Hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm ngành GTVT những tháng cuối năm

Tác giả: Thùy Dương

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/11/2021 08:28

Dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến ngành GTVT, tuy nhiên toàn thể người lao động đã không ngừng nỗ lực, vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ, tập trung đưa dự án giao thông trọng điểm, cũng như nhiệm vụ quan trọng của Ngành về đích.

 

unnamed
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn (người thứ 4 từ trái sang) kiểm tra tình hình thực hiện Dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Đảm bảo hoạt động vận tải, linh hoạt với dịch bệnh

Ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đến nay toàn ngành GTVT đã cơ bản xây dựng đầy đủ các phương án, nguyên tắc tổ chức vận tải và ban hành đầy đủ các hướng dẫn thực hiện.

Theo ông Ngọc, trong quá trình triển khai, Vụ đã phối hợp kịp thời rà soát, điều chỉnh những quy định chưa phù hợp, cụ thể như sửa đổi một số nội dung tại Quyết định số 1840 quy định tạm thời về tiếp tục triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ và Quyết định số 1839 hướng dẫn tạm thời tổ chức hoạt động vận tải hành khách bằng đường sắt thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo đó, hai quyết định trên yêu cầu hành khách phải kê khai thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác vào bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19 theo mẫu khi làm thủ tục trước chuyến đi nhằm đảm bảo hành khách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai báo trung thực và chấp hành mọi quy định, biện pháp phòng, chống dịch khi về địa phương nơi cư trú. Tuy nhiên, Bộ GTVT nhận thấy, trong quá trình thực hiện gây ra một số bất cập như: tập trung đông người khi hành khách kê khai thông tin tại nhà ga, nguy cơ làm chậm giờ khởi hành... Chính vì vậy, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và Cục Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dừng yêu cầu hành khách đi máy bay và đi tàu kê khai bản cam kết phòng, chống dịch Covid-19. Hành khách đi máy bay, tàu hỏa chỉ cần thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại ứng dụng PC-COVID (mục Khai báo di chuyển nội địa) và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm dịch bệnh khác theo hướng dẫn tại các quyết định của Bộ GTVT.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ GTVT đã tổ chức kịp thời các hội nghị về vận tải logistics trong các lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa; các hội nghị tập huấn, hướng dẫn thực hiện các quy định trong hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các cục quản lý chuyên ngành và cơ quan liên quan cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kịp thời khắc phục hậu quả bão lũ, sửa chữa các tuyến quốc lộ, đường sắt, tổ ứng trực đảm bảo hoạt động vận tải an toàn, thông suốt.

Hối hả trên những công trình giao thông trọng điểm

Ông Lê Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ triển khai thi công các dự án tháng 10 có nhiều chuyển biến hơn tháng 9.

Được biết, dự kiến hết tháng 10, Bộ GTVT giải ngân được 2.204 tỷ đồng, lũy kế 10 tháng giải ngân được 29.114 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch. Trong đó, vốn trong nước giải ngân 26.373 tỷ đồng, đạt 68,4%; vốn nước ngoài giải ngân được 2.741 tỷ đồng, đạt 99,94% kế hoạch, còn lại 23,76 tỷ đồng sẽ phân bổ trả nợ xây dựng cơ bản của 2 dự án đang hoàn thiện thủ tục là cầu Nà Cạn, QL4A và QL34 Khau Đồn - Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng do Sở GTVT tỉnh Cao Bằng là chủ đầu tư.

Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến hết tháng 10/2021, chính quyền 13 địa phương nơi 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đi qua đã bàn giao mặt bằng được 645,3 km, đạt 98,8%, tăng gần 2 km so với tháng 9/2021. Phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao (khoảng 7 km) chủ yếu do chưa hoàn thành công tác xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.

Hiện nay, khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông là do thiếu vật liệu. Tuy nhiên, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 133, sửa đổi Nghị quyết 60 để giải quyết những khó khăn này. Do đó, nỗi lo thiếu vật liệu sẽ không còn căng thẳng như trước. Điển hình như, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 133, UBND tỉnh Bình Thuận - địa phương có dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua đã phê duyệt bổ sung 8 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu. Cũng như Bình Thuận, tỉnh Đồng Nai cũng đã ra văn bản hướng dẫn cho phép cải tạo đất nông nghiệp, gò đồi, từ đó giúp tháo gỡ triệt để việc khan hiếm nguồn cung đất đắp phục vụ dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Đối với dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đại diện Ban Điều hành dự án cho biết, công tác thi công nền đường đã hoàn thành 44/45 km, trên tuyến đã thảm bê tông nhựa 39/45 km. Riêng phần nền đường tại gói thầu XL-10 còn 280 m dự kiến sẽ dỡ tải vào ngày 15/11/2021 khi công tác quan trắc cho thấy đủ yêu cầu về độ lún kỹ thuật. Hiện dự án đang trong giai đoạn nước rút để hoàn thành tiến độ, còn gần 10 km đường chưa thảm nhựa. Trong tháng 10 và tháng 11/2021 sẽ hoàn thành thảm bê tông nhựa phần mặt đường còn lại của dự án và tiến hành hoàn thiện hệ thống ATGT, biển báo, thông tin liên lạc.

Với dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, các đường lăn nối, hệ thống đèn tín hiệu đường cất, hạ cánh 1B đã hoàn thành theo phương án thiết kế điều chỉnh từ ngày 09/9/2021; đường cất, hạ cánh 1A thi công từ ngày 01/10/2021, tiến độ đáp ứng theo kế hoạch điều chỉnh hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 25/6/2022 đã được Bộ GTVT chấp thuận.

Tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án đường lăn nối S7, S8 hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng ngày 10/9/2021, dự kiến thi công hoàn thành đường lăn (P1 đến P6) và lắp đặt thiết bị đường cất, hạ cánh 25R/07L để đưa vào sử dụng ngày 31/10/2021.

Đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị nỗ lực làm tốt công tác giải ngân, đồng thời chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cần tăng cường kiểm tra, giám sát, ban QLDA nào giải ngân chậm thì sẽ thu hồi lại dự án giao cho đơn vị khác.

“Các dự án trọng điểm cần được chú trọng quan tâm, không được chậm tiến độ, nếu có vấn đề vướng mắc, khó khăn gì thì các đơn vị phải báo cáo ngay để giải quyết kịp thời”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận