Hai chủ đầu tư giao thông “ôm” nghìn tỷ chưa tiêu nổi một đồng

Đầu tư - Hạ tầng 13/04/2022 09:03

Sở GTVT Hà Nam được giao 932 tỷ đồng, Sở GTVT Hưng Yên được giao 547 tỷ đồng nhưng đến nay chưa giải ngân đồng nào.

Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Sở GTVT Hà Nam) được giao kế hoạch năm 2022 là 230 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào

Dự án tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (Sở GTVT Hà Nam) được giao kế hoạch năm 2022 là 230 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được đồng nào

Thông tin tại cuộc họp giao ban quý I/2022 của Bộ GTVT vào sáng nay (13/4), ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ KH-ĐT cho biết, trong tháng 3/2022, Bộ GTVT giải ngân 4.800 tỷ đồng, lũy kế hết quý I/2022 giải ngân đạt  7.200/41.955 tỷ đồng, đạt 17,2% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 14,3% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Đánh giá về kết quả giải ngân, ông Huy cho biết, theo báo cáo của Bộ Tài chính, dự kiến hết tháng 3/2022 cả nước giải ngân đạt 11,88% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. “Như vậy, kết quả giải ngân của Bộ GTVT đã vượt mức bình quân chung cả nước”, ông Huy nói và cho biết, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các Thứ trưởng và sự nỗ lực, quyết tâm của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong công tác chỉ đạo, điều hành.

“Tuy nhiên, giá trị giải ngân quý I/2022 của Bộ GTVT chủ yếu tập trung ở thu hồi ứng trước kế hoạch, trả nợ BT, quyết toán, GPMB và tạm ứng hợp đồng. Trong khi đó, giải ngân khối lượng xây lắp chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng, tập trung tại các dự án: Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 khoảng 2.500 tỷ đồng và các dự án quan trọng, cấp bách khoảng 410 tỷ đồng”, ông Huy nói thêm.

Thống kê của Vụ KH-ĐT cho thấy, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án có kết quả giải ngân cao hơn mức bình quân chung của Bộ GTVT, gồm: Ban QLDA Hàng hải: 483/1.489 tỷ đồng (32%); Ban QLDA Thăng Long: 1.952/6.866 tỷ đồng (28%); Sở GTVT Điện Biên: 108/418 tỷ đồng (26%); Ban QLDA đường Hồ Chí Minh: 1.023/4.290 tỷ đồng (23%).

Tuy nhiên, còn một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, GPMB, hoàn thiện thủ tục đấu thầu, tạm ứng hợp đồng,... nên kết quả giải ngân chưa cao.

Điển hình là Sở GTVT Yên Bái: 5/191 tỷ đồng (2,6%); Sở GTVT Kon Tum: 20/250 tỷ đồng (8%); Ban QLDA Mỹ Thuận: 344/3.699 tỷ đồng (9%); Ban QLDA Đường thủy: 102/994 tỷ đồng (10%); Sở GTVT Hà Giang: 32/307 tỷ đồng (10%).

“Đặc biệt, một số chủ đầu tư được giao kế hoạch lớn, chưa thực hiện giải ngân như: Sở GTVT Hà Nam được giao 932 tỷ đồng, Sở GTVT Hưng Yên được giao 547 tỷ đồng”, ông Huy nói.

Về kế hoạch giải ngân tháng 4 và quý II/2022, ông Huy cho biết, theo kế hoạch các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đăng ký, trong tháng 4/2022, Bộ GTVT sẽ giải ngân khoảng 3.800 tỷ đồng (10 ngày đầu tháng 4 đã giải ngân 1.600 tỷ đồng); lũy kế tới hết tháng 4/2021 sẽ giải ngân 11.000 tỷ đồng, đạt khoảng 22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

“Trong quý II/2022, Bộ GTVT sẽ giải ngân khoảng 10.940 tỷ đồng; lũy kế tới hết quý II/2022 sẽ giải ngân khoảng 18.140 tỷ đồng, đạt khoảng 36% kế hoạch thủ tướng Chính phủ giao”, ông Huy thông tin.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận