Hiện trường sự cố tàu đâm va cầu An Thái, Hải Dương ngày 6/3. Ảnh: Đỗ Hoàng |
TNGT gia tăng
Ông Lê Đình Long, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh cho biết mặc dù các đoàn thể tích cực tuyên truyền, hoạt động đảm bảo ATGT nhưng 6 tháng đầu năm 2016 TNGT trên địa bàn tỉnh tăng hai tiêu chí về số vụ và số người chết cho thấy tình hình TNGT còn có diễn biến phức tạp, TNGT rất nghiêm trọng xảy ra nhiều, trong đó có 5 vụ làm 7 người chết và 9 người bị thương.
Cụ thể 6 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh xảy ra 101 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 86 người, làm bị thương 48 người. So với cùng kỳ năm 2015, số vụ TNGT tăng 8 vụ (9.8%), tăng 1 người chết (1.2%) và giảm 15 người bị thương (-24%). Trong đó, TNGT đường bộ xảy ra 85 vụ, làm 83 người chết và 36 người bị thương; TNGT đường sắt xảy ra 3 vụ, làm 2 người chết, làm bị thương 1 người và TNGT đường thủy xảy ra 2 vụ, làm 1 người chết. Các địa phương tăng cao về TNGT là thành phố Hải Dương, huyện Kim Thành và huyện Ninh Giang.
"Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng tình trạng người tham gia giao thông vi phạm vẫn còn phổ biến, nhất là thanh thiếu niên. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: vi phạm tốc độ, uống rượu bia, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm làn đường phần đường, đặc biệt vào các dịp nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần", ông Long đánh giá.
Trong đó, tình trạng phương tiện chở hàng quá tải cơ bản đã được kiểm soát trên các tuyến quốc lộ, song ở nhiều địa phương trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường giao thông nông thôn xe quá tải vẫn còn hoạt động gây hư hỏng các công trình giao thông và gây mất ATGT.
Đồng thời, việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban An toàn giao thông tỉnh ở một số ngành, địa phương còn chậm, hiệu quả thấp; thậm chí công tác tuyên truyền, bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa được quan tâm coi trọng đúng mức. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, văn hóa giao thông của một bộ phận người dân, công nhân tại các khu công nghiệp và nhiều lái xe của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn hạn chế, thường xuyên vi phạm gây mất an toàn giao thông.
Các tuyến quốc lộ trọng điểm như QL5, QL18, QL37 đi qua trung tâm thành phố, thị xã; cùng với phương tiện cá nhân tăng nhanh, nhất là xe mô tô, xe máy điện, xe đạp điện đã làm tăng áp lực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Tình trạng các phương tiện xe bốn trục trở lên né tránh các trạm thu phí trên QL5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi vào đường tỉnh 391 và các tuyến đường khác của địa phương làm mất TTATGT, ùn tắc giao thông, hư hỏng kết cấu cầu đường bộ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ và thành phố Hải Dương.
“Tình hình TTATGT đường sắt, đường thủy nội địa luôn có diễn biến khó lường, nhất là hệ thống đường sắt, đường bộ chạy song song trên chiều dài hơn 40Km của QL5 và đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, cùng với mật độ dân cư đông đúc, đường ngang dân sinh nhiều, chưa có đường gom, tần suất chạy tàu cao, ảnh hưởng lớn tới bảo đảm trật tự ATGT đường sắt”, ông Lê Đình Long cho biết thêm.
Siết chặt quản lý
Trước tình trạng TNGT gia tăng, để kiềm chế và tiến tới giảm dần TNGT trong 6 tháng cuối năm, Ban ATGT tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự ATGT, trong đó tập trung vào quản lý các doanh nghiệp và điều kiện kinh doanh vận tải, kiểm soát chặt chẽ công tác đăng kiểm phương tiện, quản lý đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe; tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm an toàn giao thông của các công trình đang khai thác và quá trình thi công nâng cấp, bảo trì và giải tỏa hành lang ATGT.
Cũng theo ông Lê Đình Long, hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, xử lý vi phạm là đòi hỏi cần thiết do số lượng phương tiện và người tham gia giao thông ngày càng tăng cao trong khi lực lượng tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm còn mỏng, nên Ban ATGT tỉnh đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu báo cáo Chính phủ quy định việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuần tra, xử lý vi phạm, bao gồm quy định cụ thể: Cơ chế huy động vốn để xây dựng hạ tầng, quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm, các cơ quan quản lý điều khiển giao thông... tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào kiểm tra, xử lý vi phạm, phòng chống tiêu cực.
Đồng thời, Ban ATGT tỉnh cũng đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công nâng cấp QL18, QL38B và sửa chữa hằn lún vệt bánh xe trên QL5. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông trên QL38B, đề nghị Bộ giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo Chủ đầu tư, nhà thầu tăng cường công tác bảo đảm giao thông, vệ sinh môi trường và giao cho đơn vị quản lý đường cắm biển hạn chế xe 4 trục trở lên lưu thông trên tuyến cho đến khi thi công xong dự án.
Mức phí trên đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đối với xe ô tô từ 4 trục trở lên cần được giảm để tránh các phương tiện đi vào làm hư hỏng và gây mất ATGT các tuyến đường địa phương và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu báo cáo Bộ hỗ trợ tỉnh đầu tư xây dựng khoảng 2,5Km đường gom với đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng để xóa bỏ ngay gần 100 lối đi dân sinh nhằm giảm TNGT đường sắt.
Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh sẽ đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi tầng lớp nhân dân để nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, đẩy mạnh xây dựng văn hóa giao thông; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động vận tải khách và hàng hóa đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận tải và người điều khiển phương tiện.
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.