Hạ tầng quá tải, làm thế nào thu hút nguồn lực đầu tư cảng hàng không?

Tác giả: L.Chi

saosaosaosaosao
Hàng không 23/06/2023 17:29

Tốc độ phát triển rất nhanh của vận tải hàng không gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không tại Việt Nam. Điều đáng nói, tình trạng quá tải hạ tầng tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng…

Vốn huy động chủ yếu từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước

Sân bay quá tải, làm thế nào huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không? - Ảnh 1.

ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT). Ảnh: Nhật Bắc

Nêu khái quát về thực trạng hạ tầng hàng không hiện nay tại Tọa đàm "Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay (23/6), ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay, hiện nay Việt Nam đang khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 21 cảng hàng không do doanh nghiệp nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam quản lý và 1 cảng hàng không kêu gọi, huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là Cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh).

Theo ông Dũng, giai đoạn 2011-2019, tốc độ phát triển của ngành hàng không Việt Nam rất cao, trung bình từ 16-18%/năm, được Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới. Với tốc độ phát triển này đã gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Giai đoạn 2011 – 2019, kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không Việt Nam đạt được công suất thiết kế cho các cảng hàng không là 95 triệu lượt hành khách/năm. Trong khi thực tế thời điểm cao nhất trước Covid-19 (năm 2019), sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm. Như vậy là đã vượt khoảng 20 triệu lượt khách thông qua hệ thống cảng hàng không Việt Nam.

"Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, tập trung chủ yếu vào các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước, cụ thể là Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng", ông Dũng nói và cho biết, giai đoạn vừa qua, nguồn vốn huy động vào các cảng hàng không chủ yếu là ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, trong giai đoạn vừa qua đã thu hút được 95 nghìn tỷ, trong đó ngân sách nhà nước khoảng 13,5%, còn lại là nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - doanh nghiệp nhà nước và nguồn vốn PPP cho Cảng hàng không Vân Đồn.

Chia sẻ về kinh nghiệm, bài học trong thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, ông Cao Tường Huy, Q.Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh quán triệt các chỉ đạo của Trung ương về phát triển cơ sở hạ tầng. Với tư duy đổi mới, tinh thần chủ động, sáng tạo, lãnh đạo tỉnh sớm định hướng đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông với quan điểm giao thông phải đi trước 1 bước, phải đổi mới phương thức huy động và khơi thông các nguồn lực.

"Chúng tôi đã tư duy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Chúng tôi tiếp cận chủ trương và kiên trì thực hiện tái cơ cấu đầu tư công và lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư. Trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã thành công trong lĩnh vực này. Trung bình 1 đồng ngân sách bỏ ra, chúng tôi thu hút được 8-9 đồng ngoài ngân sách đầu tư cho tỉnh Quảng Ninh. Nhờ đó, giai đoạn 2014 cho đến nay, chúng tôi đã huy động được trên 140 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển hạ tầng. Trong đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn Quảng Ninh theo phương thức đối tác công-tư đã huy động được 45 nghìn tỷ đồng", ông Huy thông tin.

Lấy ví dụ về Cảng hàng không Vân Đồn, ông Huy cho rằng, đây là công trình động lực mà tỉnh xác định phải đầu tư và Vân Đồn cũng là cảng hàng không đầu tiên mà Chính phủ giao cho Quảng Ninh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện, cũng là cảng hàng không đầu tiên thực hiện theo hình thức BOT.

"Bài học kinh nghiệm mà tỉnh đúc kết được là phải bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Trung ương, Chính phủ và của ngành, đặc biệt là Bộ GTVT. Đồng thời, phương pháp tổ chức đầu tư, cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá chiến lược cũng cần cải tiến để quyết tâm lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết. Ngoài ra, chúng tôi quyết liệt trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để hỗ trợ nhà đầu tư một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất các chi phí đầu tư", Q. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay.

Giải pháp gỡ vướng khi kêu gọi xã hội hóa đầu tư cảng hàng không

Sân bay quá tải, làm thế nào huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không? - Ảnh 2.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam. Ảnh: Nhật Bắc

Nhận định về những khó khăn, vướng mắc trong xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng hàng không, chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cho rằng đang nằm ở 4 chữ: "Chưa có đường đi".

"Tức là nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa", ông Nam nói.

"Chúng ta đang nói về vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay nhưng thực tế câu chuyện này đã nói 10 năm nay. Đã có nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp và cả nhiều chỉ đạo, nhưng hiện nay mới chỉ có một sân bay xã hội hóa được là sân bay Vân Đồn. Ngoài ra có hai dự án nhà ga được xã hội hóa là nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng và nhà ga sân bay quốc tế Cam Ranh", chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam dẫn chứng và cho rằng, trên thế giới, nói về xã hội hóa hạ tầng sân bay thì đó là một khái niệm và có rất nhiều cách làm, rất nhiều mô hình. Với Việt Nam, cần phải xác định rõ mô hình và phải xử lý các vấn đề phát sinh của mô hình mà chúng ta lựa chọn. Đặc biệt, có 3 vấn đề cần phải làm rõ. Đó là quan hệ về đất đai; Quan hệ về hạ tầng khu bay; Xử lý tài sản của ACV hiện nay đối với các sân bay tới đây sẽ thực hiện xã hội hóa như thế nào.

Bên cạnh đó, ông Lương Hoài Nam lo ngại việc nếu các nhà đầu tư không được quyền tham vấn, không được đề xuất về quy hoạch thì sẽ rất khó tìm kiếm được nhà đầu tư. Từ đó, ông Nam kiến nghị cần có cơ chế cho các nhà đầu tư có quyền tham gia đề xuất vào quy hoạch của sân bay có ý định thực hiện xã hội hóa.

Sân bay quá tải, làm thế nào huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không? - Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Sáu, Nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Nhật Bắc

Trước ý kiến cho rằng, nhiều cơ chế, chính sách hiện nay về thu hút đầu tư còn chưa theo kịp với thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, khiến nhà đầu tư "bó buộc" cũng như tác động đến vấn đề "hài hòa lợi ích" giữa Nhà nước, nhà đầu tư, ông Phạm Ngọc Sáu, Nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn nêu quan điểm, vấn đề quan trọng nhất hiện tại là làm sao đẩy nhanh việc đầu tư vào hạ tầng sân bay. Theo ông Sáu, hạ tầng cảng hàng không hiện nay có 2 hạ tầng chính, không chỉ là các sân bay mới, sân bay hiện hữu mà cần đầu tư cơ sở hạ tầng của sân bay như nhà ga hàng hóa, nhà ga hành khách và công trình phụ trợ.

"Rất nhiều công trình đó chúng ta phải tìm cách đầu tư càng sớm càng tốt. Vấn đề chính ở đây để chúng ta triển khai được là con đường chúng ta đi, làm thế nào để tạo ra được hành lang pháp lý thuận lợi, có tiếng nói giữa nhà đầu tư và Nhà nước. Hai cái đó nếu khớp nhau được thì chúng ta sẽ giải quyết được các vấn đề đặt ra", ông Sáu nói.

"Việc triển khai vào sân bay có 2 mục đích. Một là nâng cấp để đảm bảo sản lượng tăng trong thời gian tới. Mục đích nữa là chúng ta chỉ nhắm vào nâng cấp sân bay hiện tại mà không nghĩ tới việc có những sân bay hết khả năng phát triển rồi, nguồn lực về đất đã không còn thì chúng ta phải thiết kế những sân bay để chia sẻ tải của sân bay hiện hữu. Hiện tại chúng ta chưa tập trung sâu vào vấn đề đó để khi quá tải, chúng ta đảm bảo được hoạt động, tránh việc tắc nghẽn", Nguyên Giám đốc Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn nói thêm.

Huy động 420.000 tỷ đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030

Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định: nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Về giải pháp huy động vốn đầu tư, đối với cảng hàng không mới sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP. Trong khi đó, đối với cảng hàng không hiện đang khai thác: Nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nghiên cứu xây dựng cơ chế tài chính để doanh nghiệp cảng và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bảo đảm hoạt động bay đủ năng lực tự đầu tư, quản lý và khai thác các công trình kết cấu hạ tầng sân bay và công trình kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay.

Đối với các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo sẽ ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước (ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước) để đầu tư các công trình thiết yếu.


Ý kiến của bạn

Bình luận