Hải Dương siết chặt công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng MBH

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Hoạt động Ban ATGT 07/06/2016 05:25

Trong thời gian qua, các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm trên địa bàn tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, các hộ kinh doanh buôn bán và các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm.

_dsc2213-1729
Lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Bí thư BCH Trung ương Đoàn Nguyễn Phi Long, lãnh đạo Sở GTVT Hải Dương đi bộ diễu hành vì ATGT trong chương trình trao tặng mũ baả hiểm cho trẻ em tại Hải Dương

Nâng cao ý thức của người dân

Ông Nguyễn Anh Cương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết thông qua các hoạt động tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người tham gia giao thông, các hộ kinh doanh buôn bán và các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm.

Theo đó, lực lượng chức năng của tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đã tổ chức 2 đợt kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng và ghi nhãn sản phẩm hàng hóa tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu mũ bảo hiểm trên địa bàn thành phố Hải Dương, thị xã Chí Linh và huyện Thanh Miện.

Cụ thể, về cơ sở sản xuất, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm là Công ty cổ phần Quốc tế Nakata (huyện Thanh Miện) và Công ty TNHH MTV Sơn Tùng Hải Dương (TP Hải Dương); qua kiểm tra hai công ty đều đã thực hiện chứng nhận hợp quy về mũ bảo hiểm, ghi nhãn theo quy định của pháp luật; đoàn kiểm tra đã lấy mẫu mũ bảo hiểm của Công ty cổ phần Quốc tế Nakata để thử nghiệm tại phòng thử nghiệm chỉ định, kết quả đạt yêu cầu theo quy định.

Về các cơ sở kinh doanh, hầu hết các cửa hàng thực hiện lưu trữ các hồ sơ về tiêu chuẩn, chất lượng đối với mặt hàng mũ bảo hiểm như giấy chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy, phiếu kết quả thử nghiệm và đa số các sản phẩm mũ bảo hiểm bày bán đều có dấu hợp quy CR, ghi nhãn theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, các lực lượng chức năng đã tổ chức ký cam kết không vi phạm các quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm đối với các cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm; đồng thời tuyên truyền nhắc nhở và xử lý theo quy của pháp luật đối với một số cửa hàng chưa ghi nhãn theo quy định. Cụ thể đã phát hiện và xử lý 68 vụ liên quan về kinh doanh mũ bảo hiểm, xử phạt vi phạm hành chính 34,4 triệu đồng, trong đó 1.775 chiếc vi phạm về nhãn hàng hóa, 40 chiếc mũ bảo hiểm giả.

Đồng thời, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về đội mũ bảo hiểm được lực lượng cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh đưa vào trong hoạt động tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Trong các đợt cao điểm hoặc các đợt kiểm tra theo chuyên đề về sử dụng mũ bảo hiểm, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện và xử lý 3.656 trường hợp vi phạm các quy định về sử dụng mũ bảo hiểm, phạt tiền trên 548 triệu đồng.

“Tỷ lệ người tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe gắn máy chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm đã được nâng lên rõ rệt so với giai đoạn trước; đặc biệt là trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn gây ra trong thời gian qua và tỷ lệ số người bị thương giảm trung bình từ 3-4%/năm tính từ năm 2013 đến nay”, ông Nguyễn Anh Cương cho biết thêm.

Cũng theo ông Cương, tỉnh Hải Dương cơ bản xóa bỏ được tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh, buôn bán mũ thời trang có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm trên các vỉa hè, tuyến phố. Các sở, ngành, hội đoàn thể và các địa phương đã phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác tuyên truyền quy định của pháp luật liên quan tới mũ bảo hiểm; thực hiện tốt công tác tuyên truyền trong ngành, lĩnh vực quản lý giúp cho người tham gia giao thông, các doanh nghiệp kinh doanh, buôn bán mũ bảo hiểm nâng cao nhận thức chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

 

_dsc2446-1734
Mũ bảo hiểm góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn gây ra trong thời gian qua

Tiếp tục siết chặt quản lý

Theo UBND tỉnh Hải Dương, hiện nay, một bộ phận người dân nhất là thanh thiếu niên ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông còn hạn chế; chưa thực hiện nghiêm quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; tình trạng học phổ thông đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm và các bậc cha, mẹ không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Lực lượng chức năng cũng chưa có biện pháp hữu hiệu, quyết liệt để xử lý các vi phạm này.

Đồng thời, địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng người tham gia giao thông chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng nên sử dụng loại mũ không phải là mũ bảo hiểm để đối phó với lực lượng chức năng, do đó trên thị trường vẫn còn tình trạng kinh doanh buôn bán các loại mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Công tác phối hợp thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng mũ bảo hiểm ở một số địa phương còn chậm, thiếu quyết liệt.

Do đó, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, kéo giảm tỷ lệ chấn thương do tai nạn gây ra, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ có biện pháp cấm các cơ sở sản xuất các mặt hàng mũ thời trang có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm dễ gây nhầm lẫn hoặc để người dân lợi dụng đối phó với lực lượng chức năng.

Các cơ quan truyền thông từ Trung ương tới địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phượng tiện thông tin đại chúng về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm để các doanh nghiệp, người dân nâng cao hiểu biết chấp hành và nhận biết mũ bảo hiểm giả, mũ bảo hiểm đạt chuẩn và các tác hại của việc không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng khi xảy ra tai nạn giao thông.

Bộ Công thương tăng cường công tác quản lý thị trường nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, buôn bán các sản phẩm mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng theo quy định. Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm từ các cơ sở sản xuất.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tăng cường giáo dục học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên để các em không chỉ chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm trong nhà trường mà phải tự giác chấp hành trên toàn bộ hành trình tham gia giao thông. UBND tỉnh đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt kiểm tra, xử lý các vi phạm về đội mũ bảo hiểm, nhất là đối với học sinh phổ thông và các bậc cha mẹ có con em học tiểu học.

Ý kiến của bạn

Bình luận