Theo bản tin của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 122,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippin). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118 - 133km/h), giật cấp 15. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h. Dự báo trong 24h tới bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ khoảng 20 km vào Biển Đông, gió cấp 10 và giật cấp 12, vùng nguy hiểm tại Vĩ tuyến 15,0N-20,0N; phía Đông kinh tuyến 116,5E. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trước diễn biến phức tạp và liên tục có bão trên Biển Đông, Cục ĐBVN có công điện gửi các Sở GTVT từ Thanh Hóa vào đến Lâm Đồng, các Ban QLDA và doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường bộ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 7; chủ động triển khai phương án bảo đảm giao thông và có biện pháp bảo vệ các công trình đường, cầu, cống, nhà kho, phương tiện, máy móc thi công để hạn chế thiệt hại do bão số 7 gây ra.
Chuẩn bị dầm cầu, phao, máy móc, thiết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng bảo đảm giao thông khi sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu đảm bảo giao thông nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại. Đối với các vị trí sạt lở lớn gây tắc giao thông phải cử ngay lãnh đạo Khu QLĐB, lãnh đạo Sở GTVT đến hiện trường; triển khai ngay phương án phân luồng giao thông từ xa và chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông đường bộ chủ động phối hợp với Cảnh sát giao thông và Chính quyền địa phương khi phân luồng; đồng thời, khẩn trương khắc phục sự cố, huy động tối đa máy móc, trang thiết bị và nhân lực hiện có trên địa bàn để bảo đảm thông xe với thời gian nhanh nhất; Các đơn vị có phương án di dời thiết bị, tài sản và giằng chống nhà cửa để đối phó với bão số 7. Kiểm tra, đánh giá tình trạng cầu nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 7; đối với cầu yếu, phải tổ chức theo dõi thường xuyên và xử lý kịp thời khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến khai thác đảm bảo an toàn công trình cũng như an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Đối với các Ban Quản lý dự án 4, 5, 8 chủ động triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và đảm bảo giao thông thông suốt, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị thi công và các hạng mục công trình đang trong quá trình thi công dở dang; Phải có phương án phòng ngừa tác hại của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn khối lượng đã thi công, bảo đảm an toàn giao thông và an toàn cho công trình phụ trợ, trang thiết bị thi công, kho bãi chứa vật liệu, nhà xưởng, nhà sinh hoạt của cán bộ, công nhân viên.
Nhà xưởng, kho bãi chứa vật liệu phải bố trí ở nơi cao, không ngập nước và phải được chằng buộc để không bị sập đổ khi gặp gió, bão; Các trang thiết bị thi công phải được bảo quản an toàn, các phương tiện nổi phải có âu giấu hoặc nơi khuất gió để neo giữ khi mưa bão. Đồng thời, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương tổ chức lực lượng ứng cứu bảo đảm giao thông 24/24h; phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ, diễn biến của Bão số 7; đồng thời yêu cầu các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h; báo cáo thường xuyên tình hình diễn biến, ảnh hưởng của Bão số 7 về Ban Chỉ huy PCTT& TKCN Cục ĐBVN theo số điện thoại "1900.54.55.70 - nhánh số 3".
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.