chương trình trồng 1 triệu cây xanh sẽ góp phần đáng kể cải tạo môi trường Thủ đô, tăng diện tích cây xanh từ 7,8m2 hiện tại lên trên 8m2/đầu người.

Với mục tiêu xây dựng một thành phố Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, cùng với phát triển năng lượng xanh, môi trường xanh, trồng mới cây xanh là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Nội. Ngày 5/6/2016, Thành phố đã có quyết định chính thức khởi động chương trình trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Xoay quanh chương trình trồng 1 triệu cây xanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung chia sẻ, đây là công việc phải làm và nên làm bởi cây xanh cần được coi là di sản đô thị, một phần “máu thịt” của Hà Nội. Không chỉ đi vào thơ ca, cây xanh còn là cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sỹ. “Chương trình 1 triệu cây xanh được đúc kết trong 3Đ: “Đồng đều - Đa dạng - Đồng bộ”. Đồng đều về kích thước, chiều cao cây (7 - 8m), khoảng cách trồng cây (6 - 7m). Đồng bộ về chủng loại và đa dạng về cách trồng cây xanh theo tầng: Tầng cao là cây bóng mát, ở giữa là tầng cây bụi và cuối cùng là tầng thảm cỏ, cây lá rực rỡ màu sắc.

“Theo tính toán của các nhà khoa học, khi trồng cây xanh, hai năm đầu tiên cho 3 - 5m2 cây xanh. Sau 5 năm, có từ 15 - 18m2 và 10 năm là 25 - 30m2 cây xanh. Vậy 1 triệu cây xanh, sau 5 năm Hà Nội có ít nhất 15 - 20 triệu m2 cây xanh. Số lượng này chia cho 75 triệu dân, ước tính có thêm 2,5m2/cây xanh/người”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đưa ra số liệu.

Ông Vũ Kiên Trung - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, trong chương trình trồng thêm 1 triệu cây xanh (giai đoạn 2016 - 2020), trên toàn Thành phố đã trồng mới được 210.000 cây xanh, phát triển trên các tuyến phố cũ, tuyến đường mới, trong các công viên cũ, công viên mới. Trong đó, nhiều cây có giá trị cao về tính quý hiếm, kiến trúc cảnh quan và môi trường sinh thái của đô thị Hà Nội như: sang, hoa ban, chà là, cọ dầu…

Đi trên nhiều tuyến phố hiện nay, người dân thấy được những hàng cây được trồng đồng bộ đã bắt đầu xòe tán, đơm bông. Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 10,5km ngập sắc xanh với hàng nghìn cây đang phát triển. Phủ bóng hai bên đường là những hàng bằng lăng và dừa cảnh thẳng tắp, cao trên 3m, khu vực thảm cỏ giữa dải phân cách được trồng 1.000 cây hoa ban tạo thành một “khu rừng” xanh nơi cửa ngõ Thủ đô. Đường Võ Chí Công dài hơn 4km được trồng toàn bộ hoa phượng, hai bên đường hàng cây mọc thẳng, tán đẹp, hứa hẹn sẽ đỏ rực màu hoa khi hè tới.

Tại cửa ngõ phía Tây Thành phố, tuyến đại lộ Thăng Long được trồng những hàng cây thẳng tắp. Đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho biết, cây xanh được trồng tại đây chủ yếu là cây cọ dầu. Theo dự tính, thời gian tới trục đường này sẽ có diện mạo mới khi 45.000 cây bóng mát được trồng sẽ biến 98ha đất trống ở đại lộ Thăng Long thành một “cánh rừng” nối dài từ Ba Vì về Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Và, còn rất nhiều tuyến đường trong nội thành cây xanh được bổ sung đang phát triển tốt như đường Văn Cao, Tôn Thất Thuyết, Phạm Văn Bạch.

“Góp cây” phủ xanh Hà Nội

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc thực hiện kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh cho Hà Nội là sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức và sự chung tay của nhân dân cả nước.

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, đến nay Thủ đô đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ, hưởng ứng thiết thực như: Tỉnh Sơn La tặng 500 cây hoa ban; Tập đoàn Aeon Nhật Bản tặng 3.000 cây hoa anh đào; Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng (Ecopark) hỗ trợ trồng mới 1.000 cây xanh và tài trợ trồng cây tại đại lộ Thăng Long; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong hỗ trợ trồng 5.000 cây; Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam hỗ trợ 3 xe cần cẩu cắt tỉa cây xanh… Nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho cây xanh cũng tăng mạnh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như: Vingroup, VPBank, AIC, Vinaconex…

Trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để trồng mới và thay thế cây xanh đã được nhiều đơn vị nhiệt tình thực hiện. Với việc cùng vào cuộc của cả cộng đồng đã giúp mục tiêu tạo dựng một môi trường xanh sớm trở thành hiện thực. Để hoàn thành ước mơ “đưa rừng vào phố”, tất cả các đơn vị được cấp phép trồng và chăm sóc cây xanh đều phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt từ khâu chọn chủng loại cho đến ươm trồng và đặc biệt phải bảo hành tuổi thọ cho cây. Để có một hàng cây ngay ngắn trên đường phố không hề đơn giản. Trước tiên phải được lãnh đạo thành phố và các chuyên gia thẩm định, đánh giá, sau đó được ươm lớn, khỏe mạnh trong vườn rồi mới đem ra trồng. Suốt thời gian bảo hành (tối thiểu là một năm) cây nào chết phải được thay mới ngay, cây phát triển tốt thì được chăm sóc kỹ càng, cẩn thận

Bà Phan Thị Mỹ Linh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao Chương trình trồng 1 triệu cây xanh. Tuy nhiên ngay trong lòng Thủ đô, khi hàng loạt khu chung cư mọc lên, không ít nơi diện tích đất cho cây xanh vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ. Thậm chí, tình trạng bê tông hóa mặt nước sông, hồ cũng thực sự nghiêm trọng. Để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, cần đẩy nhanh lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học trong nội thành theo định hướng của Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030. Trên cơ sở đó dành quỹ đất sau khi di dời để tăng không gian xanh, công viên, chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ..

Ý kiến của bạn

Bình luận