Một binh sĩ Triều Tiên đứng canh gác các thùng dầu gần biên giới Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Đường ống dẫn dầu từ Đan Đông, Trung Quốc, sang Sinuiju, Triều Tiên, một năm chuyển hơn nửa triệu tấn dầu thô qua biên giới, chiếm 90% lượng dầu thô mà Triều Tiên nhập. Hôm 11/9, nó bỗng bị loại khỏi nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo South China Morning Post.
Yếu tố kỹ thuật
Được Washington mô tả là lệnh trừng phạt mạnh nhất từ trước tới nay, nghị quyết bao gồm các biện pháp cắt giảm hơn 55% sản phẩm từ lọc dầu tới Triều Tiên, chỉ cho phép Triều Tiên nhập khẩu các sản phẩm từ lọc dầu với hạn mức hai triệu thùng mỗi năm, đồng thời đóng băng lượng dầu thô hiện cung cấp cho Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, nghị quyết từ Liên Hợp Quốc nêu rõ lượng dầu thô chảy qua đường ống Đan Đông - Sinuiju sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt. Điều này khiến không ít người cảm thấy khó hiểu, cho rằng đây là một nghị quyết nửa vời và cho thấy thực tế Trung Quốc vẫn chưa sẵn sàng gây áp lực lớn hơn lên Triều Tiên.
Song Liu Ming, nhà phân tích về các vấn đề Triều Tiên tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, Trung Quốc, đánh giá những vấn đề kỹ thuật "không thể bị phớt lờ" liên quan đến đường ống mới là nguyên nhân chính khiến nó được loại khỏi nghị quyết trừng phạt.
"Dầu thô vận chuyển qua đường ống Đan Đông - Sinuiju chứa lượng sáp lớn. Nếu dòng chảy dầu chậm hoặc ngừng lại, đường ống sẽ tắc nghẽn và vô cùng tốn kém nếu muốn khắc phục. Nó thậm chí có thể bị hư hỏng và không thể sửa chữa", Liu cho biết.
Nguồn cung cấp dầu thô cho đường ống lấy từ mỏ dầu Đại Khánh ở tỉnh Hắc Long Giang. Chúng có lượng lưu huỳnh đặc biệt thấp và chứa nhiều sáp. Hỗn hợp trên dễ kết đông dưới thời tiết lạnh giá hay khi dòng chảy bị chậm ở mức nào đó, theo báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đường ống dẫn dầu PetroChina.
Trung Quốc sẽ phải bỏ chi phí khá lớn để làm sạch sáp cứng bên trong đường ống và cơ sở hạ tầng có khả năng bị hỏng không thể phục hồi nếu lượng sáp vượt quá ngưỡng cho phép, báo cáo cho hay.
Đường ống chạy dài hơn 30 km từ các cơ sở lưu trữ ở thành phố Đan Đông ở khu vực biên giới Trung Quốc, tới một kho dầu ở Sinuiju, Triều Tiên. Nó hoàn thành hồi tháng 12/1975 và cung cấp 520.000 tấn (3,64 triệu thùng) dầu thô nặng mỗi năm cho Triều Tiên, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc ngừng công bố tổng lượng dầu thô xuất khẩu sang Triều Tiên từ tháng 1/2014, nhưng trong năm 2013, 590.000 tấn đã được chuyển từ Trung Quốc sang nước láng giềng.
Khi vượt qua biên giới, dầu thô trải qua quá trình xử lý tại Nhà máy Hóa chất Ponghwa, cơ sở lọc dầu duy nhất ở Triều Tiên. Bình Nhưỡng xây dựng nhà máy này từ những năm 1970 với sự trợ giúp từ Bắc Kinh.
Hỗn loạn địa chính trị
Theo các bản tin về nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, Mỹ ban đầu muốn cấm vận hoàn toàn dầu mỏ đối với Triều Tiên nhưng Trung Quốc và Nga, hai nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, phản đối. Vì thế, Washington phải nhượng bộ để nghị quyết được thông qua.
Justin Hastings, chuyên gia quan hệ quốc tế nghiên cứu về thương mại Trung - Triều tại Đại học Sydney, nhận định Trung Quốc dường như không muốn tiếp tục gây mất lòng Triều Tiên khi cắt đứt mạch sống của Bình Nhưỡng. Việc Trung Quốc ủng hộ những lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc trước đây đã khiến Triều Tiên không khỏi giận dữ.
"Chính sách Trung Quốc theo đuổi là thuyết phục Triều Tiên ngồi vào bàn thảo luận, không phải quỳ gối, vì thế họ tạo ra những ngoại lệ như vậy nhằm duy trì sự sống cho Triều Tiên", Hastings nói.
"Quan trọng hơn, việc cấm mọi nguồn cung cấp dầu thô ngoại trừ nguồn chảy qua đường ống của Trung Quốc sẽ mang đến cho nước này nhiều đòn bẩy lợi thế trước Triều Tiên, giả định rằng các quốc gia khác tuân thủ chặt chẽ lệnh cấm", Hastings bình luận.
Theo David von Hippel, nhà nghiên cứu tại Viện An ninh và Bền vững Nautilus, trụ sở ở California, Mỹ, Bắc Kinh có thể thật sự không muốn chứng kiến khủng hoảng nhân đạo xảy ra ở Triều Tiên.
"Trung Quốc có lẽ giữ lại đường ống này với cùng lý do nhân đạo và dựa vào những điều khoản thương mại mà họ từng đưa ra trong các nghị quyết trước đây. Cả hai đều nhằm bảo vệ lợi ích kinh doanh của Trung Quốc và giữ nguồn cung cấp dầu cho Triều Tiên ở mức vừa đủ để đảm bảo xã hội Triều Tiên không bị phá vỡ", Hippel suy đoán. "Trung Quốc lo sợ một lượng lớn người tị nạn sẽ tràn qua biên giới, cũng như hỗn loạn địa chính trị".
Tag:
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.