Quốc lộ 1 “oàn mình” kêu cứu
Tuyến Quốc lộ 1 (QL1) đi qua địa bàn các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư, nâng cấp và đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng thời gian qua liên tục hư hỏng, xuống cấp. Ngoài các nguyên nhân do yếu tố thời tiết, địa chất, kỹ thuật...thì việc xe quá tải vẫn hoạt động rầm rộ là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Tình trạng mặt đường xuống cấp, hằn lún xuất hiện chủ yếu ở một làn đường.
Cụ thể, tình trạng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện ở làn đường bên trái, chiều từ các mỏ vật liệu xây dựng thuộc các huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên đi thành phố Hà Tĩnh. Còn làn đường của chiều ngược lại thì ít xảy ra.
Điều này có thể khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến vệt hằn lún bánh xe tuyến đường này vẫn là do xe chở vật liệu quá tải đi ra từ các mỏ gây ra.
Xe quá tải hoạt động thành từng đoàn, nối đuôi nhau “cày ải” mặt đường QL1 |
Dù trước đó, các đơn vị quản lý tuyến đường này đã nhiều lần tiến hành cào bóc các đoạn hằn lún vệt bánh xe để thảm lại bằng loại bê tông nhựa Polyme, tuy nhiên chỉ được một thời gian ngắn, rồi đâu lại vào đấy.
Vào thời điểm năm 2015, tại buổi lễ khánh thành Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm đó là Phó Thủ tướng - Pv) đánh giá, Quốc lộ 1A là tuyến đường quan trọng xuyên quốc gia, ảnh hưởng phát triển kinh tế xã hội tại nhiều tỉnh miền Trung, đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh. Chính phủ, Bộ Giao thông đã có nhiều cơ chế chính sách, chỉ đạo quyết liệt, các đơn vị thi công đã nỗ lực ngày đêm đưa dự án về trước kế hoạch.
Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị phải tổ chức giao thông tốt, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn giao thông, nhất là xe quá tải, quyết tâm giảm tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A.
Xe chở đất có ngọn, cơi nới thành thùng từ mỏ vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Kỳ Đồng ( huyện Kỳ Anh) ra quốc lộ 1 |
“Chạm mặt” xe quá tải
Những ngày cuối tháng 4 vừa qua, phóng viên Tạp chí GTVT vào cuộc ghi nhận thực trạng xe quá tải hoạt động trên tuyến QL1 (Hà Tĩnh). Mặc dù lực lượng chức năng hoạt động 24/24, nhưng xe tải chở đầy đất, đá hộc, có dấu hiệu chở quá tải, cơi nới thành thùng vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí xe quá tải, quá khổ còn qua mặt “trạm” kiểm soát đặt tại QL1 đoạn qua địa phận huyện Kỳ Anh.
Tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh, theo ghi nhận của phóng viên, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, đã có hàng chục phương tiện chở đất đá vượt thùng cho phép và có dấu hiệu vi phạm quá khổ quá tải. Địa điểm này khá gần với trụ sở công an huyện Kỳ Anh và trạm kiểm soát của Phòng CSGT tỉnh Hà Tĩnh. Thế nhưng trong nhiều ngày ghi hình tại đây, phóng viên không thấy lực lượng chức năng trên địa bàn tiến hành kiểm tra, xử lý.
Trên chiếc xe tải màu xanh mang nhãn hiệu HuynDai loại 8 tấn, mang biển kiểm soát (BKS) Hà Tĩnh, từ một mỏ vật liệu xây dựng thuộc xã Kỳ Đồng (Kỳ Anh), tài xế Thuận liên tục phải kéo những hồi còi dài để báo hiệu cho các phương tiện đi phía trước. Anh giải thích: “Quốc lộ 1 vốn đông phương tiện, xe mình thì nặng thế, không kéo còi từ xa lúc đến gần sợ không phanh kịp”.
Chúng tôi hỏi: “Xe chở gì, bao nhiêu tấn?”. Anh đáp: “Chở đất, cả xác xe và hàng vào khoảng 30 tấn, gần gấp 3 lần tải trọng cho phép". Đất san lấp thường rất nặng, đặc biệt khi bị ngấm nước. Tuy vậy, chỉ cần phủ lên trên thùng một lớp bạt mỏng che đậy đám vật liệu nặng nề bị lèn chặt phía dưới, chiếc xe của anh Thuận cứ thế lao vun vút trên QL1 mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm soát nào.
Theo lái xe Thuận, phần lớn các xe chở đất trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên tải trọng cho phép chỉ từ 7 - 8 tấn nhưng thực tế thì xe lại chở đến 25 - 30 tấn. Xe quá tải lưu thông trên đường rất nhiều, nếu cân kiểm tra toàn bộ, tôi nghĩ sẽ không có xe nào chạy được trên đường cả.
Tương tự, tại các mỏ vật liệu xây dựng thuộc xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên), trong nhiều ngày quan sát và ghi chép, theo ước tính sơ bộ của PV, chỉ tính riêng tuyến QL 1 từ các mỏ này về thị trấn Cẩm Xuyên, thành phố Hà Tĩnh..., mỗi ngày có đến hàng trăm lượt xe tải, có dấu hiệu cơi nới thùng thành và quá tải, chở vật liệu nặng (chủ yếu là đất, đá) nườm nượp qua lại.
Tận dụng tối đa để cơi nới thành thùng và chở quá tải |
Mỗi lần các xe này lao vun vút trên đường, người tham gia giao thông phải “dạt” sang hai bên lề để đảm bảo an toàn tính mạng.
Nhiều xe không chỉ có dấu hiệu chở quá tải, mà còn che chắn sơ sài, khiến đất, đá vương vãi khắp mặt đường, thậm chí, cứ mỗi chuyến xe chạy qua, lượng đất loãng từ trên xe lả chả rơi xuống đường vô cùng nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông phía sau.
Bám theo những chiếc xe này, chúng tôi phát hiện có nhiều đột biến kỳ lạ. Dẫu cho nơi đổ vật liệu có thể ở bất cứ đâu trên địa bàn Hà Tĩnh và có chở nặng thế nào, thì chiếc xe vẫn cứ bon bon lăn bánh mà không hề bị cơ quan chức năng kiểm tra.
Các xe này vượt qua nhiều chốt kiểm tra thuộc lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh mà không hề bị xử lý |
Tất thảy lái xe khi được hỏi, đều chung câu trả lời rằng: “không dễ gì để chở được quá tải mà các lực lượng chức năng không biết, nếu chạy được phải theo luật ngầm”.
Vậy các xe quá tải đề cập tới vấn để “luật ngầm” nghĩa là gì, liên quan tới những lực lượng nào? Để xảy ra tình trạng xe quá tải, quá khổ hoạt động trên QL1 trách nhiệm thuộc về ai? Có lẽ, câu hỏi này xin dành cho các cơ quan chức năng… xác minh, làm rõ.
Chúng tôi sẽ trở lại sự việc này ở bài viết tiếp theo./.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.